Thị trường hi-end sẽ phát triển mạnh

20/09/2012 10:11 GMT+7

Ông Nguyễn Hoàng Khanh, người có 25 năm kinh nghiệm về thị trường âm thanh (audio), đại diện phân phối Audio Choice, cho rằng thị trường audio Việt Nam có 3 nhóm

*Theo ông, người chơi âm thanh ở Việt Nam là ai?

- Ông Nguyễn Hoàng Khanh: Mười năm gần đây, phong trào chơi audio tại Việt Nam khá phát triển dù thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Điều lạ lùng tôi nhận ra là người Việt Nam ta có tai nghe tinh tế, đam mê âm thanh, âm nhạc rất cao so với người dân ở nhiều quốc gia văn minh và giàu có như Singapore, Úc hay Mỹ.

Người chơi âm thanh ở Việt Nam rất đa dạng, không phân biệt nghề nghiệp, địa vị xã hội nhưng cũng không tránh khỏi phân cấp về thu nhập. Người thu nhập bình thường chọn mua hàng Nhật đã qua sử dụng có giá 3 - 10 triệu đồng/món. Người thu nhập cao có xu hướng mua thiết bị hi-end (âm thanh chất lượng cao) đã qua sử dụng hoặc mới 100% có giá 1.000 - 3.000 USD cho một thành phần của dàn máy. Người say mê hơn thường chơi hàng hi-end giá trên 3.000 USD, họ thường chọn mua hàng mới toanh cho an toàn.

hi end 
Ông Nguyễn Hoàng Khanh: “Một dàn âm thanh đỉnh cao có giá từ 200 triệu đến 2 tỉ đồng” - Ảnh: Linh Nguyên

Thị trường audio Việt Nam có thể tạm chia 3 nhóm. Nhóm lớn nhất khoảng 60% - nghe nhạc với mục đích giải trí, bao gồm sinh viên, học sinh, gia đình trẻ, người thu nhập trung bình... Nhóm này không cầu kỳ, có thể sắm bất kỳ phương tiện nào như hàng cũ, dàn nghe nhạc - xem phim chung, thậm chí radio cassette, dàn mini, bộ dàn trung midi, máy MP3...

 
Theo tôi, hi-end đơn giản là những thiết bị có khả năng biểu diễn âm nhạc trung thực, làm rung động tâm hồn, giúp ta thăng hoa…, bất kể nó là tân hay cổ, mắc hay rẻ.                     
 
Ông Nguyễn Hoàng Khanh

Nhóm thứ hai được xem là nhóm chơi hi-end phổ thông, chiếm khoảng 35%. Sau khi đã trải nghiệm vài năm “chơi cho vui”, nay nhóm này đến giai đoạn nghe nhạc có chiều sâu, biết thẩm âm, chọn sản phẩm có tên tuổi, chất lượng của Nhật Bản, u-Mỹ và bắt đầu hướng đến thiết bị đèn điện tử. Thiết bị thuộc nhóm hai có giá 500 - 2.000 USD/món. Ở nhóm này, người chơi thường sắm thêm hệ thống xem phim tại nhà.

Nhóm nhỏ nhất dưới 5%, chơi hàng hi-end cao cấp. Các thiết bị đỉnh cao này được các nhà sản xuất thiết kế bằng đam mê và tài năng nên hình thức, nội dung hoàn mỹ, khó có điểm chê từ vật liệu đến chất lượng âm thanh. Người chơi thuộc nhóm cầu kỳ này đòi hỏi chất lượng âm thanh cao và sẵn sàng mua những thiết bị rất mắc tiền. Tại Việt Nam, một dàn âm thanh đỉnh cao hoàn chỉnh có giá từ 200 triệu đến  2 tỉ đồng, thậm chí có người đam mê trang bị phòng nghe lên đến hàng chục tỉ đồng.

*Như vậy, thị trường audio Việt Nam cũng đã hình thành theo những phân khúc riêng. Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển của các phân khúc này trong tương lai?

- Thị trường audio luôn tồn tại từ khi có hàng vào Việt Nam qua đường hàng hải cho đến nay. Hi-end thường bị hiểu nhầm là hàng đắt tiền, hàng “khủng”, hàng hiếm, độc… nhưng không phải thế, trước hết nó phải là âm thanh trung thực, làm rung động người nghe. Những năm 1980-1995, người nghe trong nước chủ yếu sử dụng các thiết bị của Nhật đã qua sử dụng. Sau đó, các trang thiết bị trung và cao cấp mới 100% của Nhật và các nước phương Tây bắt đầu được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, hàng rất phong phú, có nhiều món mới còn rẻ hơn đồ cũ. Thị trường hi–end bắt đầu manh nha từ đây bởi người dùng rất khó cưỡng lại sự quyến rũ của âm thanh trung thực.

Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường hi-end Việt Nam vẫn chỉ phát triển ở giai đoạn đầu. Để thực sự phát triển, thị trường này cần thêm thời gian. Trước hết, người dùng cần tiếp tục thay đổi nhận thức, nâng cấp nhu cầu hướng tới nghe nhạc hoàn thiện và tùy theo những thu nhập cao hơn để có điều kiện mua sắm tốt hơn. Tiếp đó, các hãng và nhà phân phối, đại lý cũng cần có thời gian phát triển thị trường, đem đến cho người dùng sản phẩm hi-end hợp với nhu cầu và khả năng chi trả…

Bên cạnh đó, xu hướng tự nâng cấp cho thiết bị bằng cách thay linh kiện tốt hơn (dây dẫn, chân kê máy, lọc điện…) và xu hướng chơi hàng DIY (tự lắp ráp) cũng đang kích thích thị trường hi-end.

Sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ thị phần giữa phân khúc hi-end trung cấp với nhóm nghe nhạc thông thường. Lượng người chơi hàng hi-end phổ thông sẽ nhanh chóng tăng lên trong vài năm tới vì giá thành ngày càng giảm và đời sống người dân được nâng cao.

*AVShow 2012 vừa qua thu hút lượng người tham dự cao hơn so với các kỳ triển lãm trước. Vậy theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho thị trường  hi-end “cao cấp” chưa?

- Rất đáng mừng. Qua không khí nhộn nhịp của triển lãm năm nay, tôi nghĩ sự suy giảm của nền kinh tế trong vài năm qua có vẻ như không ảnh hưởng nhiều đến thị trường audio Việt Nam bởi lẽ yếu tố đam mê vẫn là động lực quan trọng, tác động đến sức mua. Cho nên, ngay tại triển lãm AVShow 2012 vừa qua (diễn ra tại TPHCM từ ngày 7 đến 9-9, quy tụ hơn 100 thương hiệu sản xuất thiết bị nghe nhìn trong và ngoài nước) đã có khách hàng mua những sản phẩm có giá 100 - 600 triệu đồng.  Tuy nhiên, thị phần hàng hi-end mắc tiền chỉ tăng trưởng khi nền kinh tế tăng trưởng.

Hiện nay, qua các kênh truyền thông, ngày càng có nhiều thông tin phong phú và hữu ích để người tiêu dùng có thể tham khảo, tìm chọn được những món hàng tốt và hợp túi tiền. Tôi tin rằng thị trường hi-end trung và cao của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, từ vài chục ngàn người nghe hiện nay lên tới con số hàng trăm ngàn người.

Theo Linh Nguyên/ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.