Tạm dừng khai khoáng không thời hạn ở Mù Cang Chải

10/09/2012 17:18 GMT+7

(TNO) Ông Giàng A Tông, Chủ tịch H.Mù Cang Chải (Yên Bái) cho Thanh Niên Online biết, sau tai nạn sạt lở núi làm 20 người chết, bị thương và mất tích, chính quyền địa phương đã cho dừng tất cả những hoạt động khai khoáng trên địa bàn.

>> Sạt lở núi ở Yên Bái: 17 người chết, 1 mất tích
>> Đã tìm được 18 nạn nhân vụ sạt lở núi ở Yên Bái
>> Báo Thanh Niên hỗ trợ 92 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân vụ sạt lở ở Yên Bái

 
Sau thảm họa sạt lở núi làm chết, bị thương, mất tích 20 người, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải đã cho tạm dừng không thời hạn khai khoáng trên địa bàn - Ảnh: Lê Quân

Theo lãnh đạo H.Mù Cang Chải, trên địa bàn có rất nhiều mỏ khoáng sản chì, thiếc, kẽm… đang được các công ty khai thác. Những mỏ khoáng sản ở Mù Cang Chải có nhiều mỏ nằm ở những nơi có địa hình hiểm trở, núi cao vực sâu.

Đi kèm với hoạt động khai khoáng của các công ty, cũng có rất đông người dân nơi đây hằng ngày đến mót quặng về bán. Sau sự cố sụt lở núi hôm 7.9, huyện yêu cầu dừng khai thác để rà soát lại những khu vực có nguy cơ sạt lở.

Về thời hạn tiếp tục khai khoáng trở lại, Chủ tịch H.Mù Cang Chải cho hay, chưa biết khi nào sẽ cho các mỏ hoạt động. “Trước mắt, mọi nguồn lực vẫn đang tập trung tìm kiếm nạn nhân cuối cùng là anh Lý A Lềnh ở bản Trống Tông. Việc tìm kiếm nạn nhân cuối cùng vẫn gặp nhiều khó khăn do thời tiết”, ông Tông nói.

Còn theo ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch xã La Pán Tẩn, nhiều thi thể các nạn nhân khi tìm thấy không còn nguyên vẹn. Đến chiều nay, vẫn còn hai thi thể chưa xác định được danh tính, gia đình các nạn nhân cũng không thể nhận ra thi thể người thân. “Nhiều cây gỗ to ở hiện trường vụ sạt lở còn bị đá nghiến, phay đứt... huống hồ da thịt con người”, ông Ly rùng mình nói.

Chủ tịch xã La Pán Tẩn cũng cho biết, hiện nay xã đã nhận được gần 600 triệu đồng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ gia đình các nhân.

Theo ông Ly, vụ núi lở xuống cướp đi nhiều lao động chính của không ít gia đình. Đáng thương nhất là gia đình ông Hảng Tồng Chua mất 3 người gồm: bố, mẹ, con trai. Hiện chỉ còn chị dâu đang mang bầu chăm lo cho hai em nhỏ.

Bản Trống Páo Sang cũng có 6 nạn nhân cùng chung họ. Ba nạn nhân ở bản Trống Tông cũng cùng họ với nhau.

Theo ông Ly, sau thảm họa núi lở, có ít nhất là có 6 trẻ bỗng dưng thành trẻ mồ côi. Đáng thương nhất là trường hợp ba anh em Hảng A Vàng (19 tuổi), Hảng A Già (17 tuổi), Hảng Thị Phếnh (11 tuổi) là con nạn nhân Hảng A Ninh (37 tuổi) ở bản Trống Tông.

Tiếp xúc với chúng tôi, Hảng A Già cho biết, bây giờ nhà em chỉ còn 3 anh em và mẹ. Anh Hảng A Vàng đang học ĐH Hùng Vương ở Phú Thọ. Già là con thứ 2, đang học THPT H.Mù Cang Chải, cách nhà 17 km, phải ở trọ. Em gái là Hảng Thị Phếnh đang học lớp 6 ở Trường THCS La Pán Tẩn.

 
Hai anh em Già, Phếnh nhận tiền hỗ trợ từ đại diện Báo Thanh Niên - Ảnh: Duẩn Quân

“Bố là người chăm làm, thương con nhất bản. Nhà em có vườn thảo quả gần nơi xảy ra sạt lở. Dịp đầu năm học, 3 anh em cần nhiều tiền đóng góp nên những lúc rảnh rỗi, bố tranh thủ đi mót quặng bán lấy tiền cho các con đóng tiền học. Hôm xảy ra sạt lở, bố vừa bước được vài bước vào khu mót quặng thì núi sụt xuống, bố không kịp chạy… Chúng em mất bố rồi!”, Hảng A Già vừa khóc mếu máo vừa dỗ em Phếnh vừa kể.

Già kể, học xa nhà nên lần em gặp bố cuối cùng là ngày 26.8, khi bố và mẹ xuống thăm nơi em học, cho tiền mua quần áo mới, ở lại ăn cơm và dặn phải chăm chỉ học thật giỏi. “Không ngờ, bữa đó là bữa cuối cùng em được ăn cơm với bố. Tiền bố cho, em vẫn chưa kịp mua quần áo”, móc trong túi giấu rất kỹ tờ tiền, Già vừa nói vừa cho chúng tôi xem.

Già cho biết, khi nhận được tin bố mất tích, em đã chạy một mạch về nơi núi lở. Khi tìm được thi thể nạn nhân Hảng A Ninh nhưng không thấy đầu, Già là người nhận ra bố từ vết sẹo ở ngón tay phải của bố.

Dừng tổ chức lễ hội ruộng bậc thang

Ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái thông tin, lễ hội ruộng bậc thang dự kiến tổ chức từ ngày 14-20.9 sẽ dừng lại để tập trung khắc phục sự cố sạt lở núi ở La Pán Tẩn.

Theo ông Long, trước đó tỉnh dự kiến, tuần lễ văn hóa ruộng bậc thang với nhiều hoạt động: lễ mừng cơm mới, triển lãm ảnh về ruộng bậc thang, chợ vùng cao, ẩm thực, múa khèn, hát giao duyên... của người Mông.

Ông Giàng A Tông, Chủ tịch H.Mù Cang Chải cho biết, huyện có trên 2.300 ha ruộng, tập trung tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Thời gian tham quan ruộng bậc thang lý tưởng nhất là vào tháng 5 (mùa cấy lúa), tháng 6 đến tháng 7 (mùa lúa non) và tháng 9 đến tháng10 (mùa lúa chín).

Cũng theo lãnh đạo H.Mù Cang Chải, năm 2007, 500 ha ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia. Ông Tông đánh giá, ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn là đẹp nhất huyện.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.