Lãng đãng Lampang

20/08/2012 03:15 GMT+7

Hành trình 600 cây số trong thời gian 6 giờ, tôi trở lại Lampang từ Bangkok bằng đường bộ.

Từ thủ đô Bangkok đến ChiangMai, ChiangRai hay Tam giác vàng ở miền bắc Thái Lan bằng đường bộ, đều phải ghé qua Lambang. Đây là một thành phố nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng sông Wang đầy ấn tượng với các công viên quốc gia và khu dự trữ sinh quyển Huay Tak Teak, bạt ngàn những cánh rừng giá tỵ... Ở đây chưa đến một ngày, nên không thể đến được những nơi mà anh bạn đã ghi sẵn cho tôi thành một danh sách dài. Từ trung tâm huấn luyện voi rừng, hàng trăm lò gốm thủ công, những làng nghề chạm khắc gỗ và những ngôi chùa ảnh hưởng kiến trúc Myanmar hiện lên rất sống động. “LamPang là niềm tự hào của xứ sở Xiêm La và một trong những ví dụ sinh động nghệ thuật, ý nghĩa đạo đức, và hạnh phúc. Ở đây, bạn cũng có thể bắt gặp bất cứ lúc nào những hành vi văn hóa của người dân...”, anh bạn người Thái nói một cách tự hào...

Như để chứng minh, giữa buổi trưa hè nóng nực, anh dắt chúng tôi ra bên đường phía trước khách sạn Lampang. Ngay bên đường, một thiếu nữ tiến đến chào bán chim phóng sinh cầu phúc, với tấm bảng tiếng Anh: “Please let the birds go for good lucks”. 50 baht cho một lồng chim đan bằng tre với khoảng 10 con chim sẻ! Gần đó, một nhạc công trung niên chơi một loại đàn gõ và thổi sáo. Trước mặt anh ta cũng là tấm bảng quyên góp tiền để xây dựng một ngôi chùa của thành phố bằng tiếng Anh... Lang thang trên những đường phố rộng lớn ở trung tâm Lampang, bất cứ đâu, ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh chú gà trống: Trên những chậu kiểng trồng cây dọc lề đường, trên trụ đèn đường... Những trụ đèn thấp hơn thường làm bằng gốm tráng men hình những cây tre, bên trên cũng có con gà trống men trắng. “Lampang nổi tiếng với nghề làm đồ gốm sứ lâu đời và nổi tiếng nhất Thái Lan, chúng tôi có ít nhất 200 cơ sở đồ gốm như vậy. Còn gà trống là biểu tượng của chúng tôi. Tương truyền ngày xưa khi Đức Phật trên đường hành đạo đến đây, thần Indra lo lắng người dân sẽ không dậy sớm đón ngài để tỏ lòng tôn kính, thần đã biến mình thành một con gà trống gáy nhằm đánh thức họ. Con  gà trống trắng to nhất ở cửa ra vào đền Phra That Luang là biểu tượng của Lampang...”, anh bạn giải thích...

Đi 30 km ra ngoài thành phố, chúng tôi đến Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan thuộc Viện Quốc gia voi với vé vào cửa khoảng 70 baht. Từ năm 1969 đây là nơi chuyên thuần hóa voi rừng để làm phương tiện vận chuyển trong ngành công nghiệp khai thác gỗ. Đến năm 1992, trung tâm này mới chính thức thành lập. Tại đây còn có khu vực điều trị và nghỉ dưỡng cho những con voi già, bị thương hoặc bệnh và bộ phận huấn luyện nghề quản tượng.

Chúng tôi lên chiếc xe ngựa trước khách sạn, chạy quanh một vòng phố trước khi rời Lampang trong sự tiếc nuối. Giá mỗi giờ xe là 300 baht. Có những du khách chỉ lên ngồi trên ghế nài, đội mũ và cầm roi để chụp ảnh, thì chỉ trả có 10 baht... “Từ thế kỷ thứ 7 ở Lampang là một phần của Vương quốc cổ Dvaravati, đến thế kỷ 11, Lampang bị đế chế Khmer chiếm đóng, sau đó, từ thế kỷ 16 đến 18 nằm dưới sự cai trị của Miến Điện... Lampang đã được công bố như là một tỉnh ở Thái Lan trong năm 1892... Với số dân vài ba trăm ngàn, Lampang là thành phố yên tĩnh hơn nhiều so với Chiang Mai hay ChiangRai gần đó. Lampang không có chợ đêm và ít khách du lịch phương Tây, nhưng phụ nữ Lampang nổi tiếng là đẹp và duyên dáng nhất Thái Lan”, anh bạn tôi tự hào nói, lúc tiễn tôi đi về hướng Tam giác vàng.

Trương Điện Thắng

>> Xuất khẩu gạo Thái Lan lao đao
>> Thái Lan hướng sang Myanmar
>> Quyền lực mềm Trung Quốc tại Thái Lan
>> Sinh viên tìm hiểu về Thái Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.