Nhà triết học dấn thân

09/09/2012 03:51 GMT+7

Hành trình triết học cũng như chính cuộc đời GS Trần Đức Thảo là sự nghiệp triết học giao thoa giữa các dòng tư tưởng Đức - Pháp. Nó cũng là sự chuyển giao và tiếp biến giữa hai nền văn hóa và tri thức Đông - Tây.

Trần Đức Thảo trở thành khuôn mẫu trong tiến trình chuyển giao tư tưởng giữa các không gian văn hóa xa nhau. Năng lực ấy có khả năng lật đổ hay làm lung lay những diễn giải triết học truyền thống

Từ một thanh niên “Annamite” xuất chúng được đào tạo bài bản, GS Trần Đức Thảo ghi dấu tên tuổi mình không chỉ như một triết gia lớn của cộng đồng Pháp ngữ. Hơn thế, sự nghiệp triết học của ông vừa là nền tảng, vừa khai mở và vừa tạo bước ngoặt cho tiến trình lịch sử của triết học Pháp thời hậu Thế chiến 2. Thậm chí, nhà triết học Jean-François Lyotard ngay từ năm 1954 “khẩn thiết” kêu gọi độc giả đọc Trần Đức Thảo. Các nghiên cứu được viết trước khi quay về Việt Nam của ông tạo ảnh hưởng lớn và gây ấn tượng mạnh cho cả một thế hệ trí thức - triết gia Pháp như Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu, Franz Fanon…

Kết nối triết học Đông - Tây

Đến với nước Pháp, hòa nhập vào đời sống của giới trí thức Paris cũng là lúc Trần Đức Thảo tiếp cận với một đại diện của triết học Đức thế kỷ 20, Edmond Husserl, ông tổ của hiện tượng học. Luận văn thạc sĩ của ông được chính thầy hướng dẫn Jean Cavaillès ca ngợi. Chưa kể, nhờ những ghi chép, tra cứu các bản viết tay chưa từng được công bố của Husserl mà một cách “ngẫu nhiên”, ông trở thành một trong những người sáng lập ra Trung tâm lưu trữ Husserl tại Paris trong thập niên 40.

Nhà triết học dấn thân
Áp phích hội thảo về Trần Đức Thảo tại Paris tháng 6 vừa qua

Từ cuối thập niên 1940, hành trình triết học của ông, vẫn luôn gắn với triết học Đức và Pháp, rẽ sang một nhánh khác. Ông lìa bỏ hiện tượng học để đến với chủ nghĩa Marx. Điều này đối lập với quan điểm của nhà triết học Pháp Jean Paul Sartre chỉ nhận định giá trị chính trị - xã hội - lịch sử của chủ nghĩa này. Hành trình “lìa bỏ” hiện tượng học để đến với chủ nghĩa Marx được đánh dấu qua cuốn sách nổi tiếng nhất của ông Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng in năm 1951 tại Paris trước khi về Việt Nam tham gia kháng chiến.

 

GS Trần Đức Thảo (1917 - 1993)

Năm 1936, ông được học bổng sang Paris, Pháp để thi vào Trường ĐH Sư phạm Paris. Tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942). Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Là Phó giám đốc ĐH Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, ông thôi giảng dạy và làm chuyên viên nghiên cứu. Năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh kết hợp với nghiên cứu và mất tại Paris. Di hài ông được nhà nước đưa về an táng tại khu A nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000. Một số tác phẩm của ông: Phương pháp hiện tượng học của Husserl (1942), tiếng Pháp; Triết - lý đã đi đến đâu?, 1950; Phénoménologie et matérialisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng), 1951; Khuyến khích tinh thần tự do dân chủ, 1955; Nội dung xã hội và những hình thức của tự do, 1956; Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, tiếng Pháp, 1973; Sự hình thành con người, 2004.

Sự chuyển hướng học thuật này gắn liền với những dấn thân chính trị của triết gia trong bối cảnh đấu tranh chống thuộc địa ngay trên nước Pháp “chính quốc”. Từ 1946 - 1951, ông tham gia các phong trào hay sự kiện gắn liền đến vận mệnh giải phóng Đông Dương khỏi ách thuộc địa. Ông viết báo chống thực dân trên tạp chí Les Temps Modernes, ủng hộ Việt Minh và chính phủ của Hồ Chí Minh. Ông cũng trả lời thẳng thừng trên báo Le Monde rằng người Đông Dương sẽ nổ súng nếu quân đội viễn chinh Pháp quay trở lại đây. Chính câu nói này khiến ông bị bắt giam vài tháng trong nhà tù Pháp…

Về Việt Nam, thời gian đầu ông tham gia tích cực vào các hoạt động khoa học, nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng từ khi bị “quy kết” vào vụ  Nhân văn giai phẩm, bị gạt ra ngoài lề đời sống khoa học, quãng đời triết gia chìm trong hành trình “lưu đày nội tâm”. Thời gian này, ông không được lên lớp, sách dịch in mà không được đứng tên. Tuy nhiên chỉ riêng việc xây dựng và phát triển một hệ từ vựng triết học phương Tây bằng tiếng Việt là một đóng góp không thể phủ nhận của ông.

Tại hội thảo về ông do Trường cao đẳng Sư phạm (ENS) và Trung tâm nghiên cứu quốc
gia (CNRS) Pháp tổ chức tháng 6 vừa qua, các bài tham luận của giới sử học (Daniel Héméry, Philippe Papin, Trịnh Văn Thảo…) và triết học (Jean -François Courtine, Jocelyn Benoist, Michel Espagne, Alexandre Feron…), khẳng định Trần Đức Thảo là một trong những triết gia Pháp ngữ đầu tiên du nhập hiện tượng học của Husserl vào Pháp.

Theo nhà nghiên cứu Roland Barthes, dấu mốc mác xít trong tư duy triết học của Trần Đức Thảo là biến hiện tượng học thành một phụ trợ kỹ thuật cho chủ nghĩa mác xít. Nói cách khác, sự du nhập của hiện tượng học Đức vào khung cảnh triết học Pháp được bồi đắp thêm bởi một thứ hiện tượng học mang màu sắc đặc biệt của chủ nghĩa Marx và gắn liền với những luận đề chống thực dân.

Ông không chỉ là một mắt xích quan trọng trong lịch sử triết học Pháp thời hậu chiến mà còn là biểu tượng của một sự chuyển giao văn hóa phức hợp trong mối liên hệ tư tưởng triết học Pháp - Đức thông qua bản thể văn hóa Việt Nam. Do sự giao thoa các dòng tư tưởng và các ngành khoa học trong hành trình tư duy triết học của mình, Trần Đức Thảo trở thành khuôn mẫu trong tiến trình chuyển giao tư tưởng giữa các không gian văn hóa xa nhau. Năng lực ấy có khả năng lật đổ hay làm lung lay những diễn giải triết học truyền thống.

Lần đầu tiên, hành trình tư tưởng triết học của Trần Đức Thảo được coi làm chủ điểm nghiên cứu. Một sự công nhận thích đáng của giới học thuật Pháp vì đã đặt ông đúng vào vị trí của một triết gia. Một trong những điểm đặc biệt của sự nghiệp Trần Đức Thảo nằm ở chỗ một triết gia trẻ người Việt du nhập và nghiên cứu hiện tượng học Đức vào Pháp nhưng nhanh chóng “biến mất” khỏi giới triết học Paris. Nhưng cũng chính bởi lý do này mà sự nghiệp đó vẫn khẳng định sức lan tỏa.

Nhà nghiên cứu Michel Espagne: Việt Nam là nơi cho và Paris là nơi nhận

Nhà triết học dấn thân
Ông M.Espagne

Tháng 6.2012, lần đầu tiên nước Pháp tổ chức hội thảo về triết gia Trần Đức Thảo sau gần 20 năm ông mất. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Michel Espagne (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp).

Thưa ông, vì sao giới nghiên cứu Pháp phải đợi rất nhiều năm mới quan tâm trở lại đến hành trình và cá tính duy nhất và phức tạp của triết gia này? Chủ điểm của hội thảo là gì?

Trần Đức Thảo đã thực sự bị lãng quên. Thực tế này xuất phát từ những mối quan hệ không được thuận lợi giữa hai nước Pháp và Việt Nam kể từ sau Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ông đã để lại một dấu ấn sâu đậm bằng những bài giảng và trang viết của ông đến thế hệ các nhà triết học Pháp cùng thời với ông.

Hội thảo lần này tập trung vào 2 chủ điểm: Hiện tượng học và Chuyển giao văn hóa, vừa tương hợp với định hướng triết học của ông vừa phù hợp với chủ đề nghiên cứu của nhóm chúng tôi.

Mặc dù chúng không thể không biệt lập.

Ông có cho rằng việc Trần Đức Thảo trở về Việt Nam năm 1951 có thể coi là một “tổn hại” cho giới trí thức và triết học Pháp trong thời hậu chiến?

Trong giới triết gia Pháp của thập niên 1950, ông ấy có những hoạt động sâu và ngầm. Ông đã mở đường dẫn lối cho một bộ phận trí thức Pháp vào nghiên cứu một thứ triết học mác xít, đem lại cho họ một khám phá mới về hiện tượng học, đã di chuyển điểm nhìn về hướng nhân chủng học... Ở góc độ này, ông đã dự cảm và thúc đẩy tiến trình của nền triết học Pháp. Ông cũng để lại cho chúng ta những công cụ và phương pháp khoa học để hiểu về chủ nghĩa thực dân... Đưa ông thoát ra khỏi “chỗ đứng” của một trí thức bị khai trừ để nghiên cứu những đóng góp của ông cho giới học thuật Pháp và Việt Nam là cách kết nối lại những mối liên hệ khoa học của hai quốc gia. Đây cũng là cách làm nổi bật một tình huống chuyển giao mà Việt Nam là nơi cho và giới trí thức Paris là nơi nhận.

Các ông có những dự án hội thảo nào khác nhằm làm “hồi sinh” những nghiên cứu về (của) Trần Đức Thảo không? Và có ý định kết hợp với các đồng nghiệp Việt Nam?

Chúng tôi mong rằng việc xuất bản kỷ yếu hội thảo này (do NXB Armand Colin dự kiến in vào nửa đầu 2013) và tái bản tác phẩm chính của ông sẽ làm “hồi sinh” những quan tâm mới trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên, những dự án hội thảo về chuyển giao văn hóa Pháp - Việt mà được khởi xướng thì chắc chắn Trần Đức Thảo sẽ quay trở lại với chúng ta. Cùng đó, sự góp mặt của các đồng nghiệp Việt Nam là rất đáng mong đợi.

Nguyễn Thụy Phương
(ĐH Paris Descartes - Pháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.