Châu Á giữa hai thế lực Mỹ - Trung

30/08/2012 03:15 GMT+7

Tranh cãi đang diễn ra về tương quan sức mạnh Mỹ - Trung Quốc, và sự lựa chọn của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Tại một góc của thành phố Darwin phía bắc nước Úc, các lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu chương trình huấn luyện kể từ khi được đưa tới đây hồi tháng 4. Ở một góc khác cũng của thành phố này, Đại học Charles Darwin vừa khánh thành Viện Khổng Tử và thông báo đây sẽ là trung tâm giáo dục văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc. Người dân xứ này không thấy phiền hà gì với sự xuất hiện của những “người lạ”. Đó là quan sát của nhà báo Úc Jonathan Pearlman.

Những sự hiện diện không gặp phản ứng nào nói trên cho thấy Úc sẽ tiếp tục “đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ trong khi mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa với Trung Quốc”, ông Pearlman viết.

Lựa chọn Trung Quốc ?

Nhưng gần đây, tranh luận trở nên ầm ĩ sau khi Giáo sư Hugh White của Đại học Quốc gia Úc ra mắt quyển sách tựa đề The China Choice: Why America Should Share Power (Lựa chọn Trung Quốc: Vì sao Mỹ nên chia sẻ quyền lực). Ông White, cựu quan chức quân sự cấp cao, lập luận rằng đến giữa thế kỷ này, GDP của Trung Quốc có thể đạt gấp đôi của Mỹ. Vì thế, “quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi, bởi của cải là sức mạnh”. Ông cho rằng: “Trung Quốc đã giàu có và hùng mạnh trở lại, không gì quan trọng hơn đối với nước này là đòi lại quyền lãnh đạo châu Á”.

Trong bối cảnh đó, theo ông, Mỹ có 3 lựa chọn: kháng cự thách thức từ Trung Quốc để duy trì vị thế ở khu vực; rút lui và nhường bước cho Trung Quốc thiết lập bá quyền; hay tiếp tục duy trì sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chấp nhận chia sẻ quyền lực. Nếu Washington chọn khả năng thứ nhất, điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận Bắc Kinh là một “đối thủ chiến lược” và nguy cơ xung đột Mỹ - Trung là rất cao mà khu vực sẽ chịu hậu quả. Chiến tranh là điều cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn nên lựa chọn duy nhất là “Washington cần sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Bắc Kinh”, và Úc cũng phải chấp nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc, ông White khuyến cáo. Ông cũng đề xuất “phân vùng ảnh hưởng” cho Mỹ và Trung Quốc mà theo đó các nước châu Á - Thái Bình Dương phải chọn đứng về một bên.

 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đứng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại APEC 2009 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đứng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại APEC 2009 - Ảnh: Reuters

Chung sống

Quyển sách ra đời lập tức gây tranh cãi dữ dội. Các chuyên gia quân sự, nhà quan sát, học giả ở nhiều nước, đặc biệt là Úc, đã đưa ra nhiều phản biện, hầu hết là bất đồng với ý kiến của Giáo sư White.

Cây bút William Chong chuyên bình luận các vấn đề quốc phòng, quan hệ quốc tế của Báo Straits Times (Singapore) cho rằng cuộc gặp năm 1972 giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cho thấy Washington đã chính thức thừa nhận sức mạnh của Bắc Kinh. Bởi vậy, Mỹ đã tạo điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế cũng như đặt nước này ở vị trí ngang ngửa trong các cấu trúc quân sự, chiến lược và kinh tế. Việc đặt vấn đề Mỹ phải sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc, vì thế, là không cần thiết.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ về GDP nhưng còn lâu mới sánh kịp về thu nhập đầu người, khí tài quân sự, sự minh bạch, cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật. Vì vậy, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là thiết yếu cho hòa bình và ổn định của khu vực. “Vài người khuyến cáo Mỹ nên giảm lực lượng hoặc rút khỏi khu vực của chúng ta. Nhưng tôi không nghĩ thế”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith phản bác ý kiến của Giáo sư White.

Nhà báo William Chong cũng dẫn lời tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc phụ trách châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Anh, chỉ ra sự nguy hiểm trong đề xuất “phân vùng ảnh hưởng” của Giáo sư White. Ông Huxley lập luận rằng từ trước tới nay, một số nước Đông Nam Á đã luôn kháng cự sự ảnh hưởng của Trung Quốc, như vậy, “đề xuất phân vùng ảnh hưởng khác nào kêu gọi chiến tranh?”. “Chúng ta không việc gì phải chọn lựa giữa Mỹ hay Trung Quốc”, Ngoại trưởng Úc Bob Carr khẳng định, còn nhà báo Chong viết: “Đó cũng là lập trường của Singapore”.

“Các nước châu Á muốn Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở đây, nhưng đồng thời cũng muốn đi bên cạnh nền kinh tế năng động của Trung Quốc”, ông Chong nhận định và dẫn chứng phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nói nước này “vui mừng hợp tác với cả Mỹ lẫn Trung Quốc”.

Ở Úc, từ năm 2007, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của xứ này, với kim ngạch song phương trên 100 tỉ AUD. Thế nhưng, “trong lúc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, Canberra cũng tăng cường liên minh chiến lược với Washington và coi đó là nền tảng trong chính sách ngoại giao của mình”, nhà báo Pearlman viết.

Mỹ và 6 nước ASEAN tập trận chung

Đài GMA đưa tin hải quân Mỹ và 6 nước ASEAN hôm 28.8 bắt đầu diễn tập chung tại eo biển Malacca, biển Sulu và vịnh Subic. Phát ngôn viên hải quân Mỹ Omar Tonsay cho biết cuộc diễn tập SEACAT 2012 sẽ diễn ra trong 5 ngày với nội dung chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và các mối đe dọa hàng hải khác. Ngoài Mỹ, các nước tham gia diễn tập gồm Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Trùng Quang

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Nhật sẽ thay đại sứ tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc
>> Viễn cảnh chiến tranh Mỹ - Trung
>> Báo giới Mỹ - Trung khẩu chiến
>> Mâu thuẫn Mỹ - Trung và vấn đề biển Đông
>> Mỹ - Trung căng thẳng vì biển Đông
>> Mỹ trừng phạt ngân hàng Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.