Phòng khám do người chết phụ trách

06/08/2012 03:30 GMT+7

Một phòng khám (PK) đa khoa tư nhân hoạt động trong tình trạng người phụ trách theo pháp luật đã chết hơn 1 năm.

>> Phòng khám Trung Quốc bị đình chỉ vẫn hoạt động, gây tai biến cho bệnh nhân
>> Xem xét lập hội đồng chuyên môn để làm rõ cái chết tại phòng khám Maria
>> Báo động phòng khám vi phạm

Đó là PK đa khoa tư nhân Y Cao có địa chỉ tại số 262 Cầu Giấy, Hà Nội. Theo hồ sơ Thanh Niên thu thập thì PK này do Công ty THHH Y Cao làm chủ đầu tư, được Sở Y tế TP.Hà Nội cấp phép, bác sĩ Lê Đình Cầu, Trưởng PK đứng tên trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân. Đầu năm 2011, bác sĩ Cầu mất, theo quy định thì PK đã không đủ điều kiện hoạt động. Nếu không có bác sĩ đủ điều kiện hành nghề thay thế đứng tên và được Sở Y tế cấp phép thì PK này phải đóng cửa. Tuy nhiên từ đó đến nay, PK Y Cao vẫn hoạt động bình thường. Trong ngày hôm qua, chủ nhật nhưng tại đây vẫn có cả trăm người bệnh đến khám và điều trị. Tấm biển hiệu trước PK không hiểu vô tình hay cố ý, để trống tên bác sĩ phụ trách.

 Biển hiệu PK đa khoa Y Cao
Biển hiệu PK đa khoa Y Cao để trống tên người phụ trách Ảnh: T.S

Trao đổi với PV, bác sĩ Hoàng Bội Cung nhận bừa mình là “người phụ trách PK”. Bác sĩ Cung thừa nhận người phụ trách theo pháp luật là bác sĩ Cầu đã mất, hơn 18 tháng qua PK vẫn hoạt động bình thường với khoảng 23 bác sĩ khám chữa bệnh. “Sau khi bác sĩ Cầu mất, chúng tôi đã báo cáo với Sở Y tế, đồng thời thực hiện toàn bộ hồ sơ thủ tục để xin cấp phép thay thế. Tuy nhiên, do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện luật Khám bệnh chữa bệnh nên việc cấp giấy phép mới bị đình trệ”, ông Cung nói.

Trên thực tế, từ tháng 11.2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 41/2011 "Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân và cấp phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh". Trước chất vấn của PV Thanh Niên, ông Cung nói rằng: “Nếu tôi sai thì Sở Y tế đã không để chúng tôi hoạt động như thế này”. “Chúng tôi có báo cáo và Sở có biết chuyện này nhưng việc vì sao chưa cấp giấy phép thì phải hỏi Sở”, ông Cung nói.

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo thuộc Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết về nguyên tắc, người đứng tên trong giấy chứng nhận chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của PK, các y tá bác sĩ khác chỉ là người giúp việc mà thôi. Khi người đứng đầu mất hoặc không đủ khả năng làm việc thì người đó đã chấm dứt tư cách pháp lý, PK sẽ phải tạm ngưng hoạt động để làm lại thủ tục.

Liên lạc qua điện thoại với Thanh Niên vào chiều qua, bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đang xem xét các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho PK đa khoa Y Cao. “Sở không hề chậm trễ trong việc hướng dẫn, cấp phép cho họ mà nguyên nhân là PK Y Cao mới hoàn thiện thủ tục trong thời gian gần đây”, bà Hà Nói. Tuy nhiên, bà Hà từ chối trả lời vì sao PK đa khoa thiếu giấy phép nhưng vẫn hoạt động.

Thái Sơn - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.