Đề xuất nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng

01/08/2012 03:25 GMT+7

Dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ và chính thức công bố tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 31.7 đã có một số điều chỉnh so với dự thảo từng công bố trước đây.

2,6 triệu người không phải nộp thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết ngoài việc nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng, dự thảo luật cũng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/người lên 3,6 triệu đồng/người. Sau khi điều chỉnh, cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế. Tương tự, cá nhân có 1 người phụ thuộc, thu nhập 12,6 triệu đồng/tháng và cá nhân có 2 người phụ thuộc, thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp thuế. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính với mức này thì gánh nặng của người nộp thuế sẽ được giảm bớt. Ví dụ, nếu một cá nhân có thu nhập 15 triệu đồng/tháng mà phải nuôi 1 người phụ thuộc cũng chỉ phải chịu mức thuế 120.000 đồng/tháng.

Ngoài mức điều chỉnh trên, Bộ Tài chính đã đưa vào dự thảo một quy định mở về mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, trường hợp khi giá cả thị trường biến động, tức chỉ số CPI tăng trên 20% thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tốc độ trượt giá.

Với sự chỉnh sửa này, theo bà Mai, sẽ có 2,6 triệu/3,8 triệu người (70%) nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương hiện nay chuyển sang không phải nộp. Đồng thời, tất cả 7 bậc thuế hiện hành cũng được điều chỉnh theo, tức 70% người nộp thuế ở bậc 2 sẽ nộp ở bậc 1, cứ như thế các bậc trên sẽ nộp thuế xuống mức thấp hơn. Nếu dự thảo sửa đổi này được thông qua vào kỳ họp QH tháng 10.2012 và có hiệu lực từ 13.7 năm sau, ước số thuế trong 2013 giảm so với hiện hành khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 hơn 13.000 tỉ đồng.

Đề xuất nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng
Nếu nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, sẽ có thêm 2,6 triệu người không phải nộp thuế - Ảnh: Ngọc Thắng

Xác định đầu mối chịu trách nhiệm

Bàn về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ khẳng định, hiệu quả sản xuất kinh doanh của thành phần này còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị DN chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn, tổng công ty tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai chưa cao, còn tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Chính phủ cũng thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào DN nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Theo đó sẽ bao gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, các bộ kinh tế tổng hợp (Tài chính, KH-ĐT, LĐ-TB-XH, Nội vụ), hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh.

Trên cơ sở nghị định này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh nghị định về quản lý tài chính, quản lý sử dụng vốn của nhà nước tại các DN; quy chế giám sát tài chính DN; cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.

Mặc dù 2 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị âm, nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định nền kinh tế giảm phát, và Chính phủ kiên trì kiểm soát chỉ số CPI ở mức 7% cho cả năm. Bộ trưởng Đam giải thích, CPI tháng 6 và tháng 7 bị âm, nhưng nếu loại ra khỏi rổ tính CPI hai nhóm mặt hàng là năng lượng và lương thực vốn phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài hoặc do mùa màng thì lạm phát lõi 2 tháng qua vẫn dương. “Dự kiến tháng 8 vẫn âm nếu tính cả năng lượng và lương thực” - ông nói.

Cũng theo ông Đam, một dấu hiệu khác để chứng tỏ nền kinh tế chưa giảm phát là mức tăng trưởng GDP. So với các nền kinh tế khác trên thế giới, tăng trưởng chung của VN xếp vào loại khá cao. Tuy năm nay có thấp hơn các năm trước và kế hoạch, nhưng “điều đó không có nghĩa là suy giảm kinh tế”!

Nguyệt Minh - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.