Chơi với bạn của con

25/08/2012 08:51 GMT+7

Con trẻ sẽ có bạn bè cùng trang lứa. Cho nên thật nguy hiểm nếu cha mẹ chẳng biết gì về bè bạn của con.

Trong khi đó, chỉ cần khéo léo quan sát hoặc tiếp xúc nhiều hơn với bạn của con, phụ huynh sẽ hiểu con nhiều hơn và phòng được rất nhiều thứ.

Hết mình vì bạn

Có nhiều chiêu “chơi” với bạn bè của con như gợi ý con rủ bạn về nhà học nhóm, giao nhà cho chúng tự nấu “món ăn chơi”, lánh mặt cho chúng tổ chức tiệc sinh nhật...

Chia sẻ tại khóa huấn luyện cho cha mẹ, chị Khánh Ng. (Q.3, TP.HCM) kể con trai chị học lớp 9 và chơi thân với một bạn cùng lớp tên T. hay trốn học thêm đi đánh bida. Để “bảo vệ” bạn, con chị đứng ra “làm chứng”, nhờ vậy T. không bị ba mẹ la rầy. Đến cuối học kỳ, do T. học kém nên nhà trường mời ba mẹ T. lên làm việc. Hậu quả là không chỉ bị ba mẹ nhắc nhở, con trai chị còn lo bị nhà trường kỷ luật.
Một phụ huynh khác là chị Phương Kh. cho biết con trai chị học lớp 8 nhưng có bạn thân ở một trường khác cùng Q.8, TP.HCM. Do có xích mích với một học sinh cùng trường, người bạn này nhờ con chị giúp đỡ “dạy cho nó một bài học”. Không chần chừ, con chị Kh. tổ chức một nhóm bạn đem theo “hàng nóng” vào trường nhưng chưa kịp xuất quân đi “tiếp viện” cho bạn thì bị nhà trường phát hiện và phải ra hội đồng kỷ luật.

Bạn đôi lúc lại là kẻ làm hại mình như một trường hợp ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu buồn bã nhớ lại. Một lần thân chủ của anh (một nữ sinh lớp 11) cùng hai bạn trai đi dự buổi liên hoan chia tay một người bạn đi định cư nước ngoài. Trong buổi đó hai bạn cứ ép cô uống. Kết quả cô bé gục tại bàn, sáng hôm sau tỉnh dậy thì thấy cả ba nằm ở nhà nghỉ trong “trang phục” Eva và Adam. Buồn hơn, sau đó cô bé bị “mất đèn đỏ” trong hai tháng, khi mua que thử thai mới biết dính bầu.

Giữ con bằng cách nào?

Một bà mẹ kể có lần con gái chị được nhóm bạn đưa về nhà rất muộn sau tiệc sinh nhật. Tuy giận sôi sục nhưng chị dằn lòng nói cảm ơn nhóm bạn “hào hiệp” của con, đồng thời khéo léo dạy dỗ chúng bằng cách hối thúc chúng gọi điện thoại về nhà kẻo cha mẹ lo lắng. Bà mẹ sau đó cũng chẳng la mắng con gái mà còn gợi ý lần sau nên tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà cho tiện. Chị tâm sự: “Phải giữ bằng được mối dây liên hệ, nếu la rầy sẽ đẩy con và nhóm bạn về bên kia chiến tuyến”.

Nhưng giữ mối dây liên hệ trước hết là với chính con mình. Chuyện này không hề dễ dàng với không ít cha mẹ vì nôn nóng muốn con “hoàn hảo” mà cứ tập trung vào những cái chưa tốt của con, càng tạo ra khoảng cách cha mẹ - con cái. Ngược lại, cha mẹ mới có cơ hội hiểu về từng người bạn của con, biết rõ nhóm bạn đang làm gì và có thể can thiệp hỗ trợ nhóm qua việc bàn bạc, trao đổi với con. “Làm thế sẽ giúp con góp phần xây dựng nhóm bạn và khẳng định bản thân trong nhóm”, chị Thùy L. (Q.2, TP.HCM) phân tích. Chị kể gần đây nhất, nhóm bạn của con lên kế hoạch đi coi phim cùng nhau, chị cũng hào hứng bàn bạc cùng con về thời gian, chọn rạp chiếu, hỏi giá vé và mua vé trước để có chỗ ngồi. Bàn bạc với mẹ xong, con liền gọi điện thống nhất trong nhóm bạn. Theo chị L., chỉ vậy thôi mà con trai chị vui ra mặt vì được làm “nhà tổ chức”.

Không riêng chị L., một số cha mẹ khác cũng chủ động tạo ra các cơ hội để giao tiếp và có khi còn trở thành người bạn “lớn” của chúng. Qua quan sát, con trẻ sẽ học được cách bắt chuyện và giao tiếp từ cha mẹ. Với kỹ năng này, theo ThS Trần Thị Ái Liên, con trẻ sẽ có nhiều bạn và dễ dàng tìm được bạn mới nếu bị nhóm bạn cũ gây áp lực buộc trẻ làm những chuyện xấu hoặc không muốn.

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.