Phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2020

14/08/2012 03:20 GMT+7

Ngày 10.8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.

Theo Nghị quyết, từ nay đến năm 2020, TP.HCM cần tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ: thương mại quốc tế; tài chính, ngân hàng; dịch vụ cảng, kho bãi, hậu cần hàng hải và xuất, nhập khẩu, vận tải đa phương thức; du lịch. Tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng. Nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã…

Thành phố tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đầu tư nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt chú ý khai thác nguồn vốn từ nhà xưởng, quyền sử dụng đất để góp phần tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông; các hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông… Đầu tư xây dựng hệ thống đê ven biển, công trình thủy lợi ven sông Sài Gòn, hệ thống cống ngăn triều, kiểm soát lũ, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, kết nối với kết cấu hạ tầng các tỉnh lân cận và vùng ĐBSCL.

Về tổ chức thực hiện, tiếp tục cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp. Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực như: quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho thành phố về ngân sách, quyết định một số khoản thu, chi; về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; tổ chức, nhân sự; thẩm quyền xử phạt hành chính... phù hợp với điều kiện của thành phố. Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về tạo vốn, hỗ trợ vốn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành phần kinh tế, theo nhiều hình thức đa dạng và phù hợp: xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công tư (PPP), chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan...  

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.