Được “úm kỹ”, trẻ sợ đến trường

25/08/2012 08:47 GMT+7

Chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia chị Hoàng (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) tỏ vẻ lo lắng về đứa con trai của chị.

Chuyện của Bin

Cu Bin lên 4, chị quyết định xin cho con vào học trường mầm non. Để Bin làm quen với môi trường mới, vợ chồng chị đăng ký cho con học hè. Nhưng không ngờ Bin cự tuyệt với việc đến trường.

Cu cậu khóc suốt, không ăn, không chơi với ai đến nỗi cô giáo phải điện thoại cho chị đến đón về. Những ngày sau đó, anh chị “cử” luôn bà nội vào trường với cháu nhưng cũng chẳng ăn thua! Gần một tháng Bin chẳng chịu hòa nhập với trường, với lớp.

Gia đình chị Hoàng khá giả và đây là lần đầu tiên cu Bin đến trường. Theo chị Hoàng, do Bin ốm đau liên miên, nhà lại có bà nội và người giúp việc nên Bin không phải đi nhà trẻ như những đứa trẻ khác. Ở nhà, anh chị trang bị cho con đầy đủ đồ chơi. Nhà cửa luôn sạch sẽ, cổng cao, rào kín nên cu Bin ít được tiếp xúc với những đứa trẻ khác. Sống trong một gia đình, một môi trường khép kín như vậy nên việc cu Bin khó hòa nhập với môi trường mới là điều dễ hiểu.

Giúp trẻ hòa nhập

Có nhiều nguyên nhân làm trẻ cự tuyệt với việc đến trường nhưng chủ yếu do người lớn nói chung và chính ba mẹ trẻ nói riêng. Thay vì để trẻ tiếp xúc với môi trường xã hội, vui chơi, sinh hoạt tập thể, nhiều bậc cha mẹ lại “cấm cửa” không cho trẻ chơi, tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa với những lý do như “dơ”, nguy hiểm, “sợ đứa bé con nhà kia đánh con mình”...

Điều này dẫn đến hậu quả trẻ trở nên nhút nhát, thu mình trước tập thể, khó hòa nhập với môi trường nhà trường. Chính vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiếp xúc, làm quen với môi trường bên ngoài, chơi đùa cùng bạn đồng trang lứa để trẻ hình thành ý thức sinh hoạt tập thể.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về nhà trường, về cô giáo. Tránh việc đem nhà trường, đem cô giáo ra để dọa dẫm trẻ. Có những bậc cha mẹ lẽ ra phải “vẽ” cho con một bức tranh tốt đẹp về nhà trường, tạo nên một hình tượng về cô giáo thương yêu con trẻ, hát hay, đàn giỏi... thì lại đem ra dọa con như “cứ quậy đi, ít hôm nữa đến trường thì cô giáo đánh cho hết quậy”, hay “không ngoan hôm sau ba (mẹ) đem đi học cho mà biết tay”!

Ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển nhân cách, trẻ đang sống trong sự bao bọc, chiều chuộng của gia đình. Do vậy, một mặt các bậc cha mẹ cần có những tác động, định hướng, khuyến khích để trẻ xem việc đi học sẽ đem lại những “lợi ích” đồng thời cũng là “nghĩa vụ” của con trẻ. Nó giống như việc đi làm hằng ngày của người lớn. Mặt khác, phụ huynh cũng nên đáp lại sự nũng nịu của con nhưng tuyệt đối không được nuông chiều trẻ quá mức.

Theo Nguyễn Quế Diệu / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.