Vụ tranh chấp vốn góp ở Thaco - Kia Đà Nẵng: Tòa diễn giải sai pháp luật

28/08/2012 03:05 GMT+7

Ngày 27.8, TAND tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ tranh chấp chuyển nhượng vốn góp giữa ông Hồ Đắc Tuấn và Công ty CP ô tô Trường Hải (viết tắt là Trường Hải). HĐXX tuyên y án sơ thẩm, bỏ qua đề nghị hủy án của công tố viên do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Theo bản án sơ thẩm, Công ty TNHH ô tô Thaco - Kia Đà Nẵng (viết tắt là Kia Đà Nẵng) được thành lập trên cơ sở góp vốn giữa ông Hồ Đắc Tuấn và Trường Hải (mỗi bên 50%).

Ngày 27.12.2010, ông Tuấn khởi kiện Kia Đà Nẵng yêu cầu chia lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng và tuyên bố tất cả hợp đồng Kia Đà Nẵng đã ký với Trường Hải vô hiệu, buộc Kia Đà Nẵng cung cấp các tài liệu liên quan để ông Tuấn thực hiện các quyền của chủ tịch hội đồng thành viên…

 Vụ tranh chấp vốn góp ở Thaco - Kia Đà Nẵng: Tòa diễn giải sai pháp luật
Minh họa: DAD

Ngày 1.12.2011, ông Tuấn thay đổi đơn kiện. Theo đó, ông Tuấn vẫn kiện Kia Đà Nẵng nhưng thay đổi nội dung thành “đề nghị tòa giải quyết chuyển nhượng vốn góp giữa ông và Trường Hải”.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tuấn, buộc Trường Hải chuyển nhượng 50% vốn góp cho ông Tuấn với giá hơn 5,4 tỉ đồng; buộc Trường Hải mua lại nguyên liệu, phụ tùng hơn 1,4 tỉ đồng. Khấu trừ hai khoản, ông Tuấn thanh toán cho Trường Hải hơn 4 tỉ đồng…

Phát biểu tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa kết luận thẩm phán thụ lý giải quyết vụ kiện của tòa sơ thẩm chưa thực hiện đúng quy định của bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Cụ thể, trong các đơn khởi kiện của ông Tuấn xác định bị đơn là Kia Đà Nẵng, còn Trường Hải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; các biên bản hòa giải của tòa cũng xác định tương tự. Nhưng tại phiên xử, tòa lại xác định Trường Hải là bị đơn. Việc này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo khoản 1, điều 5 BLTTDS. Từ đó, vị công tố đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để xét xử lại. 

Tòa bảo vệ cái sai 

Tại phiên xử sơ thẩm, Trường Hải đưa ra đề nghị bán 50% vốn góp giá 6,2 tỉ đồng, nếu ông Tuấn không đồng ý thì Trường Hải sẽ mua phần vốn góp của ông Tuấn với giá này, nhưng tòa sơ thẩm không chấp nhận, quyết định “bán rẻ” phần vốn góp của Trường Hải. Tại phiên xử phúc thẩm, luật sư Thành hỏi ông Tuấn: “Trường Hải mua lại phần vốn góp và thanh toán các khoản nợ với giá 6,2 tỉ đồng, ông có đồng ý bán?”. Ông Tuấn đáp: “Câu hỏi này không liên quan”. Bảo vệ cho Trường Hải, luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng quyết định của tòa sơ thẩm như trên là vi phạm điều 11 luật Thương mại, “nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại”.

Cũng theo luật sư Thành, Trường Hải ủy quyền cho ông Phạm Thanh Sơn tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Việc tòa xác định ông Sơn đại diện bị đơn là trái nội dung ủy quyền, vi phạm điều 74 BLTTDS. Tòa sơ thẩm còn vi phạm điểm 9, điều 58 BLTTDS không thông báo việc thay đổi nội dung đơn khởi kiện và vi phạm điểm c, khoản 1 điều 60 BLTTDS “tước” yêu cầu phản tố của Trường Hải. Ngoài ra, ông Tuấn không yêu cầu tòa xử cho chuyển đổi hình thức công ty TNHH từ 2 thành viên thành 1 thành viên nhưng tòa sơ thẩm xử là vượt quá nội dung khởi kiện…

Bất chấp những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung, HĐXX phúc thẩm vẫn cho rằng tòa sơ thẩm xử đúng và tuyên y án, chỉ sửa một phần liên quan đến giá trị việc mua lại nguyên liệu, phụ tùng. Đối với việc đột ngột xác định Trường Hải là bị đơn, HĐXX lập luận tòa sơ thẩm có thiếu sót nhưng chỉ mang tính hình thức không quan trọng.

Lê Nga

>> Bất thường bản án tranh chấp vốn góp ở Thaco - Kia Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.