"Nóng" chuyện xử lý lao động nước ngoài không phép

21/08/2012 12:38 GMT+7

(TNO) Việc quản lý, xử lý lao động (LĐ) nước ngoài không phép đã làm “nóng” buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 21.8.

Nhiều kẽ hở cho LĐ không phép

Đại biểu (ĐB) Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đặt vấn đề: Có hơn 77.000 LĐ nước ngoài đang làm việc tại VN nhưng rất nhiều địa phương không quản lý được số lượng này. Vậy Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp như thế nào để quản lý tốt LĐ nước ngoài? Đặc biệt, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) bỏ trốn do sản xuất, kinh tế khó khăn. Những chủ DN người nước ngoài bỏ trốn đã gây tổn hại quyền lợi của người LĐ. Như vậy, có cơ chế, giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ trong những trường hợp chủ người nước ngoài bỏ trốn?


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền giải trình trước QH về các vấn đề quản lý người LĐ nước ngoài - Ảnh: Quang Khánh

Với vấn đề quản lý người nước ngoài làm việc tại VN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền không trả lời mà “nhường phần” cho Bộ Công an. Bà Chuyền chỉ trả lời ĐB về quyền lợi của người LĐ khi DN bỏ trốn.

Theo bà Chuyền, hiện chưa có quy định nào về việc xử lý các chủ DN nước ngoài bỏ trốn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người LĐ. Sắp tới, bộ sẽ nghiên cứu về vấn đề này.

Bộ Công an nói cơ sở địa phương đều nắm được lao động nước ngoài nhưng tại sao khi tình trạng bác sĩ Trung Quốc “chui” xảy ra thì nói không biết. Bệnh viện Maria (Hà Nội) gây chết người, bác sĩ Trung Quốc bỏ chạy đâu không biết? Quản lý vậy quản lý kiểu gì?!
ĐB Bùi Sĩ Lợi

Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã cung cấp số liệu thống kê có 39,9% LĐ nước ngoài tại VN chưa được cấp phép. Theo ông Lâm, phần lớn đối tượng LĐ không phép này vào làm việc tại VN theo con con đường du lịch. Thế nên việc quản lý, xử lý vi phạm với những số LĐ này rất khó khăn, đặc biệt là đối với một số nước châu Phi không có sứ quán, đại diện ngoại giao tại VN.

Về công tác quản lý lao động nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trước hiện trạng báo chí, dư luận nêu lên, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công an đã có những chỉ đạo chấn chỉnh.

“Bộ Công an đã quản lý được cư trú, việc làm của người nước ngoài ngay tại cơ sở. Về công tác quản lý người nước ngoài trong đấu tranh chống tội phạm, Bộ Công an làm được”, ông Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Lợi không đồng tình, nói: “Bộ Công an nói cơ sở địa phương đều nắm được lao động nước ngoài nhưng tại sao khi tình trạng bác sĩ Trung Quốc “chui” xảy ra thì nói không biết. Bệnh viện Maria (Hà Nội) gây chết người, bác sĩ Trung Quốc bỏ chạy đâu không biết? Quản lý vậy là quản lý kiểu gì?!”.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền bức xúc hiện nay rất đông LĐ phổ thông nước ngoài làm việc tại VN (đặc biệt là tại các dự án bô-xít Tây Nguyên) trong khi đó người LĐ VN lại thiếu việc làm.

Thêm một vấn đề gút mắc hiện nay được ĐB Hồ Trọng Ngữ đưa ra là quy định người nước ngoài làm việc tại VN dưới 3 tháng thì không phải cấp phép làm cho việc quản lý rất khó khăn. Vì thực tế, nhiều người nước ngoài mặc dù LĐ lâu năm tại nước ta nhưng không có phép vì làm theo kiểu ở 2 tháng rưỡi làm việc rồi sau đó về, rồi lại qua làm tiếp.

 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến tháng 7.2012, số lao động (LĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 77.087 người. Trong đó, 49.983 LĐ được cấp giấy phép LĐ (chiếm 67,15%) và 24.455 người chưa được cấp phép (chiếm 32,85%).

Người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...) chiếm khoảng 58%, quốc tịch châu Âu (Anh, Pháp...) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. LĐ là nam chiếm 89,9%, có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86%.

Đồng thời, ĐB Nguyễn Kim Khoa đánh giá tình hình LĐ nước ngoài tại VN hiện nay rất phức tạp và yêu cầu bộ trưởng giải trình rõ trách nhiệm quản lý, xử lý thuộc bộ nào.

Bộ trưởng Chuyền cho biết mặc dù làm việc dưới 3 tháng, người LĐ nước ngoài không phải xin giấy phép nhưng Bộ LĐ-TB-XH có quy định người sử dụng lao động phải đăng ký LĐ trước 7 ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận hầu như hiện nay việc thực hiện chưa nghiêm túc. Bộ sẽ nghiên cứu để điều chỉnh lại quy định.

Về LĐ phổ thông người nước ngoài tại các dự án Trung Quốc trúng thầu rất đông, bà Chuyên cho rằng do quy định nếu không tuyển được LĐ địa phương người sử dụng LĐ có quyền tuyển LĐ phổ thông của mình. Trong khi đó, “các dự án Trung Quốc trúng thầu, thời gian họ thông báo tuyển dụng ở địa phương rất ngắn và chúng ta chưa chuẩn bị được lực lượng thì họ đã tuyển LĐ phổ thông”, bà Chuyền nói.

Theo bà Chuyền, trong Bộ luật LĐ có hiệu lực vào tháng 5.2013 sẽ có phần chuyên về LĐ nước ngoài. Trong đó, các vấn đề gút mắc về quản lý, xử lý LĐ nước ngoài hiện nay sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh thêm cho phù hợp.

Trước những chất vấn của các ĐB QH về việc tràn lan LĐ phổ thông, không phép tại nước ta hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Để Bộ Công an trả lời vì chúng tôi chỉ quản lý LĐ chứ không cấp phép nhập cư cho LĐ”.

Bộ trưởng xác nhận trách nhiệm quản lý: Về việc quản lý LĐ nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm chỉ đạo các Sở LĐ-TB-XH ở các địa phương hướng dẫn, triển khai cho người nước ngoài đăng ký LĐ, nhận đăng ký và cấp phép LĐ. UBND địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Bộ Công an quản lý, cấp phép nhập cư cho LĐ.

Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Tô Lâm cho rằng ngành Công an thường xuyên quản lý và phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến LĐ nước ngoài tại VN và kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp kiểm tra xử lý. “Về vi phạm tại phòng khám Maria (Hà Nội) cũng do công an phát hiện và kiến nghị ngành y tế kiểm tra. Hiện sự việc đang được điều tra để xử lý hình sự”, Thứ trưởng Bộ Công an giải trình.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, về việc xử lý LĐ nước ngoài không phép hiện chỉ có biện pháp là mời họ xuất cảnh nếu họ không xuất cảnh thì ta phải trục xuất.

“Trách nhiệm chính là phải về các bộ chủ quản quản lý chính LĐ của mình. Bộ Công an chỉ có trách nhiệm quản lý chung cộng đồng người nước ngoài và đấu tranh phòng chống tội phạm”, ông Lâm nói.

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc chưa hiệu quả

Buổi sáng, các ĐB cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH xung quanh những bất cập về đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người, người nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề hiện nay đang gây lãng phí rất lớn và liệu rằng có nên sáp nhập trung học chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT vào Tổng cục dạy nghề của Bộ LĐ-TB-XH.


ĐB Bùi Sĩ Lợi chất vấn về việc quản lý LĐ nước ngoài của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công an - Ảnh: Quang Khánh

Bà Chuyền đồng tình với việc sáp nhập hai tổ chức dạy nghề thành một, nhưng Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý chính sẽ do Chính phủ quy định.

Thêm vào đó, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (tỉnh Cần Thơ) và ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng nêu ra những giải pháp cho tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào thiểu số còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu lao động.

Với vấn đề trên, Bộ trưởng giải thích, bà con đồng bào dân tộc gặp khó khăn trong việc học tiếng, do phong tục tập quán nên vẫn còn thiếu ý thức kỷ luật. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc cũng ngại đi xa (theo tập quán), không muốn xa nếu phải đi đến nơi khác học nghề. Chẳng hạn, mặc dù trường dạy nghề cho thanh niên dân tộc đã được xây dựng ở Tây Nguyên, nhưng thanh niên dân tộc ghi danh vào học nghề vẫn còn thấp.

Mặt khác, hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng vẫn còn rất ít doanh nghiệp đầu tư đến tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc nên người dân được học nghề nhưng vẫn không có được việc làm như ở miền xuôi. Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH đang cân nhắc cách bố trí nơi đào tạo dạy nghề, hoàn thiện hệ thống thị trường LĐ, để đảm bảo có một trung tâm xúc tiến việc làm tại các địa phương trên cả nước.

Nguyên Mi - Phúc Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.