Sạt lở núi ở Yên Bái: 17 người chết, 1 mất tích

09/09/2012 03:22 GMT+7

Không khí tang thương bao trùm các bản Trống Páo Sang, Trông Tông, Púng Luông, La Pán Tẩn... của xã La Pán Tẩn, H.Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi có 17 người chết, 2 người bị thương và 1 người mất tích do bị đất đá vùi lấp.

Ghé thăm các gia đình nạn nhân người Mông, ngay từ đầu ngõ, mùi hương nhang, tiếng hờ khóc của người nhà nạn nhân khiến chúng tôi không khỏi gạt nước mắt. Không khí tang thương đang trùm kín các bản làng xã La Pán Tẩn như sương mù phủ trắng nơi đây.

Bản Trống Páo Sang gánh nỗi đau thương nặng nhất khi có tới 9 người bị chết. Hờ khóc thương chồng, chị Lý Thị Sinh vợ nạn nhân Hảng A Sùng nấc lên từng hồi khi nhận quà động viên từ đoàn cứu trợ tỉnh Yên Bái.

Qua phiên dịch, chúng tôi được biết, anh Sùng là lao động chính nuôi sống gia đình 3 con. Ôm 2 con nhỏ vào lòng, vợ anh Sùng nói trong tiếng nấc, con trai lớn của anh chị còn ở trên mộ bố chưa về. Hai con gái nhỏ của chị còn chưa biết bố mất, thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo.

Nhà ông Hảng Tống Chua mất cả vợ chồng và con trai cả. Hiện gia đình ông Chua chỉ còn một con dâu và 2 con gái nhỏ.

Những người dân ở bản Trống Páo Sang kể lại, khi rất nhiều người tập trung tại lán trú mưa dựng trong một khe núi thì bỗng đâu đất đá từ trên cao rầm rầm đổ xuống. Không ai trong lán kịp chạy. Những người đi mót quặng lúc đó ào vào bới móc đống đất đá, gào thét kêu cứu trong tuyệt vọng. Vài giờ sau, những thi thể đầu tiên được tìm thấy, khiêng lên trong tiếng khóc nấc của người thân. Đau xót hơn, nhiều thi thể bị đất đá nghiến không còn nguyên vẹn. “Nếu sạt lở xảy ra vào lúc đầu giờ sáng thì số người chết, bị thương, mất tích không chỉ dừng ở con số 20. Có lẽ lên đến hàng trăm người”, Lý A Tống ở bản La Pán Tẩn, nói.

Sạt lở núi ở Yên Bái: 17 người chết, 1 mất tích
Công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, việc cứu nạn chủ yếu bằng phương pháp thủ công - Ảnh: Lê Quân

Vẫn còn người mất tích

Ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở núi ở Mù Cang Chải kể, một bảo vệ của mỏ khi thấy người dân đến mót quặng đã ngăn cản, liền bị những người đi mót quặng đánh phải chạy về nhà thay quần áo. Trong lúc đó, thì đất đá từ trên núi sạt lở xuống vùi lấp tất cả.

Tại cuộc họp báo cuối giờ chiều qua 8.9, ông Long thông tin, đã tìm thấy 19 nạn nhân. Trong đó, có 17 thi thể, còn 2 người đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ, đã qua cơn nguy hiểm tính mạng. Như vậy, vẫn còn 1 người mất tích. Theo ông Long, những thi thể được tìm thấy trong ngày hôm qua đều không còn nguyên vẹn, rất khó nhận dạng. Có thi thể bị cuốn trôi cách hiện trường đến 5 km. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực hết sức tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do trời chưa dứt mưa, đường vào hiện trường trơn lầy lội, sương mù phủ kín che khuất tầm nhìn. Nguy cơ sạt lở núi vẫn còn tiềm ẩn nên rất nguy hiểm cho những người đang ở hiện trường. “Tôi nhận được thông tin từ anh em đi thực nghiệm báo về, ở gần khu vực sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt rộng chừng 20 cm, chạy dọc vào thân núi chừng 14 m, rất nguy hiểm”, ông Long nói.

Sạt lở núi ở Yên Bái: 17 người chết, 1 mất tích
Chị Lý Thị Sinh, vợ nạn nhân Hảng A Sùng khóc nấc trong đám ma chồng - Ảnh: Lê Quân

Không biết dân ở khu vực nguy hiểm !

Tại buổi họp báo chiều qua, nhiều phóng viên đặt câu hỏi, người dân mót quặng ở khu vực xảy ra sạt lở đã lâu, số lượng người đến mót nhiều, chính quyền có biết hay không? Đã làm gì để ngăn chặn, nhất là trong tình trạng mưa bão kéo dài. Ông Long trả lời, do địa hình hiểm trở, xã lại cách xa trung tâm huyện nên chính quyền không biết dân đến mót quặng ở khu vực nguy hiểm. “Nếu biết, chúng tôi đã có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, không để xảy ra vụ việc thương tâm. Việc xem xét trách nhiệm thuộc về ai trong vụ việc này, đến nay chúng tôi chưa làm do tập trung công tác tìm kiếm cứu nạn. Sau này, có thể xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức”, ông Long nói.

Tuy nhiên, trên đường vào hiện trường, chúng tôi được một số người dân ở H.Mù Cang Chải cho biết, La Pán Tẩn là một trong những xã khá nhất huyện do người dân có thu nhập từ bán quặng. Cách đây vài năm, giá quặng được bán là 18.000 đồng/kg, 22.000 đồng/kg..., có thời điểm lên đến 52.000 đồng/kg. Hiện nay dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Số quặng nhặt, mót được của người dân được các đầu mối thu gom rồi chở sang Trung Quốc bán. Thu nhập tốt, đời sống nhiều gia đình được nâng lên, người nọ theo người kia đi mót, đào quặng bán, hình thành phong trào lớn.

89 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân

Cũng trong hôm qua, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã đi thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình nạn nhân. Trao tặng mỗi nạn nhân chết 4,5 triệu đồng, 1,5 triệu đồng cho người bị thương, mỗi gia đình 100 ký gạo. Công ty TNHH Thịnh Đạt là đơn vị khai khoáng gần vị trí sạt lở cũng trao tặng mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng, bị thương 3 triệu đồng cùng áo quan. Tính đến hết ngày hôm qua, đơn vị tiếp nhận lòng hảo tâm vụ sạt lở đất đã nhận được gần 89 triệu đồng từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.