Thụy Sĩ du ký - Kỳ 1: Sống chậm với Bern

10/09/2012 04:05 GMT+7

Nhà thơ Đức Johann Wolfgang von Goethe khi đến Bern vào năm 1779 đã nhận xét: “Đây là nơi đẹp nhất mà chúng tôi từng thấy”.

Chiếc đồng hồ hơn 800 tuổi vẫn chạy

Bern không nổi tiếng với nhiều sự kiện và trụ sở tầm vóc quốc tế như Geneve (Geneva) hay Zurich, nhưng Bern là thủ đô của Thụy Sĩ, một đô thị cổ có hơn 800 tuổi.

Tôi có lý do để nói đến Bern đầu tiên, chứ không phải là Zurich hay Geneve khi viết về chuyến du ký ở đất nước của đồng hồ và của những ngọn núi cao trên dãy Alps hùng vĩ này. Tôi đã nhiều lần đến Hội An, cũng là một đô thị cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Bern, và yêu biết bao những phố cổ nhỏ bé ở đất nước mình. Mỗi lần đến Hội An, tôi cứ nghĩ về Bern vì tôi biết Bern cổ và lớn hơn Hội An rất nhiều, vậy người ta sống và quản lý ra sao ở cái đô thị cổ đó? Rồi những câu chuyện sống động 800 năm qua của Bern cứ thôi thúc tôi phải đặt chân đến nơi này như để thưởng thức một câu chuyện cổ tích. 

Có thể nói Bern đẹp nhất trong các thành phố của Thụy Sĩ mà tôi có dịp đi qua. Zurich đẹp hiện đại, Geneve, Lucerne nằm bên hồ thơ mộng, Engelberg, Zermatt nhỏ xinh bên những ngọn núi tuyết, Basel lạ lùng ở biên giới Pháp, Đức, còn Bern hiền hòa và yên bình. Cả một thành phố cổ được bao bọc bởi con sông Aare chảy uốn lượn, xanh mướt, rợp cây xanh và nhấp nhô những mái ngói, mái vòm cổ kính. Bern của hơn 800 năm xây dựng (tính từ 1191), kể cả phần lớn thành phố này từng bị thiêu hủy do hỏa hoạn vào năm 1405, nhưng sức sống của nó vẫn cuồn cuộn chảy cho đến ngày nay. 

Tôi đến Bern vào mùa này nên khi nhìn Bern từ Vườn hồng trên độ cao 300 m, có cảm giác cả thành phố cổ đang yên giấc giữa trưa hè, chỉ thấy những con đường nhỏ lát đá quanh co, những mái ngói lô xô trong tiết trời đang chuyển từ hạ sang thu, vừa có nắng vàng, vừa chớm se lạnh… Nhiều cặp tình nhân đến đây từ khắp thế giới để ngắm cả một đồi hồng và cả một quá khứ đang hiện về trước mắt.

Một điều vô cùng thú vị là ở đô thị cổ này, có “một chứng tích sống” tồn tại cũng “sem sem” với độ tuổi “anh cả” Bern, mặc cho “anh cả” từng bị thiêu hủy vào năm 1405. Mỗi ngày, cứ đúng 12 giờ trưa “chàng” lại dõng dạc “lên tiếng” trong sự háo hức chờ đợi của hàng ngàn du khách. Đó là chiếc đồng hồ trên tòa tháp mà hiện nay được gọi là Tháp Đồng hồ Bern nằm trong khu phố cổ, gần tòa nhà quốc hội Thụy Sĩ.

 Bern bên dòng sông Aare - Ảnh: C.M.H
Bern bên dòng sông Aare - Ảnh: C.M.H

Theo người hướng dẫn Sandra Zurbuchen (của Cơ quan du lịch Bern), tháp và đồng hồ được xây dựng và chế tạo vào đầu thế kỷ thứ 13, tháp thì kết cấu bằng gỗ và đồng hồ thì bằng sắt, thép, đồng. Năm 1405, khi Bern bị hỏa hoạn tháp cũng bị cháy, chiếc đồng hồ khổng lồ hư hao ít nhiều. Đến năm 1771, người ta mới cho xây lại tháp như ngày nay và đồng hồ thì “trơ gan cùng tuế nguyệt”, về hình dáng như thuở ban đầu.

Quả là một điều bí ẩn khi sau bao nhiêu năm chiếc đồng hồ vẫn chạy chính xác với cả một bộ máy vận hành. Nó còn làm được cả nhiệm vụ thông báo tin tức, ngày tháng, kể cả hình con rối diễn trò trước vài giây khi nó chính thức ngân nga tiếng chuông báo giờ cho cả khu phố cổ trong sự ngạc nhiên của mọi người.

Quả là chỉ có người Thụy Sĩ mới trả lời được. Còn với tôi, thời gian như ngưng đọng ở nơi này, người dân ở Bern có dùng một thuật ngữ để chỉ lối sống mà họ ưa thích: Hãy để thời gian chậm lại... Có lẽ vì thế mà người ta cũng ví von Bern là thành phố sống… chậm nhất thế giới (nhưng cũng nhanh nhất thế giới về những gì mà họ tạo ra). Nó cũng giống như cung đường xe lửa cao tốc nối từ Lucerne đi Zermatt, được Tổ chức Guinness công nhận là chậm nhất thế giới, nhưng thực ra nó là chuyến tàu hỏa hiện đại nhất mà người Thụy Sĩ tạo ra để... chạy chậm cho du khách ngắm cung đường đẹp nhất của dãy Alps trên đất nước họ.

“Ghé” nhà  Albert Einstein

Từ tháp đồng hồ, xuôi theo con đường “Lauben” -  đường Mái vòm (như cách người dân Bern gọi con đường gần 6 km với nhiều ngôi nhà có hình mái vòm theo kiến trúc Gothic trong phố cổ), có một địa chỉ mà tôi cũng như các thành viên trong đoàn vô cùng bất ngờ khi đứng trước nó: nhà của Albert Einstein.

Ai cũng biết nhà vật lý Albert Einstein là người Đức, nhưng đã có đến 7 năm sống ở Bern (1902 - 1909) và trong thời gian dạy đại học ở Bern ông đã tìm ra Thuyết tương đối vĩ đại cũng tại căn nhà này.

Ngôi nhà, nói đúng hơn là một căn hộ, nơi ông đã sống ở đây 5 năm, giờ bên trong là một bảo tàng nhỏ trưng bày những hình ảnh về Albert Einstein, còn bên ngoài rất giản dị với dòng chữ tiếng Đức Albert Einstein Haus - 1902-1907. Trước hiên nhà, người ta để một cái bàn, vài chậu cây xanh, như một quán nước nhỏ xinh xắn cho du khách nghỉ chân. Đơn giản vậy đó, mà mỗi ngày đều có nhiều du khách ghé thăm, ai vội vàng thì cũng cố gắng chụp một “pô” hình trước ngôi nhà của thiên tài, ai có thời gian thì ngồi vào những chiếc ghế trước hiên nhà suy ngẫm cùng ông về thuyết tương đối.

Cũng lạ kỳ, phải chăng cách sống của Bern (hay chính thành phố sống chậm này) đã cho ông một phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, vượt trước thời đại của ông đang sống? Lại nhớ có người bạn Thụy Sĩ sống ở Bern thường nhắc một thuật ngữ của dân xứ này, rằng nên “giảm tốc độ” (sống) thì sẽ có những điều trọn vẹn hơn... Anh còn nói rằng, giảm tốc độ sống không có nghĩa là lãng quên thời cuộc, sống hưởng thụ mà là tránh xa trước những bon chen, để nhìn lại mình, làm những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Cũng là gần với thuyết nhà Phật của phương Đông vậy!

Đến đây thì tôi đã có câu trả lời vì sao 800 năm qua Bern vẫn tồn tại, người ta vẫn sống trong một đô thị cổ kính và yên bình như vậy, mặc cho những thay đổi của lịch sử. Tôi chợt nghĩ đến Hội An. Cũng như Bern, Hội An và người dân phố Hội đã như sự sống của chiếc đồng hồ, dù cũ kỹ vẫn luôn có ích cho đời, nếu cuộc đời biết nâng niu và giữ gìn nó... (Còn tiếp)

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.