Ma trận trạm thu phí: Người dân lãnh đủ

18/08/2012 03:39 GMT+7

Doanh nghiệp phải trả tiền khi qua các trạm thu phí, nhưng mọi chi phí đều được tính vào giá hàng hóa nên người dân bị dồn thêm gánh nặng.

>> Ma trận trạm thu phí
>> Ma trận trạm thu phí: 10 km, 5 trạm

 Ma trận trạm thu phí
Các trạm thu phí với mật độ dày đặc đã trở thành gánh nặng cho dân - Ảnh: Hải Nam

Chỉ có dân chịu

Chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM chia sẻ: "Tiền phí qua trạm tất nhiên là doanh nghiệp chịu. Thế nhưng, người gánh phí cuối cùng vẫn là dân. Trên tuyến vận chuyển hành khách, tất cả các chi phí, từ xăng dầu, phí cầu đường, hao mòn, nhân lực, các phí không tên khác... đều được tính vào giá vé. Với hàng hóa, tiền phí sẽ được cộng vào giá thành. Phí cao, giá hàng hóa, dịch vụ cao và ngược lại".

Anh Huỳnh Công Thành (Q.5) bức xúc: "Vừa rồi tôi có việc gấp, phải đi taxi từ TP.HCM về thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Trên đường đi, nhìn tài xế trả phí qua trạm mà tôi chóng mặt. Hết hành trình, ngoài tiền xe tính theo km, tôi còn phải trả số tiền hơn 200.000 đồng tiền qua trạm cả đi và về”.

Ông Đặng Đức Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH TM DV vận tải Đặng Tiến - than thở: “Các trạm ở Bình Dương, Đồng Nai thu phí còn  mềm. TP.HCM thu phí mới khiếp. Ở Bình Dương, Đồng Nai xe container 20 feet hoặc 40 feet đều thu cao nhất là 20.000 đồng, còn ở TP.HCM thì xe container 20 feet là 40.000 đồng, xe 40 feet là 80.000 đồng. Container chở hàng hay không vẫn thu như nhau. Mỗi chuyến đi phải mất vài trăm ngàn đồng. Chúng tôi rất khó khăn với số tiền phí cao như vậy, phải tính toán làm sao để vừa đóng đủ các loại phí, vừa bảo đảm lãi, vừa bảo đảm hợp đồng với khách hàng, rất đau đầu”. 

Nhà nước không quản được ?

Bộ Tài chính đã có quy định rõ khoảng cách tối thiểu đặt trạm thu phí ở Thông tư 90 (đã dẫn ở bài trước), tuy nhiên trên thực tế hầu hết khoảng cách giữa các trạm ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM chỉ cách nhau từ 20-30 km. Thậm chí, chỉ 10 km đã có 5 trạm như tỉnh lộ 16 nối Đồng Nai và Bình Dương. Dọc theo QL13 và QL1K cũng vậy, cứ mỗi một ngã rẽ vào đường khác lại có thêm một trạm.                           

Để làm rõ thực trạng “ma trận” này, chúng tôi đã liên lạc với Sở GTVT Bình Dương nhưng một cán bộ sở này trả lời rằng Sở không quản lý trạm thu phí. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao vấn đề giao thông mà Sở lại không quản lý thì cán bộ này giải thích: “Do các trạm thuộc dự án BOT, mà dự án BOT là do UBND tỉnh ký hợp đồng với doanh nghiệp, nên có lẽ trạm thu phí thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh”. Khi chúng tôi liên hệ với UBND tỉnh thì ông Đoàn Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức hành chính tỉnh - lại nói: “Trạm thu phí thuộc về giao thông nên Sở GTVT quản lý mới đúng, chứ tại sao lại bảo là không biết?”. Nói như thế, hóa ra lâu nay, không ai quản lý vấn đề này cả. Chúng tôi cũng đã liên lạc với Sở GTVT Đồng Nai, nhưng sau nhiều lần quanh co hứa hẹn, vẫn không nhận được câu trả lời chính thức từ sở này.

Ông Đặng Đức Tiệp bày tỏ: “Trạm ở xa lộ Hà Nội đã khiến không ít doanh nghiệp vận tải bức xúc. Trạm này trước đây được UBND thành phố cho phép thu trong thời hạn 9 năm với giá 30.000 đồng/xe container 40 feet. Mới đây, trạm được gia hạn thu phí, lại được duyệt nâng giá lên đến 80.000 đồng/container 40 feet, như vậy là quá vô lý. Số lượng xe qua lại trạm mỗi ngày mỗi tăng, dù giữ mức giá cũ, đơn vị thu phí vẫn còn lời, thế mà lại ưu ái cho tăng giá nữa thì dân không bức xúc sao được?”.             

Chủ một doanh nghiệp vận tải tại quận Thủ Đức nêu ý kiến: Trước đây, TP.HCM đã chủ động mua lại trạm cầu Ông Thìn trên Quốc lộ 50; trạm đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành và xóa bỏ việc thu phí ở các trạm này, nhằm giảm tình trạng ách tắc giao thông, gỡ khó cho doanh nghiệp. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình cao của nhân dân. Vì vậy, nên chăng, với các trạm trên tuyến đường trọng điểm, đầu tư lớn thì vẫn giữ chế độ thu phí, còn các trạm nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít thì UBND các tỉnh, thành cũng nên xem xét, nghiên cứu cách làm như trên để giảm thiểu cảnh chờ đợi, đóng phí mỗi lần qua trạm. Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, một lý do quan trọng hơn là 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM là vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía nam, đòi hỏi sự nhanh nhạy, năng động nhưng trạm thu phí lại dày đặc, cản trở lưu thông, như thế chẳng khác nào là những rào chắn sự phát triển?

Thanh Đông - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.