Khiếu nại tố cáo về đất đai rất nghiêm trọng !

19/09/2012 03:40 GMT+7

Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại, tố cáo (KN-TC) phổ biến về quyết định hành chính liên quan đến đất đai của các cấp chính quyền đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) phân tích tại phiên họp sáng qua, 18.9.

Khiếu nại tố cáo về đất đai  rất nghiêm trọng !
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên thảo luận sáng qua - Ảnh: TTXVN

Khai cuộc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ lo ngại trước số vụ KN-TC về đất đai lên tới gần 70% trong tổng số các vụ việc KN-TC thời gian qua và ông gọi đó là điều “rất bất bình thường”.

Theo phân tích của ông Hiện thì với tỷ lệ các vụ KN-TC đúng, có đúng có sai cộng với gần 20% vụ dân khởi kiện đúng về quyết định hành chính của các cấp chính quyền ra tòa án cho thấy tỷ lệ các vụ KN-TC đúng đã lên tới gần 70%. Nhưng điều khiến ông băn khoăn hơn là không thấy ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nào ra tòa vì quyết định hành chính khi bị dân khởi kiện. “Từ ngày thành lập tòa hành chính đến giờ hầu như không có ông chủ tịch tỉnh, huyện nào ra tòa mà chỉ ủy quyền cho một cán bộ dưới quyền nào đó. Cách tổ chức như thế làm sao thi hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật được”, ông Hiện đặt vấn đề.

Một ngày “có mấy quyết định khác nhau” về một vụ việc

 
Khiếu nại tố cáo về đất đai  rất nghiêm trọng !  
Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng khi có tới 70% tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này. Nghiêm trọng hơn nữa là khi các quyết định hành chính của nhà nước sai mất một nửa. Với những quyết định đúng mà dân vẫn kiện, chứng tỏ lỗi một phần do chính sách pháp luật chưa hợp lý

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Phân tích nguyên nhân dẫn tới việc dân khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ lớn, ông Hiện cho rằng, ngoài nguyên nhân đoàn giám sát chỉ ra trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, còn phải xem xét nguyên nhân do cơ chế thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho người bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, có nơi “vài chục mét vuông đất, tiền đền bù chưa được một bát phở”, cũng như cần làm rõ nguyên nhân tham nhũng làm phát sinh khiếu kiện. “Báo cáo giám sát không nói đến nguyên nhân này nhưng tôi chắc là có. Đất đai gần như là mảnh đất, môi trường màu mỡ nhất cho tham nhũng xảy ra, chính vì nguyên nhân đó nên dân mới không đồng tình, mới KN-TC nhiều”, ông Hiện nói. 

Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa dẫn chứng một vụ việc KN-TC kéo dài ở Phú Thọ, “qua 2 đời Tổng thanh tra Chính phủ vẫn không giải quyết được và đến giờ này vẫn đang diễn biến phức tạp do chính quyền ban hành quyết định sai, cứ đùn đẩy giải quyết”, và nhấn mạnh: “Nhiều quyết định giao đất của chúng ta tiêu cực dẫn tới cán bộ không muốn xử lý, khi xử lý thì nể nang, bao che, kéo dài”.

Nguyên nhân khác dẫn tới phát sinh nhiều khiếu kiện mà ông Khoa chỉ ra là sự tùy tiện trong ban hành quyết định hành chính của chính quyền địa phương liên quan đến thu hồi đất, mỗi ngày ông chủ tịch tỉnh có thể ban hành 2 quyết định khác nhau trong cùng một vụ việc. Và ông dẫn chứng trường hợp thu hồi đất, cưỡng chế giải phóng mặt bằng để làm đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài vừa qua: “Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, họ kéo cả làng mấy chục người đến, đưa ra các quyết định hành chính của chính quyền cho thấy, chưa đầy một ngày đã có mấy quyết định hành chính khác nhau về một vụ việc”.

Phải làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm

Qua thảo luận, nhiều ủy viên TVQH cho rằng, thực tế cho thấy có tới gần 50% vụ việc dân khiếu kiện đúng về quyết định hành chính của chính quyền, nhưng báo cáo giám sát lại không chỉ rõ được ai, cấp nào, tổ chức nào ban hành quyết định sai, cần phải chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: “Tình hình KN-TC của công dân về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng khi có tới 70% tổng số các vụ việc KN-TC về lĩnh vực này. Nghiêm trọng hơn nữa là khi các quyết định hành chính của nhà nước sai mất một nửa. Với những quyết định đúng mà dân vẫn kiện, chứng tỏ lỗi một phần do chính sách pháp luật chưa hợp lý”.

Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT nên tiến hành rà soát lại các quyết định hành chính, có địa chỉ rõ ràng để xử lý và kết quả xử lý báo cáo QH. “Quyết định sai ảnh hưởng đến dân thì phải đền bù cho dân. Sai ở đâu sửa ở đó. Dự thảo Nghị quyết giám sát trình QH kỳ họp tới phải làm rõ tính chất mức độ KN-TC của dân hiện nay, đồng thời, phải chỉ ra được những cái sai hiện hành để sửa, những cá nhân tổ chức làm sai để làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm”, ông nhấn mạnh. 

4 nhóm nguyên nhân chính phát sinh khiếu kiện

Trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH (do Ủy ban Kinh tế chủ trì) chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới phát sinh khiếu kiện về đất đai: Một là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai (quy định thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ; giá đền bù nhiều nơi chưa sát thị trường...). Hai là những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính (một số quyết định hành chính thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai... còn có sai sót, một số quyết định giao đất, cho thuê đất chưa đảm bảo những điều kiện cần thiết theo quy định…). Ba là những yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Bốn là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.

Đoàn giám sát cũng đề xuất 15 kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, trong đó có việc sửa luật Đất đai hiện hành; hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát công tác giải quyết KN-TC, tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm QH, HĐND, ĐBQH, ĐB HĐND... trong việc giám sát.

Bảo Cầm

>> Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở
>> Còn tình trạng bao che cấp dưới khi giải quyết khiếu nại tố cáo
>> Tháng 3/2012, hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Khiếu nại, tố cáo
>> Khiếu nại tố cáo của công dân tăng gần 30% so với cùng kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.