Sức mạnh chiến lược trong lòng biển

19/08/2012 03:15 GMT+7

Với nhiều ưu thế vượt trội, tàu ngầm đang trở thành khí tài phát huy hiệu quả cả về tấn công lẫn răn đe, phòng thủ trên biển.

Theo các tài liệu lịch sử, những ý tưởng và biến thể sơ khai nhất của tàu ngầm đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, chỉ từ Thế chiến 2 đến nay thì tàu ngầm mới phát triển mạnh mẽ về khả năng hoạt động lẫn tác chiến.

Hai bước ngoặt

Có thể nói, hai bước ngoặt quan trọng nhất đối với quá trình phát triển tàu ngầm từ Thế chiến 2 đến nay là việc trang bị động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân và khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm. Với động cơ năng lượng nguyên tử, tàu ngầm có thể kéo dài thời gian hoạt động trong lòng biển mà không cần phải nổi lên để tiếp năng lượng. Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, chiếc USS Nautilus của nước này chính thức hoạt động hồi năm 1954 là tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, tàu ngầm năng lượng hạt nhân liên tục được cải tiến và nay có thể hoạt động nhiều năm liền mà không cần tiếp thêm năng lượng. Vì thế, các tàu ngầm hạt nhân giờ đây có thể di chuyển rộng khắp các vùng biển trên thế giới để tham gia tác chiến gần như mọi chiến trường. Tuy nhiên, chi phí để sở hữu tàu ngầm hạt nhân rất đắt, lên đến hàng tỉ USD, nên hiện chỉ có 6 nước (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ) sở hữu tàu ngầm hạt nhân trong khi hơn 10 quốc gia đang có tàu sân bay.

 Sức mạnh chiến lược trong lòng biển
Tàu ngầm lớp Kilo được đánh giá cao về hiệu quả tác chiến - Ảnh: Reuters

Không chỉ có khả năng hoạt động rộng, nhiều loại tàu ngầm hiện đại còn được trang bị những phiên bản tên lửa tối tân nhất dùng để tấn công tàu chiến, đối không lẫn tấn công vào đất liền. Điển hình như tàu ngầm Virginia của Mỹ mang theo khá nhiều tên lửa hành trình Tomahawk đạt tầm bắn trên 1.000 km. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ và tàu ngầm lớp Borei do Nga phát triển còn có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân. Vì thế, nhóm tàu ngầm này đóng vai trò chiến lược trong việc tăng cường khả năng tấn công mà các cường quốc đề ra. Tàu ngầm không chỉ dùng để tác chiến trên biển mà còn có thể tấn công phá hủy nhiều mục tiêu tầm xa trong đất liền. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang ra sức phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp 094, còn gọi là lớp Tấn, trong kế hoạch đẩy mạnh khả năng răn đe quân sự mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Ngoài ra, Trung Quốc xúc tiến chương trình chế tạo tàu ngầm lớp 096 để kế thừa cho lớp Tấn.

“Ngôi sao” Kilo

 

Mạng lưới phòng thủ trên biển

Tất nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của thế giới cũng phát triển ra các loại phương tiện, khí tài dùng để khắc chế tàu ngầm vốn chiếm nhiều ưu thế khi tác chiến. Trong đó, các hệ thống dò tìm định vị tàu ngầm bằng kỹ thuật phân tích sóng âm (sonar) ngày càng hiện đại. Một số thiết bị sonar tối tân có thể phát hiện cả sự thay đổi nhiệt độ và độ mặn của nước biển để nhận diện tàu ngầm đang nằm im phục kích. Một số loại máy bay chuyên dụng săn tàu ngầm cũng đang được cải tiến ngày càng hiện đại hơn. Nổi bật phải kể đến Boeing P-8 Poseidon của Mỹ hay trực thăng săn tàu ngầm KA-27 do Nga sản xuất và nhiều nước đang sở hữu. Một số loại tàu chiến như tàu hộ tống lớp Gepard đều có thể chở theo máy bay KA-27 để sẵn sàng đối phó với những tàu ngầm tấn công. Vì thế, tàu hộ tống Gepard chở theo trực thăng săn tàu ngầm KA-27 kết hợp cùng tàu tên lửa và tàu ngầm có khả năng hoạt động êm như lớp Kilo sẽ tạo thành một mạng lưới phòng thủ hiệu quả trên biển.

Cùng với nhóm tàu ngầm tấn công chiến lược, các loại tàu ngầm sử dụng động cơ diesel kết hợp điện cũng đang trở thành tiêu chí quan trọng trong kế hoạch tăng cường hải quân của hầu hết các nước. Với mức giá không quá đắt, loại tàu ngầm này có kích thước vừa phải và chủ yếu tập trung vào khả năng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Nổi bật trong nhóm này phải kể đến những loại như: tàu ngầm lớp Kilo (Nga), tàu ngầm lớp 209 (Đức), tàu ngầm lớp Scorpène (Pháp) và tàu ngầm lớp Archer (Thụy Điển). Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang rất ưa chuộng nhóm tàu ngầm này. Ví dụ như Malaysia có 2 chiếc thuộc lớp Scorpène, Singapore sở hữu 2 tàu ngầm lớp Archer. Gần đây, Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 3 chiếc tàu ngầm lớp Jang Bo-go do Hàn Quốc cung cấp. Thực ra, loại Jang Bo-go là một biến thể của lớp 209 bắt nguồn từ Đức và được Hàn Quốc mua lại công nghệ để chế tạo. Loại tàu lớp 209 còn được nhiều nước như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… mua bản quyền để chế tạo.

Trong nhóm trên, tàu ngầm lớp Kilo, do Nga sản xuất và bắt đầu xuất hiện hồi cuối thế kỷ trước, được đánh giá là một trong những loại tàu ngầm có hiệu quả tác chiến hàng đầu hiện nay. Theo chuyên trang hải quân Naval Technology, ưu điểm nổi bật nhất của loại tàu ngầm này chính là việc sử dụng động cơ diesel kết hợp điện nên có khả năng di chuyển cực êm, đối phương rất khó phát hiện. Đặc biệt, khi đóng vai trò phòng thủ bằng cách chốt chặn ở những vị trí nhất định, hiệu quả càng được phát huy tốt hơn.

Tàu ngầm Kilo dài khoảng 70 m, có độ choán nước từ 2.300 - 2.350 tấn khi nổi và từ 3.000 - 4.000 tấn khi lặn. Ở chế độ lặn, loại tàu này đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ (46 km/giờ) cùng tầm hoạt động 400 hải lý (700 km) và có thể hoạt động suốt 45 ngày trên biển. Nhờ đó, tàu ngầm Kilo được đánh giá đủ sức đảm trách công việc phòng thủ, sẵn sàng đánh chặn để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia. Về vũ khí, tàu này được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm và đủ sức mang theo 18 ngư lôi hạng nặng có tầm bắn lên đến hàng chục km. Khi cần thiết, tàu ngầm Kilo có thể phóng ngư lôi cùng lúc tấn công 2 mục tiêu khác nhau và các ngư lôi được tái nạp tự động. Ngoài ra, tàu Kilo còn được trang bị tên lửa đối không để chống máy bay và thậm chí là tên lửa tấn công tàu chiến. Vì thế, đây là loại tàu ngầm sở hữu khả năng hải chiến toàn diện, đủ sức đáp trả các hình thức tấn công khác nhau.

Vì những ưu điểm trên, tàu ngầm Kilo đang được nhiều nước ưa chuộng. Thậm chí, Trung Quốc còn bị cho là đã sao chép lại loại tàu ngầm này sau khi mua một số chiếc từ Nga. Theo tờ Pravda, Bắc Kinh đã tung ra mẫu tàu ngầm lớp Nguyên bằng cách “xào nấu” từ 2 mẫu tàu ngầm lớp Kilo và lớp Lada đều của Moscow. Tàu lớp Nguyên có phần lớn hơn tàu Kilo và sở hữu một số ưu điểm của tàu lớp Lada. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho tàu lớp Nguyên là chất lượng do Nga chưa bao giờ bán ra tàu ngầm lớp Lada và loại tàu này cũng chưa hoàn thành hết các cuộc thử nghiệm. Vì thế, hiệu quả tác chiến của các tàu ngầm do Trung Quốc “thửa lại” từ tàu Kilo không được đánh giá cao.

Ngô Minh Trí

>> Nga đóng tàu ngầm mới cho Hạm đội Biển Đen
>> Tàu ngầm hạt nhân Nga “áp sát bờ biển Mỹ” ?
>> Cáo biển" Đức đối đầu tầu ngầm mini Iran
>> Nga sẽ đưa tàu ngầm lớp Borey tới Thái Bình Dương
>> Ấn Độ chuẩn bị chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.