Bài toán ODA

18/08/2012 03:15 GMT+7

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vừa đạt được thỏa thuận với Việt Nam về một chiến lược cộng tác quốc gia (CPS) mới kéo dài từ năm 2013 - 2015. Trong giai đoạn này, ADB sẽ cho Việt Nam vay 2,6 tỉ USD từ nguồn vốn thông thường và 1,2 tỉ USD từ nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật có thể lên đến 8 triệu USD mỗi năm.

>> 3 dự án ODA bị cáo buộc gian lận: Bộ Công an chưa vào cuộc
 >> ODA và niềm tin
>> Tăng cường điều phối, quản lý các dự án ODA

CPS trên tập trung vào 6 lĩnh vực: nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, năng lượng, tài chính, vận tải, nguồn cung cấp nước và cơ sở hạ tầng. Tất cả đều là những trọng tâm cần thiết để Việt Nam phát triển bền vững. Vì thế, thỏa thuận trên là một thông tin vui cho chúng ta.

Tuy nhiên, các khoản vay ưu đãi hay những chương trình hỗ trợ phát triển cũng tạo ra những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề đặc biệt quan trọng là tốc độ giải ngân. Mới tháng trước, báo chí dẫn lời ông Januar Hakim, chuyên gia quản lý dự án cấp cao của ADB, đề nghị Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn ODA. Tỷ lệ giải ngân trung bình của Việt Nam trong thời gian qua chỉ đạt 16,14%, thấp hơn đáng kể so với mức 22,84% trong khu vực. Con số trên thua xa mức 76,79% của Lào.

ADB không phải là đối tác duy nhất đề nghị nước ta cần tăng tốc giải ngân ODA. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng trước, bà Pamela Cox, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cũng đưa ra ý kiến tương tự.

Việc chậm giải ngân các khoản vay ưu đãi đang là thực tế diễn ra tại Việt Nam. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh từng chia sẻ rằng tiến độ giải ngân ODA đang bị cản trở. Ông cũng chỉ ra một trong những lý do quan trọng gây ra việc chậm giải ngân là vốn đối ứng chưa đảm bảo yêu cầu trong các dự án ODA. Đây cũng là nguyên nhân mà ông Hakim đã đề cập khi khuyến nghị Việt Nam cần tăng tốc giải ngân ODA.

Thực tế, như chúng ta đã biết, bên cạnh những khoản cho vay không tính lãi thì các khoản cho vay khác đều bị tính lãi và có thời hạn hoàn vốn cụ thể. Càng giải ngân nhanh chừng nào để các dự án sớm đi vào hoạt động thì chúng ta càng phát huy hiệu quả tốt hơn. Để giải quyết một khó khăn quan trọng là vốn đối ứng, Chính phủ đã bổ sung, ban hành mới các quy định nhằm cụ thể hóa về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong Nghị quyết số 14 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có việc xây dựng cơ chế để khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vốn ODA. Điều này rất có ý nghĩa khi khối tư nhân đang rất thiếu vốn, đồng thời góp phần tăng cường hiệu quả khai thác nguồn vốn ODA. Dù để có thể tiếp cận nguồn vốn này, doanh nghiệp tư nhân cần phải hoàn thiện khả năng quản lý, tăng cường minh bạch trong hoạt động, phát triển khả năng xây dựng và thực hiện các chiến lược kinh doanh dài hạn...

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, chúng ta cần mạnh dạn cân nhắc khả năng thực tế trong việc tiếp nhận các nguồn vốn ODA. Đại diện ADB đã chỉ ra rằng Lào đã đạt hiệu quả giải ngân tốt khi chỉ có danh mục đầu tư ít. Vì thế, thay vì hồ hởi tiếp nhận, chúng ta cần chọn thái độ cẩn trọng suy xét khi tiếp cận nguồn vốn này.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.