Mã hóa trên ADN

23/08/2012 03:10 GMT+7

Hai chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã xuất bản 70 tỉ quyển sách mới trên nguyên liệu di truyền ADN.

Hiện có 70 tỉ bản in của cuốn sách Regenesis: How Synthetic Biology Will Reinvent Nature and Ourselves in DNA, với tác giả là George Church và Ed Regis, nhưng rất ít người đã đọc quyển này. Không phải vì nội dung thuộc về chuyên ngành quá hẹp, mà do toàn bộ nội dung cuốn sách được viết trên nguyên liệu di truyền của sự sống: Deoxyribonucleic acid, gọi tắt là ADN.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết tình trạng bùng nổ dữ liệu kỹ thuật số, các chuyên gia của Đại học Harvard đã mã hóa cả một quyển sách vào phân tử di truyền ADN, và sau đó đọc lại một cách chính xác toàn bộ nội dung của nó. Thí nghiệm trên, được tạp chí uy tín Science đăng tải, có thể mở đường cho các thế hệ thiết bị với khả năng lưu trữ dữ liệu cực khủng bất chấp kích thước của nó, đồng thời làm lu mờ mọi dòng ổ cứng và vi mạch điện tử hiện tại. Cụ thể, một thiết bị cỡ ngón tay cái có thể lưu trữ dữ liệu của toàn bộ mạng internet, theo chuyên gia George Church của Đại học Harvard (Mỹ).

Như đã nói ở trên, chuyên gia Church, cùng với đồng sự Kosuri đã dùng chính tác phẩm của mình, sắp xuất bản trên thực tế vào tháng 10 tới, để thực hiện bước đột phá trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu trên ADN. Bằng cách sao chép 53.426 từ trong sách, cộng thêm 11 hình minh họa (dưới dạng hình ảnh jpeg) và  chương trình máy tính JavaScript, họ xoay xở để nhồi nhét một khối lượng thông tin nhiều gấp 1.000 lần dữ liệu từng được mã hóa lên các sợi của ADN. Để dễ so sánh, 70 tỉ bản là nhiều gấp 3 lần tổng số lượng bản in của 200 quyển sách phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Một trong những đặc điểm kiệt xuất của ADN là nó cực nhỏ mà lại vô cùng hiệu quả về mặt năng lượng. 1 gram ADN có thể lưu trữ đến 455 tỉ gigabyte. Như vậy chỉ cần 4 gram ADN, về mặt lý thuyết, đã đủ để lưu hết dữ liệu mà cả thế giới tạo ra trong suốt 365 ngày. Tất nhiên, không thể chờ đợi công nghệ mới này sớm xuất hiện trong các thư viện trường học. “Phải mất cả 1 thập niên để nghiên cứu công nghệ đọc và viết trên ADN. Tôi đã học cách đọc ADN suốt 38 năm, và bắt đầu học viết lên ADN từ thập niên 1990”, tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Church.

Hiện ngành lưu trữ trên ADN được đẩy mạnh với tốc độ ấn tượng. Nếu công nghệ điện truyền thống chỉ tăng gấp 1,5 lần/năm, đọc/viết ADN đang được cải thiện với tốc độ gấp 10 lần mỗi năm. Bên cạnh đó, chi phí viết dữ liệu lên ADN cũng giảm đáng kể, từ 10.000 USD cho một triệu cặp nucleotide vào năm 2001 xuống còn 10 xu Mỹ vào năm 2012, theo Viện Gien người quốc gia của Mỹ.  

Hạo Nhiên

>> 10.000 USD để gửi mẫu ADN lên mặt trăng
>> Nghiên cứu ADN thời Chúa Jesus
>> ADN người hiện đại cổ nhất
>> Biến ADN thành “ổ cứng sống”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.