Mãi mãi Hoàng Sa

10/08/2012 03:05 GMT+7

Tiếp nối những đội hùng binh Lý Sơn một thuở, những chàng trai trẻ đất Quảng Nam, Đà Nẵng... trước 1975, đã vượt sóng gió ra Hoàng Sa giữ đảo. Đến bây giờ, những ký ức ở đảo xa vẫn còn in mãi trong tim mọi người.

Quần đảo tươi đẹp của Tổ quốc

 

Mỗi khi nhớ đến Hoàng Sa, tôi nghĩ có một ngày nào đó sẽ có dịp bước chân trở lại đảo với niềm tự hào đó là một phần của đất nước chúng ta và thuộc chủ quyền của ta (Ông Nguyễn Văn Đức, nhà ở Q.5, TP.HCM, ra Hoàng Sa đợt 37, tháng 10.1969) - Trích từ Kỷ yếu Hoàng Sa 2012

Giữa mùa thu năm 1971, chàng trai trẻ Lê Lan, nguyên quán ở Điện Trung, Điện Bàn (Quảng Nam) lúc bấy giờ mới 19 tuổi, là y tá theo đoàn ra đảo. Ông Lan nhớ lại: “Đợt tôi ra Hoàng Sa là đợt 45. Ra để đổi cho anh em đợt 44 đã hết nhiệm vụ. Chuyến đi xuất phát ở cảng Tiên Sa - Đà Nẵng từ 16 giờ hôm trước, tàu chạy luôn đêm đến khoảng 6 - 7 giờ sáng hôm sau là đến Hoàng Sa”. Ban đầu nhận lệnh ra giữ đảo, ông Lê Lan cũng như những người trong đoàn hết sức lo lắng: “Phải nói rằng, được công tác tại Hoàng Sa là một vinh dự lớn. Song cũng có ít nhiều lo lắng và băn khoăn nhất định. Vì Hoàng Sa cách xa đất liền, mênh mông biển nước và ở đó những 3 tháng”. Tàu đến Hoàng Sa hạ neo ngoài khơi, rồi dùng tàu cao su gắn máy đưa vào đảo. “Đặt chân lên đảo tôi thật sững sờ. Đường vào đảo như hang động, bởi hai bên san hô chất cao quá đầu, dây leo phủ kín. Giữa đường đi có đường ray xe goòng từ hồi Pháp để lại” - ông Lan nhớ lại.

Còn ông Phạm Khôi, hiện ở P.Thạch Thang (TP.Đà Nẵng) kể: “Tôi nhớ như in ngày tôi ra Hoàng Sa là ngày bà con ta đưa ông Táo về trời năm 1969. Lúc đó tôi rất hăm hở, háo hức vì mong muốn chinh phục, khám phá vùng đất mới của đất nước và vì khát vọng của người thanh niên đi bảo vệ biển đảo quê hương”. Ở Hoàng Sa lúc đó yên bình, thậm chí nhiều người còn tếu táo với nhau là đi Hoàng Sa để an dưỡng, chứ không phải đi làm nhiệm vụ. Bởi, không khí nơi đây trong lành, biển xanh, cát trắng, hải sản dồi dào. “Khi màn đêm buông xuống, anh em chúng tôi tụ tập lại bên nhau để nghe tin tức ở quê nhà. Cuộc sống biển xa muôn vàn khó khăn, nhưng vì mục đích lớn phải bảo vệ đảo, vì vùng đất máu thịt của Tổ quốc nên mọi người đều  cố gắng vượt qua” - ông Phạm Khôi nói. Ông Nguyễn Văn Cúc, nhà ở P.Phước Mỹ (Q.Sơn Trà) có 3 lần ra Hoàng Sa từ năm 1973. Công việc của ông là khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước ngọt, đồng thời lấy mẫu đất, thực địa để chuẩn bị xây dựng sân bay. “Giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người được biết, để con cháu thế hệ mai sau luôn biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp, là một phần của Tổ quốc Việt Nam”.

Mãi mãi Hoàng Sa
Cột hải đăng Hoàng Sa năm 1937 - Ảnh chụp từ tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng

Cúng đảo cầu bình yên

Ở ngoài đảo sợ nhất là cảnh thiếu nước, ông Phạm Khôi nói: “Chúng tôi sử dụng nước mưa được chứa ở các bể ngầm xung quanh nhà khí tượng. Khi tôi sống ở trên đảo thì chứng kiến 3 lần bị thiếu nước ngọt, mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày. Khát quá, nên chúng tôi lấy nước ở giếng lên để dùng, nhưng nước giếng chỉ uống được khi còn nóng, chứ để nguội rất khó uống. Uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng”. Do thuốc men thiếu thốn, thành ra việc chữa trị bệnh cũng chỉ sử dụng đường và sữa mà thôi. “Những lúc như vậy mới thấm được tình cảm của anh em xa nhà” - ông Khôi tâm sự. Trong bao thứ vật dụng, nhu yếu phẩm, thuốc men mang ra Hoàng Sa, trên tàu bao giờ cũng có mấy chú heo để cúng đảo, một tập tục được truyền lại từ bao thế hệ người Việt từng giữ đảo Hoàng Sa. Nhiều người khi gặp gỡ, trò chuyện với PV Thanh Niên đều nhớ và kể rằng, bao giờ cũng vậy, trước khi đưa hàng hóa, thực phẩm, gạo, muối... xuống tàu để ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, anh em cũng chuẩn bị 2 - 3 con heo, con lớn cỡ 50 - 70 kg và 2 con nhỏ hơn. Khi tàu vừa cập Hoàng Sa, theo thông lệ và tập tục truyền lại, những người ra đảo phải làm thịt một con heo để cúng đảo. Mục đích việc cúng tế này được lý giải là để cầu mong biển đảo phù trợ cho mọi người được bình yên. Những con còn lại, được nuôi nấng kỹ lưỡng để khi hoàn thành nhiệm vụ, về đất liền làm thịt con heo cúng tạ ơn đảo đã chở che để mọi người được mạnh khỏe, an lành trở về nhà với người thân, bạn bè...

Mãi mãi Hoàng Sa
Ông Phạm Khôi, nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa trao kỷ vật là vỏ ốc hoa ở Hoàng Sa cho UBND H.Hoàng Sa - Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp

Theo nhiều người từng ở đảo, Hoàng Sa chỉ có dương liễu, dừa và cây nhàu, rất khó để trồng được loại cây rau quả nào để cải thiện thêm. Theo ông Khôi, bên bãi trồng cây dương liễu có một cái miếu rất thiêng, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, bên trong có tượng đồng đen, xung quanh miếu có hàng chục ngôi mộ đắp bằng đất được cho là nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ người Việt giữ đảo Hoàng Sa. Nói về miếu thờ ở Hoàng Sa, nhiều người từng ra đây kể vanh vách: “Phía nam của đảo có một cái miếu xây tường, lợp ngói, cao 3 m, dài 3,5 m, ngang chừng 2,5 m quay về hướng nam. Chính giữa thờ tượng Phật, một tượng Quan Ông và hai bệ thờ. Trước tượng Phật có bàn nhỏ bày những quyển kinh, có một cái chuông và một cái mõ để tụng kinh, niệm Phật”. Người ở đảo thường kể cho nhau nhiều câu chuyện ly kỳ về sự linh thiêng của ngôi miếu, về chuyện mỗi khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn cá lớn kéo về vũng nước gần miếu như để chầu; chuyện có người muốn nổ lựu đạn vào đàn cá, song đã bị tử vong vì lựu đạn nổ ngay trên tay; trong đó có chuyện một ông thuyền trưởng vào năm 1968 có ý định đưa tượng Phật bằng đồng đen lên tàu về đất liền. Khi tượng đã lên thuyền, nhưng rồi thuyền cứ xoay tròn, không tiến lui gì được. Thấy vậy, thuyền trưởng sợ quá, bèn mang tượng đặt lại trên miếu, đốt nhang lạy lục van xin thì thuyền mới yên ổn rời đảo.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.