Các kịch bản thống nhất liên Triều

12/09/2012 03:25 GMT+7

Hàn - Mỹ đã diễn tập kịch bản đánh chiếm miền Bắc trong bối cảnh vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên lại trở nên thời sự.

Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 11.9 dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao tiết lộ quân đội nước này và Mỹ hồi cuối tháng 8 đã triển khai cuộc tập trận với mục tiêu “chiếm đóng và ổn định” CHDCND Triều Tiên. Quan chức trên không nói rõ về kế hoạch tiến đánh do đây là thông tin nhạy cảm mà chỉ cho biết cuộc diễn tập mang tên Làn gió Tự do (Wind of Freedom) bao gồm “công tác hỗ trợ nhân đạo cho dân CHDCND Triều Tiên sau khi quân Hàn Quốc giành lấy quyền kiểm soát và khôi phục các dịch vụ hành chính”. Ông nói thêm: “Trong cuộc tập trận, quân đội Hàn Quốc nắm quyền dẫn đầu trong toàn chiến dịch nhằm ổn định miền Bắc còn Mỹ đóng vai trò hỗ trợ”.

Binh sĩ Hàn Quốc trong một cuộc tập trận
Binh sĩ Hàn Quốc trong một cuộc tập trận - Ảnh: EPA 

Theo Dong-A Ilbo, Làn gió Tự do là phiên bản nâng cấp của một cuộc tập trận tương tự hồi năm 2010 của liên quân Hàn - Mỹ. Khi đó, các lực lượng chỉ mới diễn tập về “vai trò của binh sĩ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra biến cố ở miền Bắc”. Hai nước dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành tập trận chiếm đóng trong cuộc tập trận chung mang tên Giải pháp then chốt (Key Resolve) vào đầu năm sau.

Do đó, cũng không lạ khi CHDCND Triều Tiên liên tục cáo buộc các cuộc tập trận Hàn - Mỹ là động thái “khơi mào chiến tranh nhằm xâm chiếm và lật đổ chế độ tại CHDCND Triều Tiên”. Thông tấn xã KCNA cuối tháng trước đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông qua kế hoạch tác chiến nhằm đáp trả nếu miền Nam có hành động.

Trong tương lai gần ?

Từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời cuối năm ngoái, vấn đề thống nhất liên Triều liên tục được nhắc tới. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Bahk Jae-wan kêu gọi chính phủ nên bắt đầu chuẩn bị cho việc thống nhất với CHDCND Triều Tiên và cho rằng điều này có thể diễn ra trong tương lai gần, theo Yonhap. Hồi đầu tháng 8, chính phủ Hàn Quốc đã có bước đầu chuẩn bị bằng cách cho phép Bộ Thống nhất dành một phần lớn ngân sách cho việc thống nhất.

Bình Nhưỡng cũng không quên mình còn một “người anh em đáng ghét” ở miền Nam. KCNA đăng bài xã luận kêu gọi đẩy nhanh thống nhất liên Triều, khẳng định đây là nguyện vọng của đảng Lao động Triều Tiên và chính phủ nước này. Đến ngày 3.8, hãng tin Itar-Tass dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất hiện nay là thống nhất liên Triều.

Lâu nay, giới chức Hàn Quốc đã nghiên cứu mô hình thống nhất của Đức và vào cuối năm ngoái, một phái đoàn Đức đã đến Seoul để chia sẻ kinh nghiệm, theo tờ Der Spiegel. Tuy nhiên, Hàn Quốc không muốn tái hợp đột ngột như ở Đức vì chi phí thu hẹp khoảng cách sẽ đội lên rất nhiều. Các chuyên gia ước tính nếu bán đảo Triều Tiên lại “liền một dải”, Seoul sẽ phải chi tới 220 tỉ USD trong năm đầu tiên, chưa kể các nguy cơ hỗn loạn an ninh và xã hội.

Do đó, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng lựa chọn ít tốn kém nhất là theo mô hình Trung Quốc/Hồng Kông, cho phép 2 nền kinh tế và phần nào đó là 2 hệ thống chính trị tồn tại song song, với sự di cư giới hạn. Tuy nhiên, theo AP thì Bình Nhưỡng muốn một liên bang 2 nhà nước, trong đó mỗi bên có hướng đi riêng nhưng không xung đột nhau.

Các chuyên gia đánh giá việc thống nhất có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai miền về lâu dài. Nguồn tài nguyên phong phú được cho là trị giá đến 9.700 tỉ USD của CHDCND Triều Tiên có thể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế Hàn Quốc. Tờ Financial Times dẫn phân tích của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho rằng tiềm năng của bán đảo Triều Tiên nhất thể sẽ thổi luồng sinh khí mới vào một Hàn Quốc đang già nua và đưa nền kinh tế liên Triều trở thành đối thủ của Nhật Bản trước năm 2050. Đối với CHDCND Triều Tiên, thống nhất được cho là có thể giúp hàng triệu người thoát nghèo và tăng thu nhập ít nhất 10 lần, theo giới quan sát. Ngoài ra, thống nhất sẽ giúp cả hai miền giảm mạnh chi tiêu quốc phòng.

Thụy Miên

>> Ông Obama thăm khu phi quân sự liên Triều
>> Trung, Hàn bàn tình hình liên Triều
>> Hàn Quốc để ngỏ quan hệ liên Triều
>> Nga, Hàn bàn dự án đường ống liên Triều
>> Tranh cãi liên Triều vì người đào tẩu
>> Đối thoại liên Triều đổ vỡ
>> Đối thoại quân sự liên Triều đổ vỡ
>> Nối lại đối thoại liên Triều
>> Bình Nhưỡng kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.