Phải thông suốt từ “gốc”

25/09/2012 03:00 GMT+7

Trong khi lực lượng chức năng và nhà trường tìm đủ mọi cách để hạn chế tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy vi phạm luật giao thông, thì các em học sinh cũng tìm đủ cách thức và lý do để lách luật. Đặc biệt, phụ huynh học sinh lại “tiếp tay” bằng cách mua xe gắn máy cho con.

Các thông tin cho thấy, nhiều trường học đã tổ chức trao đổi với phụ huynh, yêu cầu ký kết không cho con em đi xe gắn máy. Phần lớn phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như: nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón…

Một số lãnh đạo của các trường THCS và THPT thẳng thắn: Thứ nhất: việc học sinh đi xe máy tới trường vi phạm luật giao thông, lỗi này là do phụ huynh! Bởi phương tiện mà các em đến trường là do phụ huynh mua sắm, chứ nhà trường đâu có trang bị cho các em. Thứ hai: Các em điều khiển phương tiện giao thông ở ngoài đường, nhà trường không thể cử người chạy theo giám sát. Công việc này đã có các cơ quan chức năng. Thứ ba: các em gửi xe ở các bãi xe bên ngoài trường, vì thế đâu dễ dàng kiểm soát được. Vậy thì làm sao mà đổ lỗi cho nhà trường. Một vị hiệu trưởng than rằng: “Nhà trường tăng cường các tiết học để giáo dục cho các em chấp hành pháp luật, nhưng về nhà phụ huynh lại nuông chiều và đã “tiếp tay” bằng cách mua xe gắn máy để các em đến trường, vậy thì có giáo dục đằng trời đi nữa cũng khó mà nghiêm!”. Ông còn lên án, một số phụ huynh mua xe gắn máy cho con là tự làm hư hỏng con mình, tạo ra thói quen ngay từ nhỏ coi thường pháp luật. Điều này rất nguy hiểm và sẽ khó dạy dỗ về sau, vì rằng đây là thời điểm mà tất cả các tác động ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ.

Một luật sư ở TP.HCM bức xúc, khi phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như: nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón… Vị luật sư này cho rằng, nói như thế là không thỏa đáng. Bởi không thể nhà xa hay lý do nào khác mà để con vi phạm luật, đó là chưa nói đến chuyện tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào đối với người trẻ.

Theo quy định của luật Giao thông đường bộ hiện hành, từ 12 tuổi được đi xe đạp, từ 16 tuổi được đi xe máy 50 phân khối và từ 18 tuổi được học lấy giấy phép lái xe. Nhiều trường học đã nêu thực trạng khó kiểm soát học sinh đi xe máy lại xuất phát chính từ phía phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh quá dễ dãi với con em nên đã mua xe máy để con đi học.

Điều đó cho thấy, các biện pháp hiện nay chưa đạt được hiệu quả cao, hao tốn rất nhiều tiền của cũng đúng. Bởi cái cần giải quyết thì không làm, cái không cần thì lại ráo riết “tăng cường”. Đành rằng chú trọng giáo dục pháp luật cho người trẻ là chuyện không thể thiếu, nhưng giải pháp căn cơ hiện nay là phải thông suốt từ “gốc”, gốc ở đây là cha mẹ học sinh cần phải ý thức việc chấp hành pháp luật, phải cứng rắn với đứa con yêu để tránh các nguy cơ xấu do điều khiển phương tiện giao thông có thể xảy ra với bản thân con em mình. Có như thế mới chặn được tai nạn giao thông liên tục xảy ra cho người trẻ.

Võ Ba

>> Nghịch lý trong xử phạt vi phạm giao thông
>> Cần tạo nên phong trào tẩy chay những người vi phạm giao thông
>> Ủng hộ phạt nặng vi phạm giao thông ở các đô thị lớn
>> Đừng xem thường sức khỏe học sinh, sinh viên
>> Một học sinh bị xe tải cán nát 2 chân  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.