Nhà Huế học với tạp chí “một người”

30/07/2012 09:24 GMT+7

Giới nghiên cứu trong và ngoài nước đến nay hầu như không còn xa lạ với Tạp chí Nghiên cứu Huế. Thế nhưng ít ai biết tạp chí nghiên cứu uy tín này đều do một mình nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Hữu Châu Phan thực hiện.

Tạp chí một người làm từ A đến Z

Tòa soạn của tạp chí Nghiên cứu Huế đóng tại số 18 Nguyễn Huệ, TP.Huế (Thừa Thiên- Huế). Tạp chí do Trung tâm Nghiên cứu Huế thực hiện, nhưng toàn bộ công việc từ chủ biên, sưu tập bài vở, biên tập, trình bày, chế bản, in ấn và phát hành… hầu hết đều do một mình Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan thực hiện (ngoài ra, ông có thêm một cộng sự đắc lực không ai khác là bà xã của ông).

Nghiên cứu Huế 
Các nhà nghiên cứu trong buổi ra mắt Nghiên cứu Huế tập 8 trước thềm Festival Huế 2012 - Ảnh: B.N.L

NNC Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết, tạp chí Nghiên cứu Huế hiện nay là kế tục tạp chí Nghiên cứu Việt Nam trước năm 1975, do chính bố ông, cố học giả, kỹ sư lâm học Nguyễn Hữu Đính chủ biên.

Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam chỉ xuất bản được duy nhất một số và sau đó phải dừng lại do người chủ biên là cố học giả Nguyễn Hữu Đính bị ở tù dưới chế độ cũ. “Ý định kế tục sự nghiệp của bố, duy trì tạp chí đã có từ sau năm 1975, nhưng mãi đến năm 1999, khi nghỉ hưu ở Xí nghiệp in chuyên dùng Thừa Thiên - Huế (nay là Công ty CP in Thừa Thiên - Huế), tôi mới có thời gian để dồn hết tâm huyết để làm. Số 1 tạp chí Nghiên cứu Huế ra đời năm 1999, trong đó ngoài một số bài viết mới, đã sử dụng hầu hết những bài viết, nghiên cứu cũ do các nhà nghiên cứu có tên tuổi gửi bài cộng tác cho tạp chí Nghiên cứu Việt Nam trước đây.

 Nguyễn Hữu Châu Phan
NNC Nguyễn Hữu Châu Phan với di sản sách đặc biệt quý hiếm do bố để lại - Ảnh: B.N.L

Tạp chí được in bằng giấy tốt, trình bày sang trọng, đến nay đã xuất bản đến số thứ 8. Từ số 1 đến số 8, ngoài phần Nhìn lại và nghĩ tới: giới thiệu công trình nghiên cứu Lâm phần miền Nam nói chung, Thừa Thiên nói riêng và vai trò trước mắt của rừng rú chúng ta khi hòa bình được thực sự vãn hồi... của cố kỹ sư lâm học Nguyễn Hữu Đính; còn quy tụ nhiều bài viết, khảo cứu của các tác giả Nguyễn Thế Anh, John Kleinen, Hoàng Văn Lân, Chương Thâu, Masaya Shiraish (Nhật Bản), Ngô Văn Minh, Phan Thanh Hải, Phan Thuận An, Nguyễn Anh Huy, Nguyễn Duy Chính, Hoàng Dũng, Đỗ Xuân Cẩm, Phan Đăng... với nhiều đề tài từ lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ngôn ngữ... Chuyên mục Góp nhặt cát đá với nhiều bài viết khảo cứu, ghi chép, cảm nhận khác nhau của các tác giả Trần Văn Khê, Lê Thanh Cảnh, Bửu Ý, Châu Sơn, Nguyễn Thế, Nguyễn Xuân Hoa... Ngoài ra, tạp chí còn có phần Tin sách và Đoản bút giới thiệu các công trình xuất bản có giá trị và trích các bài viết hay về Huế và in tranh của Đinh Cường, Bửu Chỉ...

Nghiên cứu Huế số mới nhất là tập 8 vừa ra mắt trước thềm Festival Huế 2012 vừa qua (mỗi tập 495 trang, khổ 19x26,5). Nội dung của tập 8 ngoài phần trích đăng công trình nghiên cứu về rừng miền Trung nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng của cố học giả Nguyễn Hữu Đính, còn quy tụ nhiều bài nghiên cứu, khảo cứu của các tác giả là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ tên tuổi của Huế như: Nguyễn Khoa Điềm, Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Nguyễn Thế Anh…

Đặc biệt, trong tác phẩm còn có bài của tác giả Nguyễn Duy Chính về chiến dịch Việt-Thanh (1788), công bố nhiều tư liệu mới phân tích chi tiết nguyên nhân thắng lợi của nhà Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược…

Tạp chí Nghiên cứu Huế được đánh giá là một trong những tạp chí nghiên cứu sang trọng và giá trị về mặt tư liệu bậc nhất Việt Nam về Huế hiện nay. Đây cũng chính là bộ sách mà nhiều thư viện quốc gia và viện đại học trên thế giới đặt mua để bổ sung cho nguồn tư liệu của mình. Và đặc biệt hơn, Nghiên cứu Huế là tạp chí nghiên cứu trong nước duy nhất do một người thực hiện từ A đến Z.

Thừa kế di sản sách đồ sộ

Để có thể làm được tạp chí Nghiên cứu Huế chất lượng và uy tín như trên, ngoài sự hợp lực viết bài của các nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu VN và quốc tế nghiên cứu về VN,  NNC Nguyễn Hữu Châu Phan còn một thuận lợi khác là ông được thừa hưởng một gia tài sách đồ sộ do cố học giả Nguyễn Hữu Đính để lại với 10.000 đầu sách thuộc vào danh mục đặc biệt quý hiếm.

Cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính (1907-1995), là nhà lâm học nổi tiếng với nhiều công trình khoa học về lâm nghiệp, thủy nông, trong đó có công trình khảo cứu và đề xuất giải pháp quy hoạch Rừng du ngoạn miền tây nam Huế, đề án xây dựng Bạch Mã thành Quốc gia Lâm viên... Ông cũng chính là hiệu trưởng đầu tiên của Trường trung học nông lâm súc Huế (tiền thân của Trường ĐH Nông lâm Huế), người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Sùng Chính và xuất bản tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, ra đời trước năm 1975.

NNC Nguyễn Hữu Châu Phan, cho biết: “Ông cụ suốt trong những năm tháng học tập, nghiên cứu, công tác, cho đến khi qua đời, đã để dành phần lớn thời gian cho việc sưu tầm sách, cả trong nước lẫn nước ngoài”.

Di sản sách này có thể tạm chia ra làm 3 lĩnh vực: 1/ Thủy lâm học: có khoảng 2.500 đầu sách, trong đó có những bộ tư liệu rất đặc biệt, được xuất bản từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chủ yếu bằng tiếng Pháp, như: Bộ tư liệu công trình khoa học khảo cứu về các loài cá Việt Nam (Poissons des campagnes du “de Lanessan”) của Viện hải dương học Đông Dương (nay là Viện hải dương học Nha Trang) do tác giả P. Chevey, thực hiện từ năm 1925-1929, giới thiệu các loài cá quý của Việt Nam với hơn 50 hình vẽ minh họa. Bộ tư liệu này, hiện nay ngay Viện Hải dương học Nha Trang cũng không còn; Bộ tư liệu về các loài chim Đông Dương (Les Oiseaux de L’Indochine Francaise), gồm 4 cuốn của tác giả Delacoutr và Jabouille, xuất bản năm 1931. Bên cạnh đó còn có nhiều bài viết, đề tài khoa học của cố học giả Nguyễn Hữu Đính, như: Bộ tài liệu về rừng du ngoạn Huế, Bộ tài liệu về đề xướng thành lập “Quốc gia lâm viên” cho Bạch Mã (nay là Vườn Quốc gia Bạch Mã) và rất nhiều sách về rừng, động thực vật, sinh vật biển có giá trị khác; 2/ Mỹ thuật: có khoảng 250 cuốn, về  tác giả và tác phẩm các danh họa nổi tiếng thế giới từ phục hưng, ánh sáng, cổ điển đến hiện đại... như Raphael Sanzio, Pablo Ruiz Picasso, Leornado da Vinci... Nhóm sách này cũng rất quý hiếm vì hầu hết được xuất bản ở nước ngoài và lại rất đắt tiền. Bên cạnh còn có khoảng 500 đầu sách nghiên cứu mỹ thuật, phê bình mỹ thuật thế giới; 3/ Văn học và lịch sử: gồm trên dưới 5.000 cuốn, trong đó có những tác phẩm được xuất bản rất lâu và hầu hết là các tác phẩm sử quan trọng (bằng chữ Hán hoặc đã dịch). Đặc biệt, một số tác phẩm hồi ký, ký sự, nhật ký hành trình của nhiều quan chức, sĩ quan Pháp thời thuộc địa, như: Bộ tự điển La tinh- An Nam (Dictionarium Latino- Annamitium) của tác giả M.H Ravier, xuất bản năm 1880, tại nhà xuất bản Ninh Phú (một nhà xuất bản Thiên Chúa giáo). Đây là bộ tự điển tiếng Việt rất xưa và cực kỳ hiếm. Ngoài ra, còn có hồi ký Nguồn gốc của vấn đề Bắc Kỳ (Les Origines de la Question du Tong- Kin) của Jean Dupuis, xuất bản tại Paris, năm 1896 và Hồi ký Bắc Kỳ (Le Tong-Kin), viết về Miền Bắc trong khoảng thời gian từ năm 1872-1886. Đặc biệt đáng chú ý là cuốn Nhật ký hành trình của J.L Dutreuil De Rhin, viết về Vương triều An Nam (trong đó chủ yếu viết về Huế). Dutreuil De Rhin là một sĩ quan hải quân Pháp, điều khiển 1 trong 5 con tàu mà Chính phủ Pháp trao đổi với Việt Nam trong Hiệp định 1874, về việc cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Cuốn sách mô tả, ghi chép khá sinh động và phong phú về nhiều lĩnh vực từ lãnh thổ, địa hình, sa bàn và các hoạt động quân sự của triều đình Huế (có hình vẽ minh họa chi tiết)...

Thực hiện tâm nguyện của cha, hiện kho tư liệu đặc biệt quý giá này vẫn mở cửa thường xuyên để phục vụ bạn đọc và người yêu sách vào buổi sáng các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Thư phòng phục vụ miễn phí hoàn toàn cho bạn đọc, nhưng không được mượn mang về. “Bạn đọc nào muốn có tư liệu, chỉ cần để lại yêu cầu, mình sẽ photocopy và tặng miễn phí” - ông Phan cho biết.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.