Tìm thấy lịch của người tiền sử?

21/09/2012 03:05 GMT+7

Việc khai quật hang Ngườm Hẩu (Na Hang, Tuyên Quang) đã thu được những mẫu vật quý phục vụ cho nghiên cứu và khảo cổ.

Năm ngoái, hang Ngườm Hẩu là một trong hai hang dự kiến đưa vào kế hoạch khai quật năm 2012. Sau khảo sát, PGS-TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học) đã chọn khai quật hang Ngườm Hẩu vào tháng 9 này bởi hang còn lại không mấy nguyên vẹn.

Cuộc khai quật diễn ra trong 20 ngày. Diện tích hố khai quật 20 m2, trong tương quan diện tích hang 30 m2. Theo tên gọi và truyền thuyết, đây chính là nơi đưa người hủi ra sống cách ly. Hang nhỏ nhưng tương đối bằng phẳng. Điều quan trọng, toàn bộ lòng hang nhận rất nhiều ánh sáng. Tuy nhiên, có thể do gần mặt đường liên xã nên nhiều người đã vào đây khiến bề mặt tầng văn hóa đã phát lộ.

Tìm thấy lịch của người tiền sử? 
 Cận cảnh thanh đá - lịch - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc khai quật lần này có ý nghĩa nối cuộc sống của người tiền sử cách đây 7.000 năm với 3.000 năm sau. Bởi trước đó, tại Tuyên Quang, tuy phát hiện nhiều dấu tích người tiền sử nhưng chỉ là từ rất sớm, cách chúng ta khoảng 7.000 - 8.000 năm. “Các nhà khoa học đặt câu hỏi họ đã đi đâu sau đó? Phát hiện ở Ngườm Hẩu cho thấy họ vẫn sống ở đó, trong hang động, nhưng nền văn hóa vật chất đã tiến bộ hơn rất nhiều”, PGS-TS Chung nói.

Tại độ sâu hơn 1 m, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ và Bảo tàng Tuyên Quang đã tìm thấy nhiều công cụ đá và 3 bàn mài đá sa thạch. Họ cũng tìm thấy sản phẩm của bàn mài là những chiếc rìu mài toàn thân. Điều này chứng tỏ kỹ thuật mài thời kỳ này rất phổ biến. Dưới đáy lớp này có một ngôi mộ, được phủ bằng 14 viên đá phiến kích cỡ khác nhau. Không thấy dấu tích hộp sọ và răng nên đã không thể ghép đủ thành bộ hài cốt. Ông Chung phán đoán, có thể do độ ẩm nên xương đã phân hủy.

Lớp trên chỉ dày 20 cm, tìm thấy một vài hiện vật nhưng có những công cụ rất đẹp, nhẵn bóng. Cũng có những mảnh gốm có tô màu, hoa văn thừng thô. “Đây là lớp dấu tích của thời đại Kim khí”, ông Chung cho biết.

Cũng trong lớp văn hóa trên, các nhà khoa học tìm thấy một hiện vật có hình lưỡi cuốc bàn to bản, có lỗ tròn để tra cán. “Phát hiện này rất thú vị vì chưa từng thấy hiện vật tương tự bao giờ. Tuy giống lưỡi cuốc song chất liệu đá phiến lại rất giòn. Chính vì thế tôi không cho rằng đây là lưỡi cuốc vì khi cuốc nó sẽ vỡ ra, cùn mất rìa lưỡi. Tên gọi và chức năng của nó vẫn còn bí ẩn”, ông Chung phân tích.

Ở cả hai lớp đều thấy dấu tích bếp lửa và tàn tích thức ăn người đời xưa gồm xương răng động vật và ốc suối, càng cua. Cũng có cả trùng trục, vỏ mai rùa, một số xương ống của động vật nhỏ. 

Hiện vật ghi số đếm hay lịch nguyên thủy?

Đặc biệt, trong số 7 di vật đá được chôn theo trong mộ có tuổi hậu kỳ đồ đá mới (4.000 năm), có một phiến đá có khấc như hình con dao. Bên rìa phiến đá có 23 cái khấc ngang. Thảo luận bên miệng hố, có người cho rằng đây là bàn đập cây xui để làm áo. Cũng có người cho rằng đó là để dập hoa văn cho đồ gốm. “Tuy nhiên, tôi phỏng đoán có thể đây là hiện vật ghi số đếm có liên quan đến dấu khắc thời gian theo mùa trăng. Có thể giả thiết đây là hình thức của lịch nguyên thủy”, PGS-TS Chung nói.

Cũng theo ông Chung, hiện vật tương tự cũng đã phát hiện ở hang Nà Coóc, huyện  Phú Lương, Thái Nguyên trong cuộc khai quật 1985 mà ông đã được tham gia. 

“Trên thế giới cổ đại có một danh từ để chỉ lịch là Almanah. Tên gọi này xuất phát từ vùng Cận Đông, chữ Al là một giới từ trong khi tiếng cổ Do Thái (Hébreux) "manah" có nghĩa là "đếm". Người ta còn nghĩ tới chữ "man" và gốc chữ này chỉ mặt trăng vì lịch cổ xưa đều tính toán liên quan tới mặt trăng, trên thế giới con người biết cách tính lịch theo mùa trăng bằng cách khắc trên đá từ 5.000 năm cách ngày nay”, ông Chung cho biết.

Ông Chung nêu giả thuyết căn cứ vào khảo cổ học thế giới: “Còn thanh đá này, theo tôi, là do người tiền sử khắc, mang ý nghĩa số đếm, đánh dấu thời gian, có thể liên quan đến chu kỳ mặt trăng. Ý nghĩa lớn nhất của hiện vật này là con người thời đó đã quan sát sự vận hành của tự nhiên, đặc biệt là mùa trăng”.

Trinh Nguyễn

>> Khai quật thành lũy đá cổ ở Hà Tĩnh
>> Khai quật thành lũy cổ Hà Tĩnh
>> Khai quật di tích Chămpa ở Đà Nẵng
>> Khai quật mộ quý tộc thời tiền Inca
>> Khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.