Bướm bị đột biến do phóng xạ Fukusima

14/08/2012 10:36 GMT+7

(TNO) Phóng xạ rò rỉ trong môi trường tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) khiến bướm bị biến dạng, BBC trích dẫn một nghiên cứu khoa học tại Nhật cho biết.

Hai tháng sau thảm họa hạt nhân Fukushima diễn ra vào tháng 3.2011, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã thu thập 144 mẫu bướm xanh lục (Zizeeria maha) từ 10 địa điểm khác nhau trên toàn nước Nhật, bao gồm cả khu vực gần nhà máy Fukushima.

Bướm Nhật bị đột biến do phóng xạ Fukusima
Bướm xanh lục (Zizeeria maha) bình thường và con cùng loại bị đột biến vì phóng xạ (phải) - Ảnh: Scientific Reports 

Khi so sánh độ biến dạng giữa những con bướm thu thập được, các nhà khoa học khám phá ra rằng bướm sống tại khu vực có lượng phóng xạ cao hơn thì cánh nhỏ hơn và mắt to bất thường.

Các nghiên cứu tiếp theo chỉ ra rằng, nguyên nhân của sự biến dạng này là do phóng xạ, theo báo cáo của một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản. Báo cáo này được đăng tải trên trang tin khoa học trực tuyến Scientific Reports (Anh).

Giáo sư Joji Otaki, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng khám phá này “gây bất ngờ lớn” vì các nhà khoa học trước đó vẫn tin rằng côn trùng có độ kháng phóng xạ rất cao.

Nhóm nghiên cứu sau đó đã đem nuôi số bướm nói trên tại những phòng thí nghiệm ở khu vực không bị ảnh hưởng phóng xạ và họ bắt đầu nhận thấy một số các đột biến chưa từng xuất hiện trong các thế hệ bướm trước đây, gồm cánh và râu bị biến dạng, chân to hơn bình thường.

Sáu tháng sau, nhóm nghiên cứu tiếp tục thu thập bướm tại 10 địa điểm nói trên. Họ phát hiện những con bướm sống tại khu Fukushima có tỷ lệ đột biến cao gấp hai lần sao với số bướm thu thập trước đó.

Khám phá này khiến các nhà khoa học đi đến kết luận rằng: nguyên nhân của sự biến dạng không chỉ là do bướm ăn thực phẩm bị nhiễm xạ, mà còn do các đột biến lặn của thế hệ trước truyền sang.

Kết quả của cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, sự phát triển của các động vật tại khu vực bị nhiễm phóng xạ vẫn đang bị ảnh hưởng, ngay sau khi lượng phóng xạ rò rỉ trong môi trường không còn.

Hoàng Uy

>> Bò ăn cỏ nhiễm phóng xạ có cho sữa nhiễm phóng xạ?
>> Phát hiện phóng xạ lan rộng tại Nhật
>> Mức phóng xạ cao kỷ lục tại Fukushima
>> Nhật Bản tiêu hủy thịt bò nhiễm phóng xạ
>> Nhật phát dụng cụ đo phóng xạ cho trẻ em
>> Trồng hoa hướng dương khử phóng xạ ở Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.