Chiến lược phát triển hải quân của Nga

02/08/2012 03:35 GMT+7

Nga đang có kế hoạch phát triển tàu chiến, tàu ngầm để trở thành cường quốc trên biển, giữa lúc châu Á - Thái Bình Dương có nhiều biến động.

Ngày 30.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có 51 tàu chiến và 24 tàu ngầm với tổng trị giá lên đến hơn 140 tỉ USD sẽ được bổ sung cho hải quân nước này trước năm 2020, theo đài RT. Trong đó có 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.

Đội tàu chủ lực

Ông Putin đưa ra tuyên bố trên khi tham dự lễ khởi công đóng chiếc tàu ngầm lớp Borei thứ 4 tại nhà máy Sevmash ở miền bắc. Tổng thống Putin cho hay chiếc tàu ngầm lớp Borei thứ tư sẽ mang 20 tên lửa Bulava, nhiều hơn 4 tên lửa so với 3 tàu cùng lớp. Ngoài tàu ngầm, Nga còn có kế hoạch phát triển, nâng cấp các tàu chiến nổi và hướng đến đóng tàu sân bay mới. Hồi tháng 5, Nga hạ thủy chiếc khinh hạm lớp Steregushchy thứ tư mang công nghệ tàng hình, theo RIA Novosti.

Ngày 26.7, Tư lệnh hải quân Nga Viktor Chirkov tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu đóng tàu sân bay mới sau năm 2020. Hiện tại, hải quân Nga chỉ còn 1 tàu sân bay duy nhất là chiếc Đô đốc Kuznetsov, được đóng vào năm 1985, thuộc biên chế của Hạm đội Phương Bắc và đang “lão hóa”. RIA-Novosti từng dẫn lời ông Chirkov tiết lộ rằng Moscow đang muốn thiết lập căn cứ hải quân chủ chốt đầu tiên ở nước ngoài kể từ khi Liên Xô tan rã. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ thông tin này nhưng hé lộ chiến lược mở rộng hải quân trong tương lai.

 Nga sẽ đưa vào hoạt động 8 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo - Ảnh: Reuters
Nga sẽ đưa vào hoạt động 8 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo - Ảnh: Reuters

Tăng cường ở châu Á - Thái Bình Dương

Cũng tại lễ khởi công đóng tàu ngầm lớp Borei thứ 4, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng nhiệm vụ phát triển chính cho hải quân là thành lập “các nhóm hải quân đa năng”, có thể đẩy lùi các mối đe dọa quân sự trên biển, đảm bảo hoạt động hàng hải an toàn, chống hải tặc hiệu quả… Trước đó, ông Putin ra lệnh chính phủ bảo đảm sự phát triển của hải quân, đầu tiên là ở khu vực Bắc Cực và Viễn Đông, theo RIA-Novosti. Giới quan sát nhận định Moscow đang lo ngại lợi ích kinh tế bị đe dọa bởi một số nước và NATO đẩy mạnh hoạt động tại Bắc Cực; đồng thời Nga cũng lo ngại về kinh tế và an ninh tại vùng Viễn Đông, vốn là cửa ngõ để Moscow tiến ra châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đây, hải quân Nga từng có căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam cho đến năm 2001 thì rút đi. Trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng 7, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cho biết sẵn sàng tạo cơ hội cho Moscow thiết lập cơ sở hậu cần ở Cam Ranh, theo Đài tiếng nói nước Nga. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ ưu tiên Nga ở Cam Ranh, bao gồm cả việc phát triển hợp tác quân sự. Tuy nhiên, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam không có ý định cho phép nước khác mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng nhận định chiến lược phát triển hải quân hiện tại của Nga còn nhằm ứng phó với Trung Quốc và Nhật Bản, theo chuyên trang quân sự Defence Review Asia. Cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều có tranh chấp chủ quyền với Moscow và cùng đang tăng cường hải quân. Trong khi Nga tranh chấp với Trung Quốc về biên giới trên bộ thì nước này cũng tranh chấp với Nhật Bản về 4 đảo mà Moscow gọi là nam Kuril còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phía bắc.

Hồi năm 2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev ra lệnh tăng cường phòng vệ ở Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía Bắc bằng cách nâng cấp 2 sân bay và điều động hệ thống tên lửa S-400. Ngoài ra, Moscow còn dự kiến biên chế 1 trong 2 tàu chiến đa năng Mistral, mua của Pháp, vào Hạm đội Thái Bình Dương. Cũng theo Defence Review Asia, Nga muốn sử dụng Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc để án ngữ vùng tây bắc Thái Bình Dương.

Văn Khoa

>> Hải quân Nga muốn căn cứ ở nước ngoài
>> Chiến lược mới của hải quân Nga
>> Tàu Hải quân Nga thăm Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.