67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 5: Bữa tiệc ngoại giao đầu tiên

24/08/2012 03:10 GMT+7

Ngày 25.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hà Nội. Trưa 26.8.1945, Người mời cơm vị thiếu tá trưởng phái đoàn Mỹ ở Đông Dương. Đây có thể coi là “bữa tiệc ngoại giao” đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam mới.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 13.4.1945, Archimede Patti, khi đó còn mang hàm đại úy, Đội trưởng đội OSS (The Office of Strategist Services, tiền thân của CIA, Cục Tình báo trung ương Mỹ) được phái đến Côn Minh (Trung Quốc) để tìm cách giải cứu và bảo vệ những quân nhân Mỹ trong cuộc chiến với quân Nhật. Theo A.Patti, lần đầu tiên cái tên Hồ Chí Minh được nhắc đến trong một bức điện ngày 31.12.1942 của Đại sứ Mỹ (ở Trùng Khánh) thông báo việc bắt và giam Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, Quảng Tây. Cái tên này dần trở nên quen thuộc và quan trọng hơn với người Mỹ trong trận chiến với Nhật ở nam Trung Hoa và Đông Dương khi đó. Người Mỹ đã “phát hiện ra Hồ Chí Minh” đại diện cho một phong trào chính trị đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam. Mặc dù đã xác nhận rằng “ông Hồ là cộng sản” song người Mỹ vẫn coi lực lượng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo thuộc về “phe mình” và hai bên có thể hỗ trợ nhau để cùng đạt lợi ích. Phía Mỹ là cứu các phi công, thu thập tin tức quân Nhật và từng bước thiết lập ảnh hưởng tại Đông Dương. Phía Việt Minh là sự ủng hộ vật chất cụ thể cho cuộc chiến đấu, xa hơn là sự công nhận chính thức từ phía Mỹ và Đồng minh quyền và vị thế của dân tộc Việt Nam độc lập.

 Tháng 8.1945, A.Patti gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tháng 8.1945, A.Patti gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiều 22.8.1945, A.Patti dẫn đầu nhóm OSS đáp xuống sân bay Gia Lâm. Ấn tượng đầu tiên của A.Patti là người Hà Nội “vẫn đi bộ, đi xe đạp nhộn nhịp với một dáng tự hào và tin tưởng nhưng vẫn trật tự”... và một biển cờ đỏ, biểu ngữ tràn ngập các đường phố.

Trong buổi sáng chủ nhật đầu tiên A.Patti ở Hà Nội, lễ đón phái bộ Mỹ đã được tổ chức trọng thể ở vườn hoa nhỏ trước khách sạn Metropole. Thiếu tá A.Patti đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Dương Đức Hiền, Khuất Duy Tiến đang xúc động nhìn Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên cùng Quốc kỳ của bốn cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc. Cũng lần đầu tiên giai điệu hào hùng “Đoàn quân Việt Nam đi...” vang lên bên cạnh quốc thiều của bốn nước Đồng minh.

Sau buổi lễ, A.Patti được mời tới ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang. Gặp lại sau 4 tháng, ông đã thực sự ngạc nhiên trước “thân hình xương xẩu trái ngược với cái trán khá rộng với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt” của Hồ Chí Minh. Bữa tiệc diễn ra ở một căn phòng trên tầng hai với rượu Vermouth khai vị. Bà Hoàng Thị Minh Hồ - người lo toan việc bếp núc cho bữa tiệc - nhớ lại rằng bà đã đặt món ăn ở các hiệu lớn trên phố Hàng Buồm, Hàng Bông. Các nhà hàng tới nấu luôn đồ ăn trong sân, sau đó người nhà chuyển lên gác.

Theo trí nhớ của A.Patti, cùng tiếp khách với Chủ tịch nước Việt Nam mới còn có Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và có thể cả Nguyễn Khang. A.Patti và Hồ Chí Minh đã có một cuộc trò chuyện thân mật như những người bạn cũ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông Patti còn nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 29.8, trong cuộc gặp, Hồ Chí Minh đã đọc cho A.Patti nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Chiều 1.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời A.Patti và Grelecki dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Cùng dự còn có Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám. Qua những người bạn Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự hoan nghênh và coi trọng mọi sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được từ Mỹ và Đồng minh. Người cũng đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ của OSS. Người nhắc đến các ông Chennault, Helliwell, Glass, Thomas, Holland và mong tinh thần “hợp tác hữu ái” sẽ tiếp tục phát triển.

Chiều 2.9.1945, A.Patti không dự ngày lễ Độc lập trọng đại của nhân dân Việt Nam trên vị trí một quan khách. Ông đi lẫn trong đám đông hồ hởi cờ hoa và bạt ngàn biểu ngữ, áp phích: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Thà chết không nô lệ”, “Hoan nghênh Đồng minh”, “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”...  Cả toán OSS cũng len lỏi trong đám đông, chụp ảnh, ghi chép các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu.

Trong những ngày mùa thu cách mạng 1945, thiếu tá tình báo Mỹ A.Patti đã chứng kiến niềm vui và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Những ấn tượng tốt đẹp của ông với những người cách mạng Việt Nam, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến A.Patti nhận ra một điều quan trọng. Đó là tình hữu nghị cần có giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.

Archimedes Patti sinh năm 1914 tại New York, gia nhập quân đội năm 1941.

Từ cuối năm 1944, ông làm việc tại Cục Tình báo chiến lược (OSS - Office of Strategic Services, tiền thân của CIA sau này), là Trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, hàm đại úy.

Tháng 4.1945, A.Patti có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Côn Minh.

Tháng 8.1945, ông được thăng hàm thiếu tá, được cử làm trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ, thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc thu vũ khí của quân Nhật tại Bắc Đông Dương. A.Patti đến Hà Nội vào ngày 22.8 và thực thi nhiệm vụ của mình cho đến ngày 30.9.1945.

Năm 1980, A.Patti xuất bản cuốn hồi ký Why Vietnam: Prelude to America's Albatross (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ). Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Ông qua đời ngày 23.4.1998.

Ngô Vương Anh

>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 4: 6 khẩu súng ngắn tướng Mỹ tặng Bác Hồ
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 3: Chủ động khởi nghĩa thành công
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 2: Người mang lệnh Tổng khởi nghĩa vào Nam
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8: Về khoảng “chân không chính trị” tháng 8.1945
>> Nga duyệt binh kỷ niệm 67 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức
>> Các nước trên thế giới kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng phát xít Đức  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.