"Đi đêm" với Trung Quốc, tổng thống Philippines bị tố phản quốc

21/09/2012 18:55 GMT+7

(TNO) Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay (21.9) đã lên tiếng bênh vực vai trò của thượng nghị sĩ Antonio Trillanes như là nhà thương thuyết không chính thức với Trung Quốc, giữa lúc một cựu luật sư đệ đơn tố cáo hai người này về tội phản quốc.

>> Chính trường Philippines chao đảo vì vụ "đi đêm" với Trung Quốc

Theo tờ Sun Star, ông Aquino đã nói với các phóng viên rằng chính thượng nghị sĩ Trillanes đã tiếp cận ông đề nghị “đi đêm” với Trung Quốc.

“Theo tôi nhớ, thượng nghị sĩ Trillanes đã liên hệ với tôi khi ông ta dường như đang ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Ông ta được (các quan chức Trung Quốc - PV) tiếp cận và đề nghị về khả năng liệu có thể hành động như là một nhà thương thuyết ngoài luồng không”, ông Aquino kể lại.

Tổng thống Philippines cho biết ông đã chấp nhận đề nghị của ông Trillanes vì kênh ngoại giao chính thức lúc đó “rất hiếu chiến”.

“Do thiếu các kênh khác và vì chúng ta muốn giải quyết tình hình bãi cạn Scarborough một cách hòa bình, chúng ta mất gì nếu lắng nghe họ nói? Đó là khi việc "đi đêm" bắt đầu”, ông Aquino phân trần.

Ông Aquino không nêu danh tính các quan chức Trung Quốc đã tiếp cận ông Trillanes, theo tờ Sun Star.

"Đi đêm" với Trung Quốc, Tổng thống Philippines bị tố phản quốc
 Ông Antonio Trillanes (trái) bị đưa ra tòa vào năm 2006 - Ảnh: AFP

Dù các vụ “đi đêm” của ông Trillanes khiến một số thượng nghị sĩ Philippines không hài lòng, ông Aquino thừa nhận nó đã giúp hạ nhiệt căng thẳng tại bãi cạn Scarborough.

“Đó là thời điểm các tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough tăng lên đến 18 chiếc, không kể số tàu con có thể lên đến 30 tàu. Con số đã giảm dần. Có lẽ, chúng ta có thể công nhận đó là công của thượng nghị sĩ Trillanes”, ông Aquino phát biểu.

Tổng thống Philippines từ chối tiết lộ các thành công khác từ những vụ “đi đêm” vì tính bí mật của chúng.

“Tôi không thể cung cấp chi tiết song rõ ràng căng thẳng đã lắng xuống trong một chừng mực nào đó và thượng nghị sĩ Trillanes đã giúp điều này xảy ra”, ông Aquino nói.

Tờ Sun Star dẫn lời một thượng nghị sĩ thân chính phủ đã nói rằng việc ông Trillanes hành động như một nhà thương thuyết ngoài luồng không có gì sai vì nó từng xảy ra trong quá khứ.

Thượng nghị sĩ Sergio Osmena nói: “Đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Song không ai có thể ràng buộc Philippines, cho đến khi có được quyền hạn gọi là Đặc mệnh Toàn quyền. Nó thuộc về đại sứ do Ủy ban Bổ nhiệm xác nhận”.

Trước đó, ông Trillanes đã bước ra khỏi một phiên họp Thượng viện khi Chủ tịch Juan Ponce Enrile bắt đầu tra hỏi vai trò thương thuyết với Trung Quốc của ông.

Ông Enrile đã tiết lộ một vài phần ghi chép của đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady, trong đó ông Trillanes được cho là đã cáo buộc Ngoại trưởng Albert del Rosario tội “phản quốc” vì suýt đẩy đất nước vào một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trong khi đó, một cựu luật sư của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos đã đệ đơn tố cáo ông Aquino và ông Trillanes về tội phản quốc vì các vụ “đi đêm” với Trung Quốc.

Trong đơn tố cáo có tuyên thệ dài 5 trang, luật sư Oliver Lozano khẳng định việc đưa vấn đề ra trước cơ quan chống tham nhũng sẽ chấm dứt “tranh chấp pháp lý” về tính xác thực của những đồn đoán nói rằng ông Trillanes “khao khát có sự ủng hộ của Trung Quốc cho tham vọng làm tổng thống của mình”.

Ông Lozano dẫn lời chất vấn của Chủ tịch Thượng viện Enrile hôm 19.9 vốn cáo buộc ông Trillanes đã bí mật thương thuyết với một “kẻ thù tiềm tàng” của đất nước.

Theo kênh ABS-CBN News, ông Lozano đã trích tường thuật của giới truyền thông về cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai thượng nghị sĩ và khẳng định rằng có “bằng chứng có thể chấp nhận được”.

Ông Lozazo tố cáo ông Aquino đã bật đèn xanh cho ông Trillanes để thương thuyết lén lút với các quan chức Trung Quốc về tranh chấp trên biển nhằm làm lợi cho Trung Quốc và gây thiệt hại cho Philippines.

Từng là một đại úy hải quân, ông Trillanes là một trong các thủ lĩnh của hai cuộc đảo chính bất thành vào năm 2003 và 2007 chống lại Tổng thống Gloria Arroyo lúc bấy giờ.

Ông được bầu vào Thượng viện năm 2007, khi còn đang ngồi trong trại giam giữa lúc diễn ra phiên tòa xét xử tội dấy loạn. Trillanes sau đó được ông Aquino ân xá trước khi phiên tòa kết thúc.

Sơn Duân

>> Chính trường Philippines chao đảo vì vụ "đi đêm" với Trung Quốc
>> Philippines "nắn gân" Trung Quốc về bãi cạn Scarborough
>> Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi bãi cạn Scarborough
>> Philippines có thể điều tàu trở lại bãi cạn Scarborough
>> Philippines lo bị “gài” trong vụ rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough
>> Philippines rút tàu tuần duyên khỏi bãi cạn Scarborough
>> Trung Quốc, Philippines đồng ý kiềm chế trong tranh chấp ở bãi cạn Scarborough
>> Gần 100 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.