Đường thủy tê liệt vì lục bình

10/08/2012 03:05 GMT+7

Nhiều tuyến giao thông thủy ở Hậu Giang đang bị tê liệt do lục bình sinh sôi nhanh, chiếm hết mặt sông, rạch.

Tuyến Kinh Cùng chạy dài theo QL61, đoạn từ ấp Hòa Đức, xã Hòa An, H.Phụng Hiệp đến giáp ranh với H.Long Mỹ (Hậu Giang) mấy tháng nay bị lục bình giăng kín mặt. Nhiều ghe, xuồng phải neo bờ vì không thể di chuyển. Theo tính toán của người dân, chạy ghe, xuồng trên đoạn sông bị lục bình bao phủ phải tốn xăng dầu gấp 8 - 10 lần so với lòng sông thông thoáng.

Đường thủy tê liệt vì lục bình
Kinh Cùng vừa được người dân phun thuốc 2,4 D diệt lục bình - Ảnh: Tú Uyên 

Còn tại tuyến sông Cái Lớn (rộng 50 - 70 m, một trong 4 sông lớn nhất tỉnh Hậu Giang), từ H.Long Mỹ về các xã Long Trị A, Long Trị, nhiều đoạn cũng bị lục bình lấn chiếm. Trong đó, đoạn thuộc ấp 8, ấp 1, xã Long Trị tiếp giáp với ấp Bình Trung, Bình Thạnh thuộc xã Long Bình có chiều dài khoảng 5,5 km bị lục bình phủ kín mặt sông. Nhiều tuyến sông khác như sông Cái Chầu (H.Long Mỹ) giáp với H.Ngã Năm (Sóc Trăng) và H.Hồng Dân (Bạc Liêu); kênh Hậu Giang 3 và hàng chục tuyến sông, rạch khác thuộc các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ... cũng bị lục bình phủ kín, cản trở giao thông.

Theo ông Lê Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND H.Long Mỹ, nguyên nhân chủ yếu là do để có nguyên liệu cho việc đan thảm, giỏ, các hộ dân sinh sống ven sông đã quây vùng nuôi giữ lục bình; nhưng khi thu hoạch xong không vớt gốc lục bình lên bờ mà đẩy ra sông khiến cho lục bình tiếp tục sinh sôi. 

Một số địa phương của Hậu Giang đã phun xịt thuốc trừ cỏ 2,4 D (nông dân gọi là thuốc khai hoang) để diệt lục bình, giải tỏa mặt sông. Theo ông Trần Hoàng Khởi, Phó chủ tịch UBND xã Long Trị, H.Long Mỹ, sau khi phun xịt khoảng 5 ngày, lục bình sẽ khô héo, làm nước sông trở màu đen, hôi thối; sau đó, phải xịt thêm lần nữa lục bình mới thối rữa và chết hẳn.

Trả lời về những lo ngại khi sử dụng loại thuốc trừ cỏ trên, ông Khởi phân trần: “Không còn cách nào khác. Mỗi lần xịt chúng tôi đều tuyên truyền, khuyến cáo người dân ngưng sử dụng nước sông để ăn trong vòng 10 ngày. Sau đó mới được dùng lại bình thường”.

PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó trưởng khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, cho biết thuốc trừ cỏ 2,4 D dùng để trừ cỏ lúa. Tuy nhiên, thuốc này rất độc hại đối với sức khỏe con người. Đáng lo ngại là hiện nay các loại thuốc này có nguồn gốc từ Trung Quốc rất nhiều, giá rất rẻ. Việc phun xịt xuống sông để diệt lục bình rất nguy hiểm, có thể để lại hậu quả lâu dài.

Tú Uyên

>> Nga xem xét sửa đổi luật giao thông đường thủy
>> Xử lý hơn 45 ngàn vụ vi phạm giao thông đường thủy
>> Tai nạn giao thông đường thủy thảm khốc trên sông Sài Gòn
>> Tai nạn giao thông đường thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.