Động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia kết luận bình thường, tỉnh vẫn lo

13/09/2012 04:32 GMT+7

Chiều 12.9, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất đã kết luận động đất liên tục xảy ra xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) là động đất kích thích, gây ra bởi hồ thủy điện tích nước, tình hình này là bình thường. Tuy nhiên chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn hết sức lo lắng.

>> Kết luận động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> 17 nhà dân bị nứt do động đất tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Động đất tiếp tục rung chuyển khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Lại xuất hiện động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Chưa có dấu hiệu suy giảm

Tại cuộc họp với chính quyền tỉnh Quảng Nam, TS Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết: “Động đất thủy điện Sông Tranh 2 chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn cũng như về tần suất. Diễn biến của động đất của thủy điện Sông Tranh 2 là bình thường như ở các khu vực thủy điện khác”.

Động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh gây nứt nhà dân
Động đất gây nứt nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo báo cáo của đoàn chuyên gia, từ 17.8 đến 7.9.2012, các trạm ở Huế và Bình Định và các máy gia tốc của Ban Quản lý (BQL) Thủy điện 3 đặt tại khu vực đập đã ghi nhận được 15 trận động đất, hai trận lớn nhất vào 20 giờ 46 ngày 3.9 có M = 4,2 và trận vào lúc 9 giờ 27 ngày 7.9 có M = 4,0. Khảo sát tại 5 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và Hiệp Đức cho thấy các trận động đất vào ngày 3.9 gây nên chấn động cực đại cấp 6 (theo thang MSK64). Vùng chấn động cấp 6 kéo dài theo phương tây bắc - đông nam dài khoảng 20 km. Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 88,3 cm/s2 chưa vượt qua ngưỡng gia tốc động đất thiết kế của đập (150 cm/s2).

Theo lý giải của ông Minh, khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gãy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới việc xảy ra dích trượt làm động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các động đất tại Bắc Trà My cũng xảy ra xung quanh thủy điện Sông Tranh 2.

 

Muốn an dân phải an toàn. Tôi thật sự không yên tâm về an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 khi có động đất xảy ra

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải

Việc xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa xuất hiện không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của động đất kích thích có độ lớn M=4,8 tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6 - 7 tháng. Nhiều động đất nhỏ hơn còn được theo dõi được đến 4 - 5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần. Trong trường hợp này, khi ứng suất vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động kiến tạo bình thường.

Ông Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam cho rằng, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, các trận động đất sinh ra sẽ không lớn lắm. “Bản thân chúng tôi xem xét động đất cực đại xảy ra cũng sẽ không quá 5,5 độ Richter (mức động đất thiết kế của đập thủy điện). Mức động đất sẽ không vượt quá mức an toàn”, ông Trịnh nói.

Nỗi lo kép

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My nói: “Chúng tôi đang nợ người dân một câu trả lời, khẳng định chắc chắn về tình hình động đất. Đây là vấn đề quan trọng, nếu xảy ra sai lầm sẽ không sửa chữa được. Chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến tích nước ở mức độ nào đó hết mùa mưa này”. Theo ông Phong, vì lý do nào đi nữa thì nguyên nhân chính vẫn do thủy điện Sông Tranh 2. Huyện Bắc Trà My không ngại động đất, nếu có động đất xảy ra địa phương có thể khắc phục được. Nhưng ở đây là nỗi lo kép, nỗi lo động đất đang xảy ra trong khi thủy điện Sông Tranh 2 đang gặp sự cố.

Đồng quan điểm này, đại diện UBND H.Hiệp Đức nói: “Nếu đập vỡ, dân Hiệp Đức sẽ không có đường thoát nên chúng tôi hết sức lo lắng. Nếu có nguy cơ vỡ đập, phải dự lượng một phương án để người dân Hiệp Đức có thể chạy được”.

Theo TSKH Ngô Thị Lư, Viện Vật lý địa cầu, hiện tượng đang cho là không bình thường tại thủy điện Sông Tranh 2 cộng hưởng bởi 3 yếu tố. Trong đó, bà Lư nhấn mạnh yếu tố, người dân kém hiểu biết, ứng xử của người dân địa phương còn yếu. “Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần chú ý giáo dục phương pháp ứng xử của nhân dân với động đất”, bà Lư nói.

Phản ứng mạnh mẽ, ông Trần Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam nói: “Ứng xử của người dân vùng động đất là gì, đó là có động đất thì chết. Động đất lại kèm theo biển nước trên đầu mà biển nước này chất lượng kém, thi công không đảm bảo vậy bảo làm sao dân yên tâm. Hỏi tôi tin không, tôi không tin”.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đặt vấn đề, thủy điện khi mới tích nước đã rò rỉ khá lớn là việc bất thường. “Tôi phân vân khi mực nước chết 140 m đã như vậy, khi cao trình lên 175 m không biết mức độ rò rỉ sẽ thế nào?”, ông Thanh nói. Ông yêu cầu làm rõ, việc động đất có liên hệ, ảnh hưởng đến thủy điện như thế nào? Khi động đất xảy ra có ảnh hưởng lớn hơn đến đập thủy điện đang tích nước và có thể xảy ra nguy cơ gì?

Muốn an dân phải an toàn

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, thời gian đoàn công tác vào khảo sát tại thủy điện Sông Tranh là rất ngắn nên ông thật sự chưa yên tâm về tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2. “Muốn an dân phải an toàn. Tôi thật sự không yên tâm về an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 khi có động đất xảy ra. Cho nên, việc tích nước thủy điện Sông Tranh 2 cần phải hết sức thận trọng, bình tĩnh”. Trong việc động đất do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, ông Hải cho rằng, chủ đầu tư cần có trách nhiệm với những thiệt hại của người dân. “Chủ đầu tư cần có thái độ cầu thị, có trách nhiệm ngay với người dân. Tốn kém không quan trọng, mất nhiều thời gian không quan trọng nhưng an dân là điều quan trọng”, ông Hải nói.

Đừng vội vàng tích nước

Kết luận cuộc họp, Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Tôi kiến nghị phải thật sớm lắp đặt các trạm quan trắc. Cần nghiên cứu cẩn thận để xử lý các vấn đề liên quan đến động đất, trách nhiệm với tính mạng người dân là hàng đầu. Vì không thể lường trước được điều gì nên chưa vội vàng kết luận tích nước”. Ông Thanh đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, khẳng định tuyệt đối an toàn đập. Khi tích nước phải có ý kiến chính thức của Chính phủ.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.