Những giấc mơ Việt tại NASA

26/08/2012 03:25 GMT+7

Nhiều năm qua, nhiều chuyên gia gốc Việt có không ít đóng góp quan trọng tại Trung tâm không gian Mỹ (NASA).

>> Nữ sinh gốc Việt tham gia chương trình của NASA
>> NASA thông báo sứ mệnh thăm dò sao Hỏa mới
>> Tổng thống Mỹ đòi NASA báo cáo gấp về "người sao Hỏa

Lâu nay, cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn thường nhắc đến phi hành gia Trịnh Hữu Châu, tên tiếng Anh là Eugene Trinh, một nhà vật lý thiên văn tham gia chuyến bay của NASA vào không gian hồi năm 1992. Ông trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ và ở ngoài trái đất trong gần 15 ngày. Cũng tại NASA, cùng với nhà vật lý thiên văn Trịnh Hữu Châu, một số chuyên gia gốc Việt khác cũng thường xuyên được nhắc đến một cách đầy ngưỡng mộ.

Vợ chồng nhà họ Trịnh

Cũng mang họ Trịnh giống ông Châu, tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và vợ là tiến sĩ Võ Thị Diệp được nhắc đến như một “cặp đôi hoàn hảo” tại NASA. Gần 30 năm qua, hai vợ chồng ông có không ít đóng góp cho Trung tâm không gian Mỹ. Năm 1979, ông Phước rời Việt Nam khi mới 16 tuổi và sau đó đến Mỹ với vốn tiếng Anh gần như là con số không tròn trĩnh. Theo thông tin từ NASA, bằng tất cả nỗ lực để vừa mưu sinh vừa đi học, ông Phước nhận bằng kỹ sư không gian vũ trụ của đại học Missouri-Rolla vào năm 1985. Hai năm sau đó, ông tiếp tục nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật không gian vũ trụ của đại học Missouri-Rolla rồi về làm việc tại NASA. Đến năm 2004, ông được Trường University of Alabama in Huntsville trao học vị tiến sĩ.

Những ngày đầu làm việc tại NASA, ông tham gia nhóm nghiên cứu về thành phần của động cơ tên lửa đẩy. Không ngừng nỗ lực, ông liên tục đạt được nhiều thành công ấn tượng, trong đó có việc phát minh ra một phương pháp mới bơm nhiên liệu vào buồng đốt tên lửa đẩy giúp đem đến hiệu suất tối ưu. Đến nay, thành công mới nhất của ông là đứng đầu dự án phát triển hệ thống đẩy dành cho robot thám hiểm mặt trăng. Đây là một phần quan trọng đối với mục tiêu mà nước Mỹ đang theo đuổi chiến lược mở đường để NASA tiếp tục chinh phục các hành tinh khác. Thành công trên là điều mà tiến sĩ Phước gần như chẳng dám nghĩ đến trước đó, nhưng ông đã đạt được nhờ vào phương pháp làm việc hiệu quả, vượt ra ngoài những khuôn mẫu khô cứng. Vì thế, ông chia sẻ với những người trẻ, đang ấp ủ hoài bão đóng góp cho NASA nói riêng và nhân loại nói chung, rằng: “Học tập phương pháp và cách tiếp cận mới không chỉ quan trọng lúc còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả khi đi làm”; “Sẵn sàng tiếp nhận những trách nhiệm đầy thách thức và làm việc một cách nghiêm túc, có tính kỷ luật sẽ đem đến cho bạn cảm xúc thỏa mãn nhất khi hoàn thành”.

 Trịnh Hữu Phước và vợ là tiến sĩ Võ Thị Diệp
“Cặp đôi hoàn hảo” tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và vợ là tiến sĩ Võ Thị Diệp - Ảnh: NASA

Tiến sĩ Võ Thị Diệp không chỉ là vợ mà còn là người bạn đồng hành của tiến sĩ Phước từ những năm tháng đi học ở Việt Nam đến khi ra nước ngoài, học tập, làm việc chung tại NASA. Giống như chồng, tiến sĩ cũng sinh ra tại Bạc Liêu và rời Việt Nam vào năm 1979 khi được 17 tuổi. Đến Mỹ với vốn tiếng Anh rất hạn chế, bà đã nỗ lực không ngừng để nhận bằng cử nhân hóa học tại Trường Southern Illinois University in Edwardsville. Sau đó, bà nhận bằng tiến sĩ hóa học của Trường University of Missouri at Rolla rồi gia nhập NASA.

Tại Trung tâm không gian Mỹ, tiến sĩ Diệp chuyên về kỹ thuật vật liệu kết cấu. Trong đó, bà đã ghi dấu bằng việc phát triển và thử nghiệm thành công vật liệu mới dùng cho động cơ tên lửa của tàu con thoi. Đến nay, vợ chồng bà vẫn luôn là niềm tự hào của những người gốc Việt đang làm việc tại NASA và trở thành hình mẫu của sự thành công trong nghiên cứu kỹ thuật không gian vũ trụ.

Chuyên gia hàng không

Một chuyên gia gốc Việt khác cũng rất thành công tại NASA là tiến sĩ Bùi Trí Trọng. Cũng vào năm 1979, ông Trọng rời Việt Nam ở tuổi 14 và bắt đầu những ngày tháng đầy gian nan nơi đất khách. Vốn dĩ, ngay từ khi còn trẻ, hoài bão của tiến sĩ Trọng là trở thành một phi công. Ông chia sẻ: “Tôi luôn thích thú với máy bay chiến đấu và ước mơ sẽ trở thành phi công. Khi còn nhỏ, tôi luôn tự hào là đứa trẻ đầu tiên trong xóm, bằng cách nhìn kiểu dáng và nghe âm thanh động cơ, xác định chính xác loại máy bay bay qua”. Tuy nhiên, do hạn chế về nhãn lực nên ông không thể theo đuổi hoài bão. Vì thế, ông quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không để làm việc gần với điều mà mình mong ước.

Tiến sĩ Bùi Trí Trọng  
Tiến sĩ Bùi Trí Trọng (phải) làm việc tại NASA - Ảnh: NASA

Bằng tất cả ý chí và sự cần cù, ông nhận bằng kỹ sư rồi thạc sĩ kỹ thuật hàng không tại Đại học Bách khoa California. Tiếp đến, ông nhận bằng tiến sĩ về kỹ thuật du hành vũ trụ của Đại học Stanford. Năm 1988, khi đang theo học bậc thạc sĩ, ông Trọng đã thực tập tại NASA và nhanh chóng chứng minh năng lực của mình.

Vì thế, đến năm 1990, khi tốt nghiệp thạc sĩ, ông chính thức làm việc cho NASA. Ban đầu, ông nghiên cứu về các loại cửa hút gió và ống dẫn khí trên tên lửa. Năm 1997, ông đã có đóng góp quan trọng trong dự án công nghệ điều khiển tiên tiến được thử nghiệm trên chiến đấu cơ F-15. Tiếp đến, ông liên tục để lại nhiều dấu ấn trong việc phát triển những cải tiến về hỏa tiễn, đặc biệt là lực đẩy, giúp ứng dụng rộng rãi trong các thế hệ tên lửa, chiến đấu cơ mới của Mỹ. Qua những đóng góp tại NASA, ông đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực, đó là tạo ra các đột phá trong kỹ thuật hàng không.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.