Hào hứng tiết học chủ quyền biển đảo

22/09/2012 03:37 GMT+7

Một ngày tháng 9, tiết học cuối của lớp 11A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) sôi động hẳn lên khi cô giáo dạy môn lịch sử Nguyễn Thị Kim Thu đưa đến cho học sinh bài học về chủ quyền biển đảo.

Qua máy chiếu, các học sinh thấy được những hình ảnh về quần đảo Trường Sa, bia chủ quyền cũng như tình hình kinh tế - xã hội, cuộc sống của quân dân ta trên đảo… Cô Thu giới thiệu những tài liệu có giá trị lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta như: bản đồ “Đại Nam Nhất Thống toàn đồ” (1838), “An Nam Đại quốc họa đồ” (1838), đáng chú ý là bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc xuất bản năm 1904. Cô Thu cho biết: “Kiến thức về chủ quyền biển đảo được dạy lồng ghép trong các tiết địa lý, lịch sử, giáo dục công dân... Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi về biển đảo quê hương để các em tự tìm hiểu”.

Đinh Hoàng Khánh, học sinh của lớp, cho biết : “Thông qua tiết học, tụi em được bổ sung thêm nhiều kiến thức quý báu về chủ quyền biển đảo. Tiết học thôi thúc em tìm hiểu nhiều hơn nữa về 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Còn em Đỗ Xuân Dương thì ấn tượng với những hình ảnh bình dị, đời thường của tình quân - dân ấm áp, những khuôn mặt và ánh mắt trẻ thơ của học sinh Trường Sa. Dương cho biết: “Em từng được xem đoạn phim trên mạng về trận hải chiến bi hùng năm 1988 ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến 64 chiến sĩ của chúng ta hy sinh. Khi xem, em không khỏi ngậm ngùi và đã rớt nước mắt. Trong tiết học này, xem những hình ảnh về Trường Sa hôm nay, em lại càng thêm xúc động và tự hào”.

Buổi học kết thúc nhưng nhiều em vẫn tiếp tục bàn luận chủ đề này, trong ánh mắt các em dấy lên niềm tự hào, tình yêu đối với mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”. Tuy là nữ, nhưng cả Bảo Trân và Thục Chi đều rất háo hức được một lần đặt chân đến Trường Sa. “Chúng em sẵn sàng làm điều gì đó để xây dựng và bảo vệ Trường Sa thân yêu”, Bảo Trân quả quyết.

Buổi học chủ quyền biển đảo được Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa thiết kế gồm các nội dung chính: Khái quát về biển đảo Việt Nam; Trường Sa - Hoàng Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; Trường Sa hôm nay; Thế hệ trẻ Khánh Hòa với trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học - Công tác học sinh sinh viên (Sở GD-ĐT Khánh Hòa), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử Khánh Hòa” cho biết: “Việc thiết kế nội dung về chủ quyền biển đảo được dựa vào tài liệu lịch sử địa phương, tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND huyện Trường Sa cung cấp các lược đồ, hình ảnh, tư liệu… rất sinh động để học sinh dễ dàng tiếp thu”.

Nguyễn Chung

>> Đẩy mạnh hành động vì chủ quyền biển đảo
>> Không dạy chủ quyền biển, đảo cho giới trẻ là có tội
>> Động lực lớn để bảo vệ chủ quyền biển đảo
>> Đưa chủ quyền biển, đảo vào trường học
>> Đề thi tiếp tục về chủ quyền biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.