Trật khớp háng: Khó trị nếu phát hiện trễ

01/08/2012 10:21 GMT+7

Thời điểm vàng để điều trị trật khớp háng bẩm sinh là khi mới sinh, từ 6-8 tuổi thì việc phẫu thuật có thể không hiệu quả nữa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, cho biết thời gian gần đây gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện trật khớp háng bẩm sinh khi đi khám một bệnh khác hoặc gia đình biết con đi khập khiễng là có vấn đề nhưng do nghèo, thiếu kiến thức y tế nên không điều trị kịp thời.

Trật khớp háng bẩm sinh (còn gọi là loạn sản khớp háng tiến triển) thường do sự phát triển của ổ cối xương chậu hay chỏm xương đùi không bình thường từ lúc trẻ còn trong bào thai. Trẻ cũng có thể bị trật khớp háng do sốt bại liệt, do bại não dẫn đến co thắt cơ… Gia đình có thể nhận biết tình trạng trật khớp háng bẩm sinh dù trẻ chưa biết đi bằng cách quan sát khi trẻ nằm úp. Cụ thể: Nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh thì hai nếp mông và hai nếp khoeo (nếp gấp sau đầu gối) sẽ không cân nhau, khi kéo thẳng hai chân thì bên có tật trông sẽ ngắn hơn bình thường, tư thế nằm của trẻ không cân đối; khi bé biết đi thì sẽ đi khập khiễng, hai bên mông không đều.

Nếu không được điều trị sớm, trật khớp háng bẩm sinh sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác như vẹo cột sống, lệch khung chậu, thoái hóa khớp, đi khập khiễng suốt đời… Đối với bé gái, lệch khung chậu sẽ ảnh hưởng việc mang thai và sinh con sau này. Bà mẹ có khung chậu bị lệch thường sinh khó và gặp nhiều phiền toái khi mang thai do các bệnh lý về cột sống, khớp do dị tật trật khớp háng gây ra.

Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, nói rõ hơn rằng thời điểm vàng để điều trị trật khớp háng bẩm sinh là khi trẻ mới sinh. Từ lúc đó đến khoảng 2 tuổi thường được chỉ định các phương pháp điều trị bảo tồn, tức không can thiệp bằng phẫu thuật (chẳng hạn như kéo tạ để nắn chỉnh, bó bột, sử dụng dụng cụ chỉnh hình chuyên dùng...), nếu thất bại hoặc trẻ đã lớn (khoảng từ 8 tháng tuổi trở lên) thì có thể áp dụng phẫu thuật, chỉnh sửa lại phần xương chậu và chỏm xương đùi không bình thường.

Khi trẻ 6-8 tuổi thì việc phẫu thuật có thể không hiệu quả nữa vì dễ bị thoái hóa khớp do động mạch nuôi dưỡng đã teo lại sau thời gian dài bị tác động bởi dị tật. Xương chậu và chỏm xương đùi khi đó cũng đã biến dạng quá nhiều, giống như một sự tự thích nghi để phát triển, cố gắng chỉnh sửa cũng khó tương hợp. Khi đó, trẻ thường được sử dụng giày chỉnh hình với phần đế bên chân bị trật khớp háng được chêm cao thêm để khắc phục dáng đi vì độ dài tương đối của bên chân có tật sẽ ngắn hơn chân lành.

Lưu ý những ca sinh khó

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, lưu ý chấn thương trong quá trình trẻ sinh ra ở các ca sinh khó như sinh ngôi mông, ngôi đầu nhưng hai tay xuôi, vai quá to, đa thai dẫn đến vướng víu và một số thai không có ngôi thuận lợi… dù không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng cũng có thể trở thành yếu tố góp phần thúc đẩy các bệnh lý, các tật trên trẻ sơ sinh. Đó là lý do vì sao khi dựa trên dịch tễ thì khá nhiều trẻ trật khớp háng bẩm sinh ra đời từ những ca sinh khó. Vì thế, gần đây, các bác sĩ thường chỉ định sinh mổ cho những ca sinh khó. Sau cuộc sinh, bác sĩ có trách nhiệm kiểm tra các dị tật trên trẻ sơ sinh để kịp thời can thiệp.

Theo Anh Thư / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.