Tham vọng “tàu đổ bộ” của Trung Quốc

29/08/2012 03:50 GMT+7

Gần đây, các chuyên trang quân sự liên tục đăng tải hình ảnh cho thấy ngày càng có nhiều tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) xuất hiện trong các xưởng đóng tàu của hải quân Trung Quốc.

Trong đó, tàu đệm khí lớp Jingsah II dài 22 m, nặng 70 tấn, chở được 15 tấn hàng hóa hoặc khí tài/thiết bị trở nên đặc biệt nổi bật. Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh đang đóng hàng loạt tàu loại này để triển khai cùng đội tàu mẹ đổ bộ (LPD) lớp 071. Đến nay, tàu mẹ đổ bộ lớp 071 được xem là chiến hạm lớn nhất của Trung Quốc khi tàu sân bay đầu tiên của nước này chưa chính thức hoạt động.

Tăng cường năng lực đổ bộ

Theo chuyên trang quân sự Strategypage.com, Trung Quốc hồi năm ngoái đã đưa chiếc thứ 2, mang tên Tỉnh Cương Sơn, thuộc nhóm LPD lớp 071 vào biên chế hạm đội Nam Hải. Trước đó, chiếc đầu tiên có tên gọi là Côn Lôn Sơn cách đây 4 năm cũng đã được biên chế vào hạm đội Nam Hải. Ngoài ra, chiếc thứ 3 thuộc lớp tàu này hiện trong giai đoạn hoàn thiện và Bắc Kinh sẵn sàng đóng thêm chiếc thứ 4 để tiến đến mục tiêu sở hữu 6 chiếc LPD lớp 071.

Tham vọng “tàu đổ bộ” của Trung Quốc  1 

Bản vẽ mô tả tàu mẹ đổ bộ lớp 071 và các khí tài nổi bật kèm theo - Đồ họa: Hoàng Đình
- Ảnh: Hobbyshanghai.net

Với chiều dài 210 m và nặng 20.000 tấn, LPD lớp 071 có bãi đáp cho 2 chiếc trực thăng và có thể mang theo tổng cộng 4 trực thăng quân sự loại Z-8 hoặc Z-9. Ngoài ra, mỗi chiếc tàu lớp 071 còn có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí, 2 tàu chiến loại nhỏ cùng 800 binh lính, 20 xe bọc thép. Bên cạnh đó, loại tàu mẹ đổ bộ này được trang bị 1 khẩu pháo 76 li, 4 pháo 30 li tự động chống tên lửa để phòng thủ trong lúc vận chuyển lực lượng tấn công. Ước tính, mỗi chiếc LPD lớp 071 trị giá khoảng 300 triệu USD. Mặc dù nằm cùng hạng với tàu lớp San Antonio (Mỹ) 25.000 tấn hoặc tàu Mistral (Pháp) 21.500 tấn, nhưng tàu lớp 071 chỉ cần đến thủy thủ đoàn 120 người để vận hành, ít hơn đáng kể so với con số 180 của tàu Mistral hay 396 của tàu San Antonio.

Song hành cùng việc bổ sung tàu LPD, Bắc Kinh còn tăng cường phát triển LCAC. Trước đây, các LCAC do Trung Quốc tự chế tạo chỉ có thể chở khoảng 20 binh sĩ hoặc 2 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, từ năm 2005, Bắc Kinh chế tạo tàu Jingsah II để sở hữu những chiếc LCAC lớn hơn. Cũng trong năm 2005, Bắc Kinh còn mua thêm một số tàu thuộc lớp Zubr vốn do Nga cung cấp, đây là tàu đệm khí đổ bộ lớn nhất thế giới và còn có tên gọi theo NATO là Pomornik. Tàu đệm khí lớp Zubr đủ sức mang theo 130 tấn thiết bị khí tài nên có thể chở đến 3 xe tăng cùng xe bọc thép tấn công hạng nhẹ. Ngoài ra, tàu Zubr còn có 2 hệ thống pháo phản lực đa nòng, 4 hệ thống tên lửa đối không tầm ngắn và 2 khẩu pháo cận chiến AK-630 cỡ nòng 30 li. Với tốc độ tối đa 100 km/giờ, loại tàu đổ bộ này có thể di chuyển nhanh chóng thẳng từ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan. Đến nay, Trung Quốc đã mua 2 chiếc Zubr từ Ukraine và đang đóng thêm 2 chiếc với mức giá khoảng 10 triệu USD mỗi tàu. Theo trang Strategypage.com, Bắc Kinh có thể đang tìm cách tự đóng loại LCAC ngang ngửa với Zubr.

Hải quân Trung Quốc bị chê yếu

Tuy nhiên, dù liên tục nỗ lực tăng cường lực lượng tàu chiến nhưng hải quân Trung Quốc vẫn bị đánh giá là “hạm đội duyên hải”, thiếu khả năng viễn chinh. Theo trang Strategypage.com dẫn đánh giá của Cục Tình báo hải quân Mỹ cho rằng hải quân Trung Quốc chỉ có thể mạnh hơn nếu Bắc Kinh thường xuyên “nhúng nước” các đội tàu của mình.

Trong một thập niên qua, hải quân nước này hoạt động xa nhất là đến Somalia, cách “sân nhà” khoảng 10.000 km, tham gia sứ mệnh chống cướp biển ở vịnh Aden.

Hiện tại, Bắc Kinh có 74 tàu khu trục các loại nên phải cần thêm từ 4 - 5 năm để triển khai luân phiên toàn bộ số tàu này đến trải nghiệm thực tế tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Đến trước năm 2005, chưa có chiếc nào trong số 50 tàu ngầm của Trung Quốc trải qua những hành trình xa bờ. Từ sau năm 2008, khả năng hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ sức giúp nước này đạt tiêu chuẩn cường quốc hải quân mà phương Tây đề ra.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định rằng Bắc Kinh tập trung quá nhiều vào tấn công mà bỏ lơ phòng thủ. Các loại tàu chiến hiện đại của Trung Quốc thiếu khả năng chống tàu ngầm, không được trang bị những loại thiết bị định vị sóng âm cực nhạy. Đồng thời, tàu chiến Trung Quốc, đặc biệt là tàu hỗ trợ, khó đủ sức chống lại thủy lôi. Vì thế, khả năng tác chiến của hải quân nước này có thể bị vô hiệu hóa khi đối phương tổ chức trận địa thủy lôi dày đặc.

Cùng quan điểm, tờ Đông phương Nhật báo của Hồng Kông từng đăng bài đánh giá rằng điểm yếu nhất của hải quân Trung Quốc là thiếu hẳn lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ đủ sức phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho hải quân.

Thụy Miên

>> Nhật cảnh báo về hải quân Trung Quốc
>> Nhật cảnh báo về hoạt động của Hải quân Trung Quốc
>> Mỹ cảnh báo về hải quân Trung Quốc
>> Tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện tại Trường Sa
>> Ấn Độ mua 8 tàu đổ bộ
>> Vũ khí Trung Quốc mạnh tới đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.