Trò chơi thơ ấu

26/08/2012 03:15 GMT+7

Người lớn bây giờ từ thành thị tới nông thôn đều rất lo lắng khi bắt gặp nhan nhản những trò chơi trẻ em đầy bạo lực, văn hóa phẩm, sách báo độc hại. Những khoảng sân chơi hiếm hoi hình như đã bị người lớn lãng quên hay “tận dụng” thái quá. Trẻ con bây giờ hầu như không biết đến các trò chơi dân gian truyền thống.

>> Game show trò chơi dân gian - tại sao không?

Trẻ xưa đâu lạ lẫm gì với trò chơi đánh đáo, đánh trổng (đánh khăng) với những thanh gỗ đỏ lên nước sáng ngời. Cả hai phe dàn quân trên những cánh đồng làng sau mùa gặt. Có lần tôi đã bị thanh trổng ghim vào đầu máu chảy xối xả phải nghỉ học mấy ngày nhưng niềm đam mê vẫn không từ bỏ được. Hấp dẫn lắm với trò chơi mổ bông vụ với đủ loại màu sắc, thân phía trên bằng gỗ, phía dưới có gắn mũi đinh nhọn làm trụ xoay tròn khi được khởi động bằng một sợi dây dù quấn quanh thân. Thể lệ thắng thua thường căn cứ vào thời gian bông vụ quay.

Cạnh đó trò chơi bắn bi cũng được trẻ con hâm mộ. Bi có nhiều loại thường làm bằng thủy tinh trong suốt, bên trong có các sợi vân đủ màu. Cách chơi cũng lắm công phu và chia làm nhiều loại chơi như: bi một lỗ, hai lỗ... Người thua thường bị người thắng tịch thu những viên bi thua. Một trò chơi khác cũng rất phổ biến là chơi chọi banh cõng. Bên thắng có quyền cưỡi lưng bên thua trong khi chơi. Banh thường là loại banh nỉ bây giờ.

Vui nhất có lẽ là trò chơi đánh đáo, mỗi người chơi phải hùn vào những đồng bạc chì có mệnh giá khác nhau theo thỏa thuận ban đầu. Người chơi có nhiệm vụ ném các đồng tiền ấy vào một cái lỗ đào sẵn, vô đồng nào được lấy đồng nấy, phần tiền chì còn lại không vào lỗ, người chơi dùng đồng tiền khác ném phải trúng để hưởng. Đó là chưa kể các trò chơi khác như thả diều trên đồng hay các bờ đê lúc chiều về, chơi trốn tìm sau những rặng tre xanh.

Con trai liến thoắng chơi như vậy còn đám con gái thì chọn các trò chơi nhẹ nhàng, ít tốn hao sức lực hơn. Nhiều nhất là chơi nhảy dây có hai người quay hoặc một người quay. Vui nhất là vừa nhảy vừa đọc ca dao, tục ngữ nghe rất vần điệu. Nhóm khác thì chơi đánh đũa chuyền banh, trò này đòi hỏi sự điêu luyện rất cao, phối hợp nhịp nhàng của mắt, miệng, tay, đầu... Những chiếc đũa tre cùng trái banh nỉ cứ nhịp nhàng lên xuống cùng với những bài vè rất hay. Con gái quê tôi cũng hay thích chơi trò nhảy cò cò, có nơi gọi là nhảy lò cò trên những ô vạch sẵn trên nền đất hay nền gạch.

Nhớ có lần chúng tôi trốn học ra sân đình làng bắn bi bị thầy giáo phát hiện, cả bọn chạy tứ tung rồi phóng xuống con rạch không dám trồi lên bỏ lại “hiện trường” hàng chục viên bi, hàng chục đôi dép và cặp da. Sau đó mỗi đứa bị thầy bắt thụt dầu một trăm cái và lãnh mười phát roi mây vào mông ê ẩm.

Đã mấy mươi năm trôi qua, những trò chơi thơ ấu ấy đã dần mai một với thời gian, có chăng chỉ còn trong phim ảnh, sách, báo, tư liệu như một kỷ niệm đẹp khó phai. Đâu rồi những thanh trổng đỏ au, những trái banh, đôi đũa, những viên bi nho nhỏ đầy màu sắc, những chiếc bông vụ cứ xoay vòng vòng không dứt, những đồng tiền chì cứ loảng xoảng bên tai…

Triệu Mỹ Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.