Nghệ nhân với những cây đờn “độc”

09/08/2012 15:08 GMT+7

Ở Hậu Giang có một nghệ nhân đờn ca tài tử rất đặc biệt. Ông được nhiều người biết đến và mến mộ không chỉ vì ngón đờn giỏi mà còn do biệt tài sáng chế các loại nhạc cụ truyền thống “có một không hai”.

Nghệ nhân với những cây đờn “độc”
Nghệ nhân Chín Quý đang chơi đờn ngũ âm huyền - Ảnh: Hương Giang

5 đờn bầu trong 1

Vừa đến trung tâm TX.Ngã Bảy, qua cầu chữ Y chừng 100 m, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Chín Quý. Ông niềm nở tiếp chúng tôi trong căn phòng khách khá chật chội, bề bộn vì chất đầy các loại âm li, loa, đờn….

Nghệ nhân Chín Quý tên thật là Lê Thanh Quý, năm nay đã bước vào tuổi 63. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đờn ca, từ năm 13 tuổi, ông bắt đầu theo học đờn bầu. Sau khi thành thạo đờn bầu, ông tiếp tục mày mò học chơi các loại nhạc cụ khác và bước vào nghiệp cầm ca khi mới 17 tuổi. Ông Chín Quý nhớ lại: “Hồi mới vô nghề, tui theo đờn cho gánh hát Kim Chung 2 và 5. Đến nay gần 50 năm rồi, cuộc sống cũng nhiều biến cố lắm nhưng được cái thỏa lòng đam mê của mình”. Sau nhiều năm khổ luyện, tới nay, ông có thể chơi gần chục loại nhạc cụ; từ các loại đờn của ta như: bầu, sến, cò… tới đàn Tây như: violon, Hạ uy di (ghi ta Hawaii)… 

Điều đặc biệt hơn cả là ông có tài sáng tạo, làm mới các loại nhạc cụ truyền thống; trong đó, độc đáo nhất có thể kể tới cây ngũ âm huyền. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về loại nhạc cụ “độc” này, ông đem đờn ra và chơi một đoạn trong bản Đoản khúc Lam Giang. m thanh phát ra từ cây ngũ âm huyền đa dạng và biến chuyển liên tục. Nói như cách của nghệ nhân Chín Quý: “Tiếng đờn của cây ngũ âm huyền có thể trầm như xuống địa ngục mà cũng có thể bổng lên tận mây xanh”. Nếu không được chứng kiến tận mắt sẽ dễ lầm tưởng âm thanh phát ra từ nhiều cây đờn một lúc. Ngũ âm huyền được ghép từ 5 cây đờn bầu, sắp xếp từ nhỏ tới lớn, độ dài dây từ ngắn tới dài. Cách chơi ngũ âm huyền có nét khác với đờn bầu. Kết hợp với rung cần, người chơi có thể vừa gảy, vừa đờn liên tục trên 5 dây.

Ngoài ngũ âm huyền, ông còn cho chúng tôi xem cây tam huyền di lạ mắt. Ông cho biết “tam” lấy ý tưởng từ cây đờn tam thập lục vì cây tam huyền di cũng được gõ bằng que, “huyền” vì đờn có “hơi” của độc huyền cầm (đờn bầu) và “di” do đờn sử dụng cái block (thanh inox để chặn dây thay vì bấm phím khi gảy) của cây Hạ uy di. Khi đờn lên, cây tam huyền di vừa phát ra tiếng của cây Hạ uy di lại vừa có tiếng của đờn bầu.

Từ trên căn gác lửng, ông đem xuống cây đờn sến cũng độc đáo không kém, được làm lại từ cây măng đô lin và chiếc trống của dàn nhạc lễ. Thêm vào đó là hàng loạt những cây ghi ta, Hạ uy di… do ông tự cải tiến.

Ban nhạc gia đình

Tới nhà nghệ nhân Chín Quý, chúng tôi còn được thưởng thức giọng ca vọng cổ ngọt ngào của nghệ nhân Trang Kim Tuyến, người bạn đời của ông. “Tui cũng theo nghiệp đờn ca từ rất sớm. Gặp nhau hồi 21 – 22 tuổi; vì mê tiếng đờn, tiếng hát mà tìm đến với nhau”, bà chia sẻ. Những bản vọng cổ ca ngợi quê hương do ông sáng tác như: Ngã Bảy quê tôi, Về Hậu Giang thăm căn cứ… đều do bà trình bày.

“Hồi đầu, theo nghề đờn ca này vất vả lắm nhưng vợ chồng tui vẫn quyết tâm bám trụ tới cùng. Giờ rất mừng vì có thể sống được với nghề và có con đi theo kế nghiệp”, ông tâm sự. Anh Lê Thanh Nhân – người con trai út của ông bà nối bước cha chơi những bản đờn ca với cây organ hiện đại. Hiện nay, cho mướn dàn nhạc, đờn ca góp vui cho các đám cưới hay tham gia vào các dịp cúng đình, lễ tết…  là nguồn kiếm sống cho gia đình. “Gia đình đờn ca tài tử của anh Chín Quý thì ở đây ai cũng biết. Ảnh có nhiều sáng tạo mới lạ và thường tích cực tham gia vào những hoạt động của địa phương”, ông Lê Hoàng Tân, Đội trưởng Đội thông tin thuộc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TX.Ngã Bảy cho biết.

Từ giã gia đình nghệ nhân Chín Quý, trên đường ra về, âm thanh trầm bổng từ những cây đờn “lạ” xen lẫn tiếng ca ngọt ngào của vợ chồng ông vẫn vang vọng trong đầu chúng tôi. Mong sau này, tiếng đờn ca và cả những nhạc cụ độc đáo, đầy sáng tạo của gia đình ông sẽ được biết đến nhiều hơn và tiếp tục truyền lại cho thế hệ mai sau. 

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.