Tham nhũng: Phát hiện nhiều, xử lý ít

20/09/2012 03:15 GMT+7

Trong nhiều năm qua, tình hình tham nhũng luôn được các cơ quan phòng chống đánh giá là nghiêm trọng, có diễn biến phức tạp nhưng việc xử lý chưa nghiêm, công tác phòng chống yếu kém, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đánh giá tại phiên họp hôm qua 19.9.

Thất thoát nhiều, thu hồi ít

 
Nhiều vụ tham nhũng được thay đổi tội danh nhẹ hơn

Theo Ủy ban Tư pháp, từ tháng 10.2010 đến tháng 6.2012, có nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn. Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Trong phiên họp chiều qua, nhiều thành viên của TVQH cho rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2012 sát và toàn diện hơn so với báo cáo của Chính phủ về công tác này. Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu thực trạng, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít; trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Năm 2012, nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng băn khoăn: “Năm 2012, qua phát hiện các vụ việc tham nhũng, cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ thu hồi được 141 tỉ, chênh lệch hàng chục lần, vì sao lại như vậy?”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ, có những vụ rất lớn nhưng khi đưa ra xử thì lớn chuyển thành bé, tội nặng sau một thời gian chuyển thành nhẹ.

Trả lời những băn khoăn này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng việc thu hồi sau thanh tra thường gặp rất nhiều khó khăn: “Ví dụ vụ mua sắm ụ nổi tại Tổng công ty hàng hải có sai phạm gần 500 tỉ đồng nhưng bảo thu hồi thì chắc không nổi”.

Vai trò cơ quan chống tham nhũng mờ nhạt

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, trong năm các cơ quan trung ương đã ban hành gần 200 văn bản hoàn thiện thể chế chống tham nhũng, các địa phương là gần 4.000 văn bản. Điều này thể hiện thái độ rất rõ ràng nhưng các cơ quan, đơn vị cũng cần phải tổng kết, phân tích hiệu quả những văn bản này đến đâu, còn những tồn tại, lỗ hổng nào cho tội phạm tham nhũng.

Ông Phan Trung Lý cũng thẳng thắn: “Hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng còn mờ nhạt. Cục Điều tra của Bộ Công an trong năm 2012 chỉ phát hiện được 16 vụ tham nhũng. Hiện 63 tỉnh thành đã thành lập các đội cảnh sát phòng chống tham nhũng, rất đông, mạnh nhưng con số vụ việc phát hiện đúng tình hình tham nhũng ít. Một trong những nguyên nhân không hiệu quả là do cơ quan chức năng này hoạt động chưa hiệu quả”.

Tham nhũng: Phát hiện nhiều, xử lý ít
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bày tỏ: “Công tác phát hiện đấu tranh của ta còn sức ì quá cao, bị cản do quá trình chỉ đạo thiếu năng động? Chỗ này chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá. Có những vụ án đến hơn 5 năm vẫn chưa xác định được có đưa ra truy tố hay không nữa thì gay quá”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng bình luận: “Sự hạn chế yếu kém trong việc phòng chống tham nhũng là phát hiện nhiều nhưng xử lý ít, cần phải được đánh giá nguyên nhân. Tôi cho rằng, đó là chưa kiên quyết, chưa làm đến nơi đến chốn, còn cả nể, còn dĩ hòa vi quý. Có nêu thẳng mới đưa được giải pháp đột phá. Nên chọn một giải pháp, một điểm để làm, làm kiên quyết, đến nơi đến chốn, không cần làm nhiều. Nếu không sẽ không khắc phục được”.

Đồng tình với các ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề xuất năm 2012 phải chọn khâu gì đột phá và Quốc hội cần ra nghị quyết: “Tôi kiến nghị chọn trách nhiệm người đứng đầu (22 bộ trưởng, 63 chủ tịch tỉnh), nếu để xảy ra ở đơn vị mình phải nhận trách nhiệm, xin từ chức”.

Kết thúc phiên thảo luận, TVQH cho rằng Chính phủ cần phải chuẩn bị lại báo cáo để có những đánh giá toàn diện, sát hơn với tình hình.

Nhiều dự luật quan trọng sẽ được thông qua vào kỳ họp QH tới

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ 22.10 đến 23.11) được đưa ra xin ý kiến Ủy ban TVQH sáng 19.9, nhiều nội dung đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh sẽ được QH thảo luận (được truyền hình, phát thanh trực tiếp) như: dự thảo Nghị quyết ban hành quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, sửa Hiến pháp; dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân.

Dự kiến, QH sẽ thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác.

QH cũng bố trí 2 ngày rưỡi để chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó 2 ngày như thông lệ và một nửa ngày để các bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

T.Nguyễn

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.