Chỉ giao giá xăng cho DN khi xóa độc quyền

01/08/2012 03:25 GMT+7

Tăng nhanh giảm chậm, điệp khúc này đang tái diễn với cấp độ cao hơn khi quyền điều chỉnh giá xăng dầu đang được trao dần lại cho doanh nghiệp (DN).

Tính bình quân 10 ngày từ 20.7 tới 30.7, giá xăng A92 trên thị trường Singapore đang ở mức 114,7 USD/thùng. Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, nói với mức giá trên, giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành hơn 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng và trên 600 đồng/lít với mặt hàng dầu. Một DN đầu mối khác cho biết, hiện có hai phương án điều chỉnh giá đang được cân nhắc: một là tăng 600 đồng/lít xăng đồng thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu 2%; hai là không giảm thuế và tăng 800 đồng/lít xăng.

 

Nếu không xóa bỏ độc quyền được, việc thực hiện thị trường xăng dầu vẫn chỉ nửa vời, và người tiêu dùng luôn chịu thiệt

TS Lê Đăng Doanh

Theo một chuyên gia, khi giá thế giới tăng, việc tăng giá trong nước là bất khả kháng, nhưng tính toán điều chỉnh mức tăng tới đâu phải có sự can thiệp và giám sát chặt chẽ của liên Bộ. Dù trong báo cáo 10 ngày, các DN đều kêu lỗ và đề xuất tăng giá để bù lỗ, nhưng DN lỗ thực tới đâu, theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, thì “chưa thể khẳng định”. Trên thực tế, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khi giá xăng dầu thấp, các DN nhập khẩu rất nhiều và ngược lại. Cụ thể, trong tháng 6 khi giá xăng dầu thế giới đứng ở mức thấp, lượng nhập khẩu xăng dầu là 1,084 triệu tấn, trong khi nửa đầu tháng 7, khi giá có xu hướng tăng, mức nhập khẩu chỉ là 328.000 tấn xăng dầu các loại. Với việc giảm lượng nhập khẩu, các đầu mối đã giảm bớt phần lỗ đáng kể khi phải nhập khẩu giá cao. Ông Long cho rằng, cơ quan quản lý cần kiểm tra lượng tồn kho xăng dầu cũ của các DN chặt chẽ, để xác định mức lỗ thực giả của DN.

Mặt khác, theo ông Long, việc trả giá xăng dầu về cơ chế thị trường là hợp lý, nhưng khi các “ông lớn” Petrolimex, Petec, PVOil đã chiếm tới 90% thị phần (riêng Petrolimex đã chiếm 60% thị phần), thì không thể giao quyền tự định giá cho DN. Bộ Tài chính cho rằng, việc trao quyền tự định giá cho DN không có nghĩa là thả nổi hoàn toàn, mà trong biên độ nhất định, và việc định giá này phải nằm trong mức giá cơ sở mà Bộ khuyến cáo. Tuy nhiên, câu chuyện từ giá điện cho thấy, việc để DN được quyền điều chỉnh giá dưới một khung nhất định, có thể tạo tiền lệ để DN tăng giá nhỏ giọt nhiều lần.

Chỉ giao giá xăng cho DN khi xóa độc quyền
Các chuyên gia cho rằng cần xóa bỏ độc quyền của các ông lớn trước khi tiến tới thị trường cạnh tranh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong thông báo hôm 19.7, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ ngành đánh giá toàn diện các quy định của Nghị định 84, đặc biệt, trong đó phải nghiên cứu xây dựng quy hoạch thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo sự quản lý của nhà nước và công bằng, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu.

Theo TS Lê Đăng Doanh, điều này cần làm càng sớm càng tốt. Cũng tương tự như ngành điện, để có thị trường điện cạnh tranh thực sự về giá, mấu chốt lớn nhất vẫn là xóa bỏ độc quyền, tách Tập đoàn điện lực VN thành các công ty độc lập. Ngành xăng dầu để tiến tới thị trường cạnh tranh cũng phải theo lộ trình xóa bỏ độc quyền của các ông lớn hiện nay, đặc biệt, phải chia tách nhỏ Petrolimex. Cụ thể, cần tách Petrolimex thành ba khâu: khâu nhập khẩu, khâu bán buôn và khâu bán lẻ hoạt động độc lập, tránh được sự mù mờ hiện nay là giá nhập bao nhiêu, chi phí hao hụt bao nhiêu, lỗ lãi thực bao nhiêu không ai biết. “Nếu không xóa bỏ độc quyền được, việc thực hiện thị trường xăng dầu vẫn chỉ nửa vời, và người tiêu dùng luôn chịu thiệt”, ông Doanh nói.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.