Kho cổ vật dưới biển

16/09/2012 03:20 GMT+7

Dưới đáy biển ngoài khơi xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), nhiều con tàu đắm cổ xưa cùng những kho cổ vật khổng lồ đang dần được trục vớt.

Nơi vùi lấp tàu cổ

Con tàu chìm bên trong có rất nhiều gốm sứ được phát hiện hôm 8.9 vừa qua là con tàu cổ thứ 4 được tìm thấy tại vùng biển này.

Lý giải vùng biển Bình Châu có nhiều tàu cổ chìm, bà Lê Thị Chung, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho rằng trong lịch sử vùng biển xã Bình Châu dẫu không phải là thương cảng nhưng là một trong những nơi “neo đậu” tàu bè và địa điểm tụ họp của các nhà buôn phương Đông và phương Tây trước khi thâm nhập vào nội địa để buôn bán. Đây còn là con đường truyền giáo và đường gốm sứ trên biển từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, vùng eo biển này nằm chính diện hướng đông bắc, lại có nhiều đá ngầm nên thường xuất hiện những đợt sóng lừng rất nguy hiểm khiến nhiều thương thuyền neo đậu hay qua lại bị bão tố vùi lấp hoặc va vào đá ngầm.

 

Ngư dân mới thổi cát trên bề mặt đã có hàng chục tỉ, nếu khai quật cả con tàu thì giá trị lên đến cả trăm tỉ đồng

Một thợ lặn địa phương

Bà Chung cho hay cuối tháng 11.1998, sau khi ngư dân phát hiện, lặn tìm một số đồ sứ cổ của con tàu đắm cách bờ biển xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu chừng 1 km, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Xí nghiệp trục vớt cứu hộ 2 tiến hành khảo sát, tìm thấy số lượng lớn mảnh vỡ đồ sứ bát, đĩa, hũ, bình, chén… thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435), thường gọi là đồ sứ Tuyên Đức, vùi lấp dưới lớp cát, đá và san hô. “Cuộc khảo sát sau đó dừng lại do ngư dân trước đó đã đào bới, thậm chí dùng mìn phá đá ngầm khiến cổ vật hư hại quá nhiều, không tìm được tiêu bản nguyên vẹn”, bà Chung nói.

Đến tháng 6.1999, qua khảo sát con tàu chìm tại xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu, các chuyên gia tiếp tục phát hiện nhiều hiện vật gồm đồ đồng, đồ sứ, đồ đá, tiền cổ ghi 4 chữ Hán “Vạn Lịch Thông Bảo” và cả bộ xương ngựa... Năm 2011, tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, ngư dân tiếp tục tìm thấy tàu cổ chìm bên trong có rất nhiều cổ vật như gốm sứ, gạch lát nền…

Làng đồ cổ

Ông Tiêu Viết Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Châu, tự hào khi nói đến đội quân thợ lặn thiện chiến của địa phương: “Mọi hang hóc, ngóc ngách dưới biển Đông, các thợ lặn ở đây đều thuộc nằm lòng. Đôi khi lặn tìm hải sản nhưng họ lại phát hiện ra cổ vật”.

Theo ông Thạnh, trong số hơn 300 thợ lặn thì có rất nhiều người “giã từ” lặn tìm hải sản để chuyển sang “săn” cổ vật. Từ nghề này, nhiều thợ lặn ở Bình Châu đã trúng bạc tỉ nhưng cũng rất nhiều người nằm lại biển khơi hoặc chân tay bị tê liệt. Thợ lặn Võ Trung tiết lộ: “Làm nghề lặn tìm cổ vật rất nguy hiểm nhưng nếu chỉ một lần gặp hên thì coi như đổi đời. Do vậy, dù biết nguy hiểm nhưng nhiều thợ lặn vẫn ăn dầm nằm dề dưới đáy biển”.

 Kho cổ vật dưới biển
Việc lặn tìm cổ vật dưới biển của ngư dân quá hỗn độn khiến cổ vật bị hủy hoại

 Kho cổ vật dưới biển 1
Ở xã Bình Châu nhiều nhà có cổ vật trưng bày trong tủ

 
Những cổ vật bị bể mà ngành chức năng ở Quảng Ngãi tìm vớt được vào năm 1999

 
Vùng biển xã Bình Châu, H.Bình Sơn, nơi được ví như là kho cổ vật dưới biển - Ảnh: Hiển Cừ 

Các làng chài thuộc xã Bình Châu không chỉ nổi tiếng với nghề lặn tìm cổ vật mà nơi đây còn được mệnh danh là “làng cổ vật”. Đến ngôi nhà nào, tôi cũng thấy vài cổ vật như chén, đĩa trưng bày trong tủ kính. Dù chỉ là những ngư dân nhưng khi nhắc đến cổ vật họ lại nói vanh vách về xuất xứ từng loại gốm sứ, loại nào có nước men đẹp, loại nào thuộc hàng hiếm, chẳng khác chuyên gia cổ vật thực thụ.

Xã Bình Châu còn được xem là địa chỉ “nóng” của việc buôn bán cổ vật trái phép. Tháng 8.2010, cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi đã phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển cổ vật lớn với số lượng lên đến hơn 4.300 hiện vật, gốm sứ thuộc dòng gốm tráng men nâu đen, cùng với đồ sứ men xanh và trắng có xuất xứ từ Trung Quốc vào thế kỷ 16-17. Toàn bộ số cổ vật trên do 2 người buôn bán cổ vật ở tỉnh Bình Định thu mua của ngư dân xã Bình Châu trục vớt từ các tàu cổ bị đắm ngoài khơi, sau đó dùng xe đông lạnh vận chuyển.

“Tàu vàng”

Những ngày qua, kể từ khi phát hiện con tàu cổ chìm bên trong có rất nhiều gốm sứ, cả xã Bình Châu như phát “sốt” từ dưới biển lẫn trên bờ. Dưới biển hàng trăm ngư dân chen nhau giành giật cổ vật. Trên bờ, giới buôn bán đồ cổ từ khắp nơi đổ về lượn lờ. Tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương thực hiện những biện pháp mạnh nên “cơn sốt” cổ vật mới hạ nhiệt. Quan sát những cổ vật bị bể, TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật, khẳng định: “Đây là gốm sứ có niên đại từ thời nhà Minh (Trung Quốc) vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15”.

Nhà sưu tập cổ vật Lâm Zũ Xênh (ở thị trấn Châu Ổ, H.Bình Sơn), hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Quảng Ngãi, sau khi tiếp cận hiện trường cho rằng đây là con tàu chở cổ vật có giá trị nhất từ trước đến nay mà ngư dân Bình Châu phát hiện được. Trong các loại gốm sứ hũ, tô, bát, đĩa… có  men xanh lơ, đà, ngọc khói hương, nâu, men ngọc đậm thì đĩa men xanh lơ, đường kính 30-45 cm có giá trị nhất, thuộc cổ vật quý hiếm, nhưng nếu ông mua thì chỉ từ 15-20 triệu/cái. Trong khi đó giới chơi cổ vật đã về Bình Châu mua với giá từ 40 - 60 triệu đồng/cái.

Theo thợ lặn H., người tham gia lặn tìm cổ vật, chỉ trong vòng 1 ngày đêm, hơn 20 tàu với hàng trăm ngư dân lặn tìm cổ vật đã “trúng” ít nhất số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, trong đó chỉ riêng anh em ông T.D (người đầu tiên phát hiện ra nơi con tàu cổ chìm) mới bán một ít đĩa men xanh lơ, đường kính 30-45 cm, đã có trong tay hơn 3 tỉ đồng.

Thợ lặn H. còn nói con tàu cổ này có chiều dài chừng 20 m, rộng khoảng 4-5 m, bên trong có rất nhiều khoang. Mỗi khoang là một loại gốm sứ khác nhau nằm xếp lớp chôn vùi dưới cát sâu khoảng 3-4 m. “Từ trước đến giờ, ngư dân Bình Châu phát hiện ra nhiều tàu cổ chìm nhưng con tàu cổ này thật sự là “tàu vàng”. Ngư dân mới “thổi” cát trên bề mặt chừng hơn 1 m đã có hàng chục tỉ, nếu khai quật cả con tàu thì giá trị lên đến cả trăm tỉ đồng”, thợ lặn H. ước đoán.

Tiếp xúc với nhiều thợ lặn, dù mỗi người nói mỗi phách nhưng họ đều khẳng định việc phát hiện ra con tàu cổ chìm đã đem về cho ngư dân Bình Châu tiền tỉ. Có lẽ nhận thấy con tàu này có nhiều đồ cổ quý hiếm nên đã có 5 công ty nhảy vào xin hợp tác khảo sát, khai quật khiến tỉnh Quảng Ngãi phải thành lập hội đồng để chọn lựa. 

Có mặt tại hiện trường nơi con tàu cổ chìm vào hôm 13.9, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết: “Nếu như ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) con tàu chìm dưới biển ở độ sâu hơn 70 m nên việc khai quật, khảo cổ hết sức khó khăn, tốn kém thì con tàu chìm ở đây lại nằm gần bờ, độ sâu chỉ khoảng 4 m là một thuận lợi không nhỏ”.

Dù vậy, TS Quân cũng dự lường những khó khăn trong quá trình khai quật như dòng chảy của nước biển, cổ vật nằm vùi sâu dưới cát... “Trước mắt, chúng tôi sẽ dùng thiết bị chuyên dụng tiến hành khảo sát dưới nước để tính toán quy mô, trữ lượng tổng thể hiện vật, dòng chảy, lớp cát vùi lấp mới đưa ra phương án khai quật một cách hữu hiệu nhất”, TS Quân nói.

Hiển Cừ

>> Bất chấp sóng to, ngư dân ra biển lặn tìm cổ vật
>> Cứu cổ vật dưới biển
>> Khẩn cấp khai quật cổ vật dưới biển
>> Bình Châu “nóng” lên vì cổ vật
>> Đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật
>> Hàng trăm ngư dân đổ xô ra biển tìm cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.