Quốc hội và lòng dân

12/09/2012 03:25 GMT+7

Quốc hội nước ta trực tiếp quyết định ngân sách (quyết định các khoản thu và phê chuẩn các khoản chi) kể từ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XI (tháng 11.2008). Khi đó các chuyên gia lập pháp đánh giá, nó đánh dấu bước tiến mới của đất nước trên con đường dân chủ và đổi mới.

Bởi lẽ, về mặt nguyên tắc, có thêm một thiết chế bảo vệ cử tri trước việc có thể bị áp đặt các khoản thu và đặc biệt là nguy cơ chi tiêu công vô nguyên tắc.

Nhưng giá trị của việc Quốc hội quyết định ngân sách dường như đã bị “méo” đi khi mà Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội đã không đồng tình với đề xuất của Chính phủ nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN và mức giảm trừ cho người phụ thuộc vì lo sợ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Nó càng khiến cử tri bức xúc hơn nữa, khi mà, tình trạng lạm thu từ thuế và phí ở VN được cảnh báo rằng quá cao. Tỷ lệ thuế, phí chiếm 21,3% GDP, là cao gấp 1,4 đến 3 lần các nước trong khu vực.

Có lẽ các vị đại biểu Quốc hội cần phải thử sống bằng lương và thu nhập chịu thuế của một gia đình bình thường để nhận ra rằng mức thuế TNCN hiện là quá cao và bất hợp lý. Việc trừ các chi phí trước khi nộp thuế là cách làm của nhiều nước bởi người nộp thuế phải có thu nhập bảo đảm được cuộc sống của họ và gia đình (tương đương với sức lao động của họ) trước khi nộp thuế. Tại Mỹ, trước khi tính thuế TNCN, Chính phủ còn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm hưu trí và khoản này được trừ trước khi xác định thu nhập tính thuế. Ngoài ra, họ cũng được loại trừ một số khoản chi như học phí cho con, chi phí chuyển nhà, thuê người giúp việc nước ngoài...

Một so sánh nhỏ cho thấy mức điều tiết của luật Thuế TNCN tại VN hiện nay quá cao. Một người độc thân tại Mỹ có thu nhập là 30.000 USD/năm, sẽ chịu thuế là 1.930 USD (bằng 6,43% thu nhập). Trong khi đó, người VN có mức thu nhập tương đương vào thời điểm hiện nay khoảng 600 triệu đồng, số thuế đóng khoảng hơn 105 triệu đồng/năm (bằng 16,8% thu nhập).

Chống lạm thu là một phần trong nhiệm vụ ngân sách mà Quốc hội cần làm để bảo vệ hàng vạn hộ kinh doanh và hàng triệu người lao động. Việc tăng thu chỉ có thể được thực hiện nhờ các biện pháp nâng cao tỷ lệ tuân thủ, chống thất thu và buôn lậu, không bao giờ là việc tăng thuế đánh trực tiếp vào người dân.

Tiếc rằng, các kỳ quyết toán ngân sách tại Quốc hội mới chỉ dừng lại ở việc “đóng dấu” cho các báo cáo. Phải thừa nhận rằng, các con số tài chính là rất khó hiểu với nhiều đại biểu, trong khi họ có rất ít thông tin độc lập từ các cơ quan của Quốc hội. Và thật trớ trêu khi một ủy ban chuyên trách như Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại lo chống “giảm thu mất 13.350 tỉ đồng/năm từ tăng mức khởi điểm chịu thuế TNCN và mức giảm trừ cho người phụ thuộc” hơn là làm rõ, tại sao Chính phủ lại đề nghị quyết toán đối với 200.000 tỉ đồng “không đủ điều kiện quyết toán” (quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010).

Việc Quốc hội xem xét để bảo đảm rằng, các nguồn thu đã được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả và đảm bảo tiết kiệm, sẽ tích cực hơn là “đảm bảo nguồn thu” từ việc tăng thuế. Gánh nặng thuế quá lớn sẽ chỉ khuyến khích việc trốn thuế và bóp méo sự phân bổ nguồn lực. Quyết sách của Quốc hội cần phù hợp với lòng dân.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.