Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Phải có tư duy hệ thống

02/10/2012 03:15 GMT+7

Diễn đàn “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đã nhận được rất nhiều ý kiến từ độc giả. Báo Thanh Niên xin khép lại diễn đàn bằng góp ý tâm huyết của những nhà giáo.

>> Xây dựng nền giáo dục nhân văn - công nghệ
>> Cải cách quản trị và tài chính
>> Ba kiến nghị tâm huyết

Giáo dục là một hệ thống phức tạp, nếu đổi mới theo kiểu cứ gặp đâu làm đó thì sẽ không tránh được “đầu Ngô, mình Sở”, hiệu quả sẽ rất thấp kém.

 Thay đổi cơ cấu và loại hình GD phổ thông
Để cửa vào ĐH không hẹp, cần phải thay đổi cơ cấu và loại hình GD phổ thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần một hội đồng độc lập với Bộ GD-ĐT

Cải cách hay đổi mới toàn diện, cơ bản phải được quan niệm, thiết kế một cách hệ thống.

Trước hết, xác định lại cho đúng triết lý giáo dục (GD), nghĩa là ta làm GD, đào tạo con người như thế nào trước thực tiễn hiện nay. Thứ hai, phải rà soát lại cả hệ thống cơ cấu tổ chức. Thứ ba, đổi mới từng bộ phận trong cơ cấu của hệ thống GD ấy. Tất cả các khâu phải nhằm khắc phục những tồn tại, những yếu kém, bất cập.

Chính vì vậy, đầu tiên phải kiểm điểm, phân tích yếu kém hiện tại, nếu không nhìn nhận đúng các yếu kém đó thì sẽ không biết đổi mới cái gì. So sánh kinh nghiệm thế giới, dựa vào kinh nghiệm của bản thân chúng ta trong mấy chục năm mới có thể xây dựng được một kế hoạch, đề án cải cách kèm theo lộ trình thực hiện.

Tất cả những việc này đòi hỏi phải tập hợp trí tuệ của những chuyên gia am hiểu nhất về GD, làm việc trong một hội đồng có quy chế độc lập với Bộ GD-ĐT. Có như vậy mới thoát ra được những quan niệm sai lầm nhưng từ lâu vẫn cắm rễ sâu trong ngành GD-ĐT. Bộ có thể có thành viên tham gia vào hội đồng này nhưng không chủ trì đề án này.

Thay đổi cơ cấu giáo dục phổ thông

Chương trình, sách giáo khoa chỉ là một vấn đề trong hệ thống GD phổ thông. Muốn làm điều này phải dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức cơ cấu GD phổ thông đó như thế nào, nghĩa là phải đổi mới cơ cấu tổ chức rồi mới tính đến chương trình.

Thực trạng GD hiện nay cho thấy, hệ thống phổ thông theo chương trình 12 năm là không thích hợp, nhất là quan niệm GD phổ thông nhằm cung cấp học vấn cho mọi công dân trước khi có nghề. Điều đó không sai nhưng quá “sang trọng” đối với một đất nước như Việt Nam. Hiện nay, ngay cả các nước phát triển nhất cũng không đặt mục tiêu như vậy. Người ta thường chỉ đặt mục tiêu GD phổ thông cung cấp học vấn cần thiết cho mọi công dân 8 - 9 năm, cùng lắm là 10 năm. Ở Việt Nam, sau THCS (9 năm), mọi học sinh đều muốn dồn vào THPT, chỉ bất đắc dĩ mới vào học nghề.

Vì vậy vấn đề bất cập của hệ thống GD Việt Nam là số công nhân lành nghề và cán bộ trung cấp kỹ thuật thiếu thốn triền miên, trở ngại rất nhiều cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ. Vì không đủ công nhân lành nghề mà lại thừa kỹ sư dở nên không thể có ngành công nghệ phụ trợ trong nước. Cuối cùng thì cái gì cũng chỉ có nhập ở nước ngoài về để lắp ráp.

Cách tổ chức hệ thống không phù hợp dẫn đến bất cập nữa về mặt xã hội. Hàng chục năm nay, hằng năm kỳ thi tốt nghiệp THPT rất nặng nề, rồi đến kỳ thi tuyển sinh ĐH căng thẳng nhưng cuối cùng chỉ có cùng lắm 40% học sinh vào được ĐH, CĐ. Số còn lại sau 12 năm học “ném” ra đời nhưng không có nghề, chỉ làm lao động giản đơn. “Nút cổ chai” vào ĐH gây một tâm lý căng thẳng trong xã hội. Chính vì vậy mới có chuyện cắm đầu cắm cổ vào dạy thêm, học thêm tiêu cực, chạy bằng, chạy điểm... Những bất cập đó phải được khắc phục.

Cách để giảm tải giáo dục

Hằng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) học sinh vào THPT, còn lại là vào trung học nghề. Cả 2 loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình, học sinh đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ đều hợp lý.

Loại hình trường trung học nghề nên có nhiều nghề cho học sinh lựa chọn, tốt nghiệp ra trường là đã có một nghề thực sự có thể làm việc được hoặc tiếp tục học lên cao hơn tùy nhu cầu và khả năng của từng người. Về loại hình trường THPT như hiện nay, bên cạnh học các môn cơ bản, học sinh có thể chọn một vài môn để học nâng cao theo năng lực và sở thích. Trường THPT không chia ban, mọi học sinh đều được học một chương trình chuẩn (tối thiểu) và có một hay nhiều chương trình nâng cao cho học sinh lựa chọn theo năng lực và sở thích.

Làm được điều này có 2 lợi ích: Thứ nhất không quá tải. Thứ hai, học sinh nào có khả năng về một hướng nào thì đến lớp 12 có thể có một vốn kiến thức khá sâu. Nhờ đó chất lượng đầu vào của ĐH được tăng cường, hơn nữa chương trình nâng cao cho phép có thể lấn vào chương trình ĐH. Học sinh giỏi sẽ được phép bảo lưu kết quả của chương trình nâng cao và lên ĐH thì được rút ngắn thời gian học tập.

Đây là cách làm hợp lý nhất, nếu không làm như vậy thì không bao giờ có thể giảm tải. Chỉ như thế thì sau 12 năm HS hoặc ra đời đã có nghề, còn nếu vào ĐH thì cửa không còn bị hẹp nữa.

Thay đổi cách quản lý đại học phù hợp

Hiện nay GDĐH đã trở thành một nhu cầu đại chúng đồng thời là một điều kiện tất yếu để các quốc gia có thể tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức. Một khi chuyển từ mô hình ĐH tinh hoa sang ĐH đại chúng thì đương nhiên cần phải thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp.

Xu hướng quản trị ĐH trên toàn thế giới là trao quyền tự chủ nhưng tự chủ luôn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình. Để việc đổi mới GDĐH tiến hành một cách hiệu quả, nhất thiết nhà nước cần phải kiên quyết thực hiện các biện pháp sau:

-  Đẩy mạnh xây dựng và triển khai hệ thống kiểm định quốc gia độc lập với Bộ, bao gồm kiểm định trường và cả kiểm định nghề nghiệp (có sự tham gia của các hội nghề nghiệp và nhà tuyển dụng).

- Xây dựng một cơ sở dữ liệu trung ương cấp quốc gia và công khai cho toàn xã hội biết với các thông tin cần biết về chất lượng đào tạo của các trường.

- Thay đổi cách quản lý tài chính từ cấp kinh phí gián tiếp (tức cấp cho các trường) sang cấp kinh phí trực tiếp đến người học. Cách làm này cũng tương tự như bảo hiểm y tế: người bệnh đi khám chữa bệnh ở bệnh viện nào là tùy lựa chọn của họ, và chỉ nơi nào mà người bệnh lựa chọn thì mới được bảo hiểm trả tiền.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
(Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

Nhà trường phải trung thực và dân chủ

Trước những gì đang diễn ra trong đời sống học đường, chúng tôi nghĩ rằng, để đổi mới căn bản nền GD điều quan trọng lúc này là cần khắc phục tình trạng không trung thực và áp đặt.

Vài năm trước, Bộ đã từng chủ trương “nói không với bệnh thành tích”. Tiếc rằng sự việc mới dừng lại ở “nói”, còn “làm”, giống như nhiều phong trào, chưa đến nơi đến chốn. Vụ tiêu cực ở Trường Đồi Ngô, Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây là tín hiệu báo động, cho thấy “căn bệnh thành tích” vẫn còn và rất nghiêm trọng. Gian lận trong thi cử, đạo văn, báo cáo sai sự thật về kết quả giảng dạy, học tập... không còn là cá biệt.

Một vấn đề nữa cần sửa đổi là tình trạng áp đặt trong dạy và học. Mục tiêu GD là đào tạo học sinh/sinh viên thành những con người có tư duy độc lập, sáng tạo nhưng trong suốt quá trình GD, người học có rất ít cơ hội bày tỏ ý kiến, nhất là ý kiến phản biện. Để đào tạo những công dân có trách nhiệm thì không thể chấp nhận những biểu hiện áp đặt trong hoạt động GD cũng như bạo lực trong đời sống học đường.

Phải khắc phục cách giảng dạy mang tính áp đặt, nặng về truyền thụ, rao giảng hiện đang còn là chủ đạo trong nhà trường. Thay vào đó, thầy/cô giáo cần dẫn dắt người học tự tìm ra tri thức, khuyến khích học sinh/sinh viên thảo luận, tranh luận. Tinh thần dân chủ phải là cốt lõi của văn hóa học đường, mọi sinh hoạt trong nhà trường phải thể hiện một xã hội dân chủ, trong đó tự do học thuật và tư duy sáng tạo phải được khuyến khích, mọi người - thầy cũng như trò - đều tôn trọng danh dự, phẩm giá của mình và của người khác. Về mặt quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, cần tạo ra cơ chế để giáo viên/giảng viên tham gia xây dựng chương trình, soạn thảo sách giáo khoa, lựa chọn tài liệu giảng dạy cũng như tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. 

Nguyễn Quang Kính (nguyên giáo viên Trường THPT Trần Phú, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

GS Hoàng Tụy

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.