“Ngân hàng tự xử lý được nợ xấu”

09/08/2012 03:30 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước ( ảnh ), Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH).

>> Nợ xấu 202.000 tỉ đồng!
>> Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
>> Ngân hàng phải dùng lợi nhuận giải quyết nợ xấu!
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu

Cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Trương Văn Phước, "người trong cuộc" đã cho câu trả lời rõ ràng nhất về vấn đề, có nên thành lập công ty mua bán nợ xấu của nhà nước, có nên dùng tiền thuế của dân để gánh rủi ro cho các NH hay không. 

 lãi ngân hàng
Các ngân hàng cho rằng lợi nhuận của họ không nhiều như mọi người nghĩ - Ảnh: D.Đ.M

Đủ sức “tự chữa bệnh” cho chính mình

Đã có cơ chế phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro tùy theo nhóm nợ. Nếu cứ làm đúng như vậy thì NH phải tự xử lý được nợ xấu của mình chứ không thể xảy ra tình trạng nợ xấu biến thành "cục máu đông" làm tắc nghẽn vốn vào sản xuất như hiện nay. Các NH không thực hiện đúng quy định trích dự phòng rủi ro hay quy định này có điều gì bất ổn, thưa ông?

Quy định trích dự phòng rủi ro (Quyết định 493 của NHNN - PV) không có vấn đề gì. NH cho vay và trích dự phòng rủi ro, nếu thẩm định không kỹ, cho vay có rủi ro thì NH phải móc tiền túi ra đền cho khoản vay đó. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, kinh tế của ta gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện kiềm chế lạm phát đã làm giảm sức cầu của nền kinh tế, hàng hóa tồn kho tăng, luân chuyển vật tư, vật liệu gặp nhiều khó khăn nên nợ xấu tăng lên. Nếu cứ trích lập dự phòng rủi ro đúng như quy định khó khăn đầu tiên là doanh nghiệp (DN). Bởi nếu bị chuyển nhóm nợ (nợ xấu được phân thành 5 nhóm với 5 mức độ khác nhau) thì DN phải chịu lãi suất phạt. Đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Việc chuyển nhóm nợ cũng khiến NH phải trích chi phí dự phòng cao hơn. Cả DN và NH đều khó nếu thực hiện đúng quy định.

 
Với cơ chế trích phòng rủi ro và dự phòng chung trong cả chục năm qua, các NHTM cổ phần đều có một lượng vốn bằng tiền thật, bên cạnh việc thanh lý một giá trị đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị... đủ để chúng tôi tự chữa bệnh cho mình

Như vậy cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nợ của NHNN đã gỡ nút thắt trong việc xử lý nợ xấu hiện nay? 

Đúng thế. Cơ chế này sẽ định lại các kỳ hạn trả gốc, trả lãi sẽ tạo điều kiện cho DN kéo dài thời gian để tìm cơ hội bán được sản phẩm, tiêu thụ được sản phẩm, sống được. NH cũng không phải tăng chi phí trích lập dự phòng, có thêm điều kiện để giảm lãi vay. 

Vậy thì các NH đã có thể tự xử lý nợ xấu thông qua cơ chế này?

Cho cơ cấu nợ nhưng NH không được và không thể lạm dụng chính sách này. Nếu lạm dụng để che giấu bản chất thật của nợ rất xấu mà DN không có khả năng phục hồi thì NH sẽ rước họa vào thân.

Ví dụ, một DN làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn lưu động đi mua đất, mua nhà mà NH vẫn cho cơ cấu nợ thì NH chết vì vốn sẽ bị nghẽn ở đây. Hay DN đã mất hết vốn, không còn tài sản đảm bảo, không có hàng tồn kho mà NH cơ cấu lại nợ theo kiểu kéo dài thời gian vay và trả lãi thì dù có kéo đến đâu, DN cũng chết. Cái đúng đắn của cơ cấu nợ là giúp DN có hàng hóa tồn kho ứ đọng tạm thời, chưa bán được, chưa tạo ra dòng tiền vượt qua khó khăn chứ không phải kéo dài thời gian chết của DN. Chúng tôi chỉ cơ cấu nợ cho những DN, người vay có khó khăn tạm thời chứ không phải "thay áo cho xác chết". Nếu đã chết rồi, chỉ thay một tấm áo thì không giải quyết được vấn đề. 

Có thể hiểu nôm na rằng, do khó khăn kéo dài của kinh tế nên NHNN đã cấp thêm cho các NH giải pháp nói trên. Nhưng bản thân các NH cũng phải có các giải pháp để xử lý nợ xấu của mình chứ không chỉ thụ động chờ sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, thưa ông?

Tất nhiên, chúng tôi vẫn và đang làm việc này. Phần lớn nợ của NHTM cổ phần đều có tài sản đảm bảo là nhà đất, hàng hóa lưu kho... Rủi ro tín dụng chỉ xảy ra khi có những sự cố, những biến động quá bất thường. Nhưng cái "phao" cuối cùng cho những rủi ro này là tài sản đảm bảo. Tại Eximbank, nợ xấu hiện nay là 1,7%/tổng dư nợ trong đó 90% là có tài sản đảm bảo với mức độ đảm bảo từ 120 - 140%. Nghĩa là món nợ 1 tỉ thì tài sản đảm bảo là 1,3 tỉ - 1,5 tỉ đồng. Với cơ chế trích phòng rủi ro và dự phòng chung trong cả chục năm qua, các NHTM cổ phần đều có một lượng vốn bằng tiền thật, bên cạnh việc thanh lý một giá trị đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị... đủ để chúng tôi tự chữa bệnh cho mình. Đối với các NH quốc doanh, ngoài các khoản vay có chỉ định, có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính thì họ cũng thẩm định các dự án, khoản vay cũng hết sức chặt chẽ. Họ cũng tạo một "nền tảng" trích dự phòng rủi ro và hoàn toàn có thể sử dụng khoản này để xóa nợ xấu. Trên thực tế, họ đã làm rồi...

Nhưng có người giúp, tại sao không?

Nếu các NH có thể tự xử lý được, ông có thừa nhận rằng, chúng ta đặt vấn đề xử lý nợ xấu bằng tiền thuế của dân thông qua việc lập công ty mua bán nợ là không cần thiết và thiếu công bằng?

Tôi có thể lấy trong tủ thuốc gia đình các loại thuốc và với kiến thức y khoa sơ đẳng của tôi, vẫn có thể chữa được bệnh. Nhưng nếu như hàng xóm nói rằng, họ có đứa con là bác sĩ, có thể giúp tôi chữa bệnh, thì tại sao không?

Nghĩa là đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu là "quả ngọt" mà các NH "tội gì" không hưởng, thưa ông?

Nếu tự thân các tổ chức tín dụng phải xử lý, chúng tôi vẫn xử lý được, nhưng mất nhiều thời gian hơn. Ví dụ, không dễ để chuyển tên các tài sản thế chấp của người vay qua NH. Nếu người vay không chịu bán, NH phải nộp đơn ra tòa kinh tế kiện sơ thẩm, phúc thẩm... cũng mất vài năm. Vậy làm sao xử lý nhanh được. Vì vậy, nếu có một định chế, tạo một cú hích để xúc tiến nhanh quá trình xử lý nợ xấu, đưa kinh tế chạy nhanh hơn thì ta cũng nên lựa chọn. Tất nhiên, định chế này cần được nghiên cứu hết sức thận trọng và chắc chắn không thể lấy tiền thuế của dân để giúp cho ông này, ông nọ. Tôi mua nợ xấu của anh thì nợ xấu phải được định giá thế nào, tài sản đảm bảo ra sao... phải hết sức rõ ràng.

Ông nói rất có lý nhưng khi NH vẫn đang có lãi, vẫn chia cổ tức thì việc chờ đợi một định chế đứng ra "gánh" rủi ro cho mình nghe không thuyết phục?

Lợi nhuận của hệ thống NH không nhiều như chúng ta vẫn nói. Nhiều hay ít là tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ. Nếu nghe NH này, NH kia lãi vài ngàn tỉ thì thấy nhiều thật nhưng đặc thù của ngành NH là vốn lớn. Nên để đánh giá thực chất vấn đề lợi nhuận, phải nhìn vào tỷ suất sinh lời trên vốn. Năm 2011, cổ tức trung bình của ngành NH là 14 - 15% trong khi tiết kiệm trung bình là 18%. Nếu là cô, cô chọn cách nào? Đó là chưa kể, khoản lợi nhuận này chia cho rất nhiều cổ đông nên thực chất không nhiều. Và các NH có thể chia cổ tức như thế này, cũng không nhiều. Phần nhiều là những NH khó khăn mà NHNN phải cứu qua việc tái cấp vốn, giải quyết thanh khoản, hợp nhất...

Các NH tốt, lớn trong nhóm G14 chiếm 90% thị phần còn nhóm NH nhỏ, yếu chỉ chiếm 10% thị phần, theo ông, có nên để các NH này phá sản để không phải cứu họ bằng mọi cách?

Tôi không trả lời câu hỏi này.

TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao của BIDV, chuyên gia tài chính ngân hàng: Trước tiên là tự cứu

Theo tôi, ngay chính bản thân các NH cũng phải thấy rằng việc tự xử lý là điều chắc chắn phải làm. Thực tế, thời gian qua nhiều NH đã và đang tiến hành bằng nhiều cách khách nhau, như cơ cấu lại nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), sử dụng các quỹ dự phòng chung trích ra từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu nhóm 5, và các trường hợp DN bị phá sản, giải thể, cá nhân chết hoặc mất tích. Với cách làm như vậy sẽ khiến cho chi phí của các nhà băng đã bị tăng lên, và rõ ràng lợi nhuận năm nay đã giảm hơn các năm trước. Tôi cho rằng, NH đã và đang phải giải quyết, không ai có thể ngồi chờ, vì hiện nay rất nhiều nợ xấu, nhiều DN hoạt động khó khăn, NH không tự trang trải nợ xấu thì rất khó để người khác như NHNN hay Chính phủ cứu.

Lãnh đạo một NH TMCP (đề nghị không nêu tên): Đây là một quy luật hết sức bình thường

DN, NH, sinh mệnh của bất cứ tổ chức nào đều phải chấp nhận một quy luật hết sức khắc nghiệt của cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử. Anh không thỏa mãn 3 tiêu chí, năng suất, chất lượng, hiệu quả thì quá trình phá sản của anh sẽ tới sớm. Đó là sự đào thải của kinh tế thị trường. Chúng ta không nên cưỡng lại cái chết tự nhiên của một DN và NH cũng vậy. Phải có sự đào thải như vậy thì kinh tế mới phát triển theo chất lượng được. Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu kinh tế mà không chấp nhận quy luật này, không giải quyết vấn đề này thì không thể tái cơ cấu. Chỉ là khẩu hiệu, là xoa dầu cù là ngoài da chứ không đụng vào những tế bào đã hoại tử cần giải phẫu ra khỏi cơ thể sống. Đây là một quy luật hết sức bình thường. 

Anh Vũ - N.H (ghi)

Ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc NHTMCP Đông Á (DongA Bank): Chúng tôi sẵn sàng giảm toàn bộ lãi

Trong khi NHNN tính toán phương án thì bản thân mỗi NH đều phải có phương án để giảm nợ xấu, nợ quá hạn của mình. Nợ quá hạn tại DongABank hiện nay khoảng 4% trên tổng dư nợ. Chúng tôi sẵn sàng giảm toàn bộ lãi để giảm nợ xấu, thu hồi vốn. Bởi nếu để nợ xấu treo đó, NH cũng không thu được lãi mà còn phải đóng thuế thu nhập DN. Nhiều khoản vay có tài sản thế chấp, chúng tôi cũng thương lượng với DN bán rẻ để có phương án thu hồi. Mỗi NH có cách đánh giá khác nhau nên có khoản nợ xấu tại NH này nhưng NH khác lại đánh giá phương án kinh doanh tốt và họ chấp nhận mua lại khoản nợ xấu đó.

Đại diện NH TMCP Á Châu (ACB): ACB xử lý nợ xấu trong tầm tay

Nợ xấu tại ACB hiện nay dưới 1,6%/tổng dư nợ, tương đương khoảng 1.300 tỉ đồng, chúng tôi tự xử lý được qua việc đàm phán trước với khách hàng trong việc xử lý tài sản. Nếu không sẽ tiến đến bước tiếp theo là ra tòa án. Hầu hết các khoản vay rơi vào nợ xấu đều có tài sản thế chấp là nhà đất nên ACB hoàn toàn có thể thu hồi được. Ngoài ra, ACB còn có thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các NH khác bằng cách mua lại những khoản nợ xấu này. Việc xử lý nợ xấu càng nhanh sẽ tránh được thiệt thòi cho bản thân các DN và NH. Để NH xử lý nợ xấu được nhanh, quá trình xử lý nợ cần được triển khai nhanh hơn về thủ tục, đặc biệt khi khoản nợ xấu được xử lý thông qua tòa án; đồng thời, thị trường mua bán nợ được xác lập để thông qua đó các NH có thể mua lại các khoản nợ lẫn nhau

Tổng giám đốc NH cổ phần Phương Đông (OCB) - Nguyễn Đình Tùng: Gán nợ tài sản để xử lý nợ xấu

Công tác kiểm soát, xử lý nợ xấu tại OCB được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh doanh. Theo đó, chúng tôi tổ chức lại đội ngũ xử lý nợ xấu theo phương thức cấu trúc tập trung để xử lý toàn bộ khoản nợ khó, nợ xấu đồng thời kiểm soát tốt tình hình nợ xấu; bổ sung những cán bộ chuyên nghiệp xử lý nợ xấu bởi xử lý nợ xấu không chỉ cần có nghiệp vụ chuyên môn tốt mà cần có nghệ thuật và am hiểu luật pháp. Chính vì vậy, OCB sẵn sàng đầu tư tuyển dụng nhân sự cao cấp trên thị trường để cùng tham gia công tác xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, NH sử dụng tất cả các biện pháp có thể trên thị trường hiện nay xử lý nợ xấu như sử dụng các biện pháp theo Quyết định 780 của NHNN, xử lý thông qua mua bán nợ, thậm chí có thể nhận gán nợ tài sản, nhận cả gán nợ tài sản tài chính là các khoản đầu tư để tham gia vào sở hữu DN hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Thanh Xuân - Anh Vũ (ghi)

Nguyên Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.