Tranh chấp biển đảo đe dọa kinh tế toàn cầu

10/09/2012 04:15 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo tranh chấp chủ quyền biển đảo ở châu Á - Thái Bình Dương đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố trên được bà Clinton đưa ra ngày 9.9 tại Hội nghị cấp cao APEC ở thành phố Vladivostok của Nga. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ, thay mặt Tổng thống Barack Obama dự hội nghị, nhấn mạnh: “Đây là lúc mọi người cùng nỗ lực giảm căng thẳng, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao. Khu vực này là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Các nước châu Á, Mỹ và cả phần còn lại của thế giới không muốn chứng kiến tình trạng gia tăng nghi ngờ lẫn nhau và thiếu chắc chắn ở khu vực”.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Clinton tại Hội nghị APEC - Ảnh: AFP
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Clinton tại Hội nghị APEC - Ảnh: AFP

Bà Clinton còn tuyên bố Mỹ sẽ làm hết mình để ngăn chặn căng thẳng về tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở châu Á - Thái Bình Dương leo thang. Cũng trong ngày 9.9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Malaysia Najib Abdul Razak kêu gọi ASEAN cùng Trung Quốc mau chóng giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Tân Hoa xã vừa đưa tin từ nay tới năm 2020, Trung Quốc sẽ phóng 8 vệ tinh hải dương nhằm nâng cao khả năng giám sát những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Các vùng biển này gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Động thái này rõ ràng tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và khiến tình hình thêm phức tạp.

Do căng thẳng từ tranh chấp biển đảo, lãnh đạo của một số nước liên quan đã không gặp chính thức bên lề Hội nghị APEC. Cụ thể, Thủ tướng Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ trao đổi ngắn trong 15 phút. Sau đó, ông Noda cho giới phóng viên hay ông nói với ông Hồ Cẩm Đào rằng Tokyo muốn xử lý vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một “tầm nhìn rộng hơn”, theo Kyodo News.

Tương tự, ông Noda chỉ bắt tay và nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khoảng 5 phút do hai nước đang lạnh nhạt vì nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Do ông Noda và ông Lee “né nhau” nên vấn đề tranh chấp lại do Ngoại trưởng Clinton nêu ra trong các cuộc hội đàm riêng rẽ với 2 nhà lãnh đạo. Sau đó, bà Clinton cho hay: “Tôi đã đưa ra vấn đề trên với cả 2 nhà lãnh đạo và kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng, cùng hợp tác để có cách tiếp cận kiềm chế”. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh thân cận và có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo không có cuộc gặp giữa Tổng thống  Benigno Aquino III và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC do không sắp xếp được thời gian, giữa lúc hai bên căng thẳng về bãi cạn Scarborough, theo AFP.

Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng

Ngày 9.9, Hội nghị cấp cao APEC tiếp tục các phiên họp quan trọng và bế mạc với tuyên bố chung “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”.

Trong phát biểu dẫn đề tại phiên họp về an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực cần được gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển quốc gia tổng thể, quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam tại hội nghị, Chủ tịch nước khẳng định phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là bước đột phá đầu tiên của công cuộc đổi mới và hiện tiếp tục là biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác với các khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3... nhằm hỗ trợ thiết thực các nước đang phát triển trong bảo đảm an ninh lương thực.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế thế giới và châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ cần đổi mới lý thuyết và mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ và những chuyển dịch nhanh chóng trong tương quan lực lượng kinh tế quốc tế.

Chủ tịch nước đề nghị APEC chú trọng hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc cải tổ cơ chế quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Cũng trong ngày 9.9, bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ song phương với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm Kazakhstan.

TTXVN

Văn Khoa

>> Nhật, Singapore kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông
>> Thủ tướng Singapore nêu chuyện biển Đông tại Trung Quốc
>> Hội nghị quốc tế về biển Đông tại Malaysia
>> Trung Quốc triển khai vệ tinh do thám ở biển Đông
>> Biển Đông là vấn đề đại sự trong quan hệ Việt - Trung
>> Bà Clinton đến Indonesia bàn về biển Đông
>> Trung Quốc cấp tập thâu tóm biển Đông
>> Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.