Làm báo đâu có hồn nhiên thế!

04/08/2012 03:00 GMT+7

Bảy tập đầu tiên của bộ phim Mặt nạ da người (dài 42 tập, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam sản xuất) đã lên sóng VTV3. Đáng tiếc, “món ăn” hứa hẹn hấp dẫn khán giả lại có những hạt sạn không nhỏ.

Chuyện phim xâu chuỗi giữa những con người ở một bệnh viện, một tập đoàn bất động sản và một tòa báo lớn. Trong phim, hình ảnh, công việc của người làm báo được khắc họa phần nào, nhưng có quá nhiều chi tiết khiên cưỡng, phi thực tế.

 Làm báo đâu có hồn nhiên thế!
Cảnh trong phim Mặt nạ da người - Ảnh: V.F.C

Trước hết là buổi tuyển cộng tác viên ngây ngô ở tòa báo Sự Thật. Hàng chục sinh viên ào đến tòa soạn báo với bộ hồ sơ trên tay, cứ thế vào ngay phòng phỏng vấn. Trưởng ban Kinh tế đặt câu hỏi cho cô sinh viên Ngọc một cách mơ mộng: “Nếu viết về đề tài kinh tế, cảm xúc trong em sẽ như thế nào?”. Cách làm việc ở tòa soạn báo Sự Thật cũng khá lạ kỳ. Khi thấy báo bị giảm nhanh lượng phát hành trong một tháng, tổng biên tập liền triệu tập cuộc họp và yêu cầu thư ký tòa soạn: “Ngay ngày mai phải có 2 bài, 3 tin cực hấp dẫn, giật tít trên trang nhất”. Tòa soạn còn có cách rèn luyện và tuyển lựa phóng viên thử việc rất lạ: tất cả phải đấu với nhau trong một cuộc thi.

Các nhà làm phim còn áp cho nhân vật Ngọc - cô sinh viên thử việc kiểu tự tin thái quá. Sau khi biết mình không trúng tuyển, Ngọc rất tức giận: “Mình mà lại trượt à?”, rồi cô quyết tìm đến tòa soạn hỏi cho ra lẽ. Sau khi nghe Ngọc kể chuyện, chị trưởng ban kinh tế nổi giận đùng đùng đưa cô sinh viên vào phòng thư ký tòa soạn, mắng xối xả, và cả quyết: “Không nhận em Ngọc là sẽ tuột mất tài năng”. Không hiểu vì sao, các nhà làm phim đã xây dựng nhân vật nữ phóng viên thử việc ngây thơ đến vậy. Đến sống trong một khu tập thể cùng cô bạn, Ngọc nhìn thấy những người phụ nữ cãi lộn nhau, hay trêu ghẹo đàn ông. Chỉ cần nghe cô bạn nói họ là gái làng chơi, còn một người thì chuyên bán “đồ chơi” cho mấy cô gái, Ngọc đã toan xông ra phía họ, với ý định thuê nhà trọ sống bên cạnh để điều tra.

Không ít lần người xem thấy gợn vì những câu thoại sáo rỗng, ngô nghê (cũng là căn bệnh trầm kha của phim truyền hình): “Bài báo này cho ra sẽ tạo nên cơn sốt, xé nát tâm can của người đọc”. “Báo chí cần nhất sự chân thực mà chúng ta đang sống trong sự chân thực”.

Làm báo không thể hồn nhiên như thế, và làm phim cũng không nên dễ dãi kiểu đó.

 Ngọc An

>> Mặt nạ da người
>> “Kim siêu vòng ba” mất ngôi nữ hoàng phim truyền hình
>> Phim truyền hình "nói khéo" chuyện thời sự
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền
>> Dán nhãn cho phim truyền hình

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.