Vụ Sonadezi Long Thành xả thải gây ô nhiễm: Dân phản đối kết quả xác minh vùng thiệt hại

05/09/2012 03:30 GMT+7

Ngày 4.9, Viện Môi trường - Tài nguyên (MT-TN) có buổi đối thoại với 141 hộ dân xã Tam An, H.Long Thành (Đồng Nai) xung quanh việc bị loại ra khỏi vùng ô nhiễm do Sonadezi Long Thành gây ra.

>> Làm rõ thiệt hại do Sonadezi Long Thành gây ra
>> Thẩm tra thiệt hại do Sonadezi Long Thành gây ra
>> 114 hộ dân đã kê khai thiệt hại do Công ty Sonadezi Long Thành gây ra

Theo báo cáo của Viện MT-TN (Đại học Quốc gia TP.HCM), sau khi Sonadezi Long Thành bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) bắt quả tang xả nước thải không đạt chuẩn ra rạch Bà Chèo, có 302 hộ dân làm đơn đòi bồi thường thiệt hại 25 tỉ đồng. Sau đó, Sở TN-MT Đồng Nai ký hợp đồng với Viện MT-TN tính toán vùng thiệt hại do ô nhiễm để làm căn cứ bồi thường cho dân. Viện MT-TN đã khoanh vùng thiệt hại ô nhiễm do Sonadezi Long Thành gây ra là 114 ha. Dựa trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo bồi thường H.Long Thành xác định có 161 hộ nằm trong vùng ô nhiễm được bồi thường, loại 141 hộ ra khỏi danh sách.

Sonadezi Long Thành 
Người dân phản ứng Viện MT-TN tại buổi đối thoại - Ảnh: K.C

Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Mỹ (ấp 3, xã Tam An, H.Long Thành), bức xúc: "Gia đình tôi nuôi vịt cả chục năm nay đã bị nước thải của Sonadezi Long Thành tiêu diệt hết sạch. Cây trái, hầm cá đến nay cũng không con nào sống nổi. Vậy tại sao lại bỏ tôi ra khỏi vùng ô nhiễm". Còn ông Bùi Văn Em (ấp 2) phát biểu: “Nhà tôi có 9 đìa tôm cạnh đó, chủ yếu sử dụng nguồn nước từ rạch Bà Chèo để nuôi trồng. Giờ chết sạch không còn con tôm, con cá nào, nhưng lại bị loại ra khỏi khu vực ảnh hưởng là không hợp lý”. Ông Nguyễn Văn An (ấp 3) gay gắt: “Giờ cây trái chết hết, vốn liếng sạch trơn, không bồi thường dân chúng tôi sống bằng gì đây?”.

Nhiều hộ dân sống tại khu vực rạch Bà Chèo cho rằng, từ 2006 đến nay, họ phải bỏ nghề mưu sinh vì nguồn nước thải ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Sonadezi Long Thành nhưng vẫn không được giải quyết.

Sẽ tiếp tục điều tra, xác minh

Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện MT-TN, cho biết cơ sở để xác định vùng ô nhiễm được xây dựng bằng bản đồ khoanh vùng, đưa mô hình dòng chảy và thủy văn vào tính toán các khả năng lan truyền ô nhiễm. Tuy nhiên, ông Phước cũng thừa nhận mô hình trên chỉ mang tính tương đối, chỉ giới hạn trên các sông rạch chính của lưu vực và bám theo điều kiện địa hình, địa vật. Còn về thiệt hại do cây trồng, từ năm 2003 đến nay đã có dấu hiệu cây chết, nhưng không thể xác định được yếu tố nào gây ra nên không có cơ sở xác định thiệt hại.

Trước những bức xúc của dân, ông Phước nói: "Việc tính toán số liệu và có những sai số là chuyện bình thường, do các nhà khoa học chỉ dựa vào các thông số kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường của Sonadezi Long Thành ở một thời điểm nhất định. Viện sẽ ghi nhận những ý kiến của dân để tiếp tục điều tra xác minh". Còn ông Võ Văn Luật, Bí thư Đảng ủy xã Tam An cho biết sẽ đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét thêm 27 hộ và xác minh thêm một số hộ nằm cạnh vùng ô nhiễm để đề nghị bồi thường.

Kết luận buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp Viện MT-TN tính toán lại mức độ ô nhiễm, xác định thiệt hại chi tiết thực tế để trả lời cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.