“Kỹ sư, chuyên gia” Trung Quốc làm lao động phổ thông

29/07/2012 03:40 GMT+7

Hàng trăm người Trung Quốc đang thi công tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) với chức danh là "kỹ sư" và "chuyên gia", nhưng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên , phần lớn họ là lao động phổ thông.

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) gồm có 4 nhà máy. Nhà máy số 2 (gọi là Vĩnh Tân 2, được thi công đầu tiên) do Tập đoàn điện khí Thượng Hải (SEC) của Trung Quốc trúng thầu. Theo danh sách mà PV Thanh Niên có được (gần 300 lao động) thì toàn bộ người Trung Quốc đang thi công tại đây phần lớn đều là “kỹ sư” và “chuyên gia” cùng một ít là phiên dịch, đầu bếp hoặc quản lý. Nhưng khi đến đây tìm hiểu, thì mọi chuyện lại khác.

 

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có công suất 2 tổ máy 1.244 MW (nằm trên diện tích 61,3 ha). Nguồn vốn thực hiện có 85% vay từ Trung Quốc (1,060 tỉ USD), 15% còn lại (khoảng 187 triệu USD) là vốn đối ứng của chủ đầu tư EVN.

"Kỹ sư" đi đào đất, trộn hồ...

Trong vai một cán bộ đi kiểm tra thi công cảng than Vĩnh Tân, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều “kỹ sư” người Trung Quốc đang làm những công việc nặng nhọc, vất vả, như: đào đất, khiêng sắt thép, sơn cửa, trộn bê tông…

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, nói: "Mặc dù công việc ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cần nhiều lao động chân tay, nhưng nhà thầu không hề sử dụng công nhân Việt Nam. Cá biệt chỉ sử dụng làm việc ở vòng ngoài hàng rào với số lượng rất ít, còn bên trong toàn bộ là người Trung Quốc".

Hiện tại, Bình Thuận đã cấp đất cho nhà thầu ESC xây dựng khu nhà ở cho công nhân Trung Quốc ngay ven quốc lộ (diện tích 2,8 ha). Dự kiến khu nhà ở này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2013 và có thể đón hàng ngàn người Trung Quốc sang làm việc.

Không biết họ làm gì bên trong !

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, đến tháng 7.2012, có 249 người Trung Quốc đang làm việc ở Vĩnh Tân, trong đó có 52 người chưa được cấp phép. Trong khi số liệu của UBND tỉnh thì có đến 371 lao động người Trung Quốc đang lao động tại đây, trong đó đến 193 người chưa được cấp phép (!?).

Ông Nguyễn Thanh Sang nhìn nhận, trước nay chủ thầu thi công (SEC) không hề có mối quan hệ gì với địa phương cấp xã. “Cán bộ xã lại không ai biết tiếng Trung Quốc. Khi đụng chuyện vào kiểm tra cũng chẳng biết đường nào mà làm. Nên họ làm gì bên trong đó chúng tôi cũng chịu không biết được”, ông Sang nói.

Ông Từ Thanh Phương, Phó phòng LĐ-TB-XH H.Tuy Phong, cho biết: “Công tác quản lý lao động người nước ngoài ở đây phức tạp vô cùng. Số lượng người Trung Quốc thực sự đang ở công trường Nhà máy Vĩnh Tân 2 là bao nhiêu không ai biết được. Tôi từng cùng với đoàn của tỉnh đến kiểm tra, dù đã báo trước nhiều ngày nhưng khi đến thì họ bắt đứng ngoài cổng chờ rất lâu, rồi không cho vào”.

Thượng tá Đinh Kim Lập, Trưởng công an H.Tuy Phong, thông tin thêm: “Tới đây, nhà thầu còn đưa một lượng cán bộ, công nhân khá lớn đến Vĩnh Tân khi mà việc xây dựng Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào cao điểm”.

 “Kỹ sư, chuyên gia” Trung Quốc làm lao động phổ thông
Khu nhà ở dành cho công nhân Trung Quốc đang xây dựng ở Vĩnh Tân - Ảnh: Quế Hà

Bị mất cắp nhưng không hợp tác điều tra

Theo công văn của Lãnh sự quán Trung Quốc (tại TP.HCM) gửi UBND tỉnh Bình Thuận và các ngành chức năng, thời gian vừa qua có nhiều vụ mất cắp vật liệu thi công ở công trường Nhà máy Vĩnh Tân 2. Cụ thể, xảy ra mất cắp hơn 4.200 lít dầu; 6 bình ắc quy và khoảng 90 tấn sắt, thép; cùng nhiều vụ xô xát giữa công nhân Trung Quốc với thanh niên địa phương.

Tuy nhiên, khi Công an H.Tuy Phong đến làm việc, ông Lei Hong Fei, Phó giám đốc ESC không chứng minh được thời gian cũng như khối lượng vật liệu, xăng dầu kia mất cắp từ bao giờ và mất ở đâu…(!). Thượng tá Đinh Kim Lập cho biết: "Ở công trường Vĩnh Tân 2, có hiện tượng công nhân của nhà thầu "con" lấy cắp vật liệu của nhau, rồi bán ra bên ngoài. Nhiều vụ phía nhà thầu báo bị mất trộm, nhưng khi chúng tôi đến thì họ thiếu hợp tác và không chứng minh được mất khi nào, mất ở đâu, khối lượng bao nhiêu, nên khó có cơ sở để điều tra".

Ông Võ Sơn, công an viên của xã Vĩnh Tân từng tham gia giải quyết các vụ trộm, cho hay: “Lao động Trung Quốc ăn cắp vật liệu tuồn ra ngoài. Vệ sĩ canh gác bắt được quả tang, nhưng khi công an xã đến làm việc thì họ cũng không hợp tác”. Cụ thể, trong tháng 2.2012, ông Lương Văn Tuần (Tổ trưởng tổ vệ sĩ bảo vệ công trường Nhà máy Vĩnh Tân 2), phát hiện công nhân Trung Quốc tên Liu Chuan Zong (còn gọi là A Tuần) đã 5 lần lấy dầu, vật liệu xây dựng bán ra bên ngoài và bị bảo vệ của Việt Nam bắt được quả tang. Nhưng khi báo cáo, phía nhà thầu đều lờ đi không xử lý.

Phát hiện thêm vụ "bán" đất cho người của công ty Nguyên Long Sơn

UBND tỉnh Bình Thuận ngày 28.7 có văn bản kết luận vụ việc ông Phạm Phú Thạnh bán đất nông nghiệp cho thương nhân Trung Quốc. Ngoài những chi tiết mà Báo Thanh Niên đã nêu, UBND tỉnh Bình Thuận còn phát hiện thêm việc 4 hộ dân xã Hàm Đức (H.Hàm Thuận Bắc) đã bán 12.612 m2 đất lúa một vụ cho ông Vũ Duy Tám (quê Bắc Giang, có 5% vốn góp trong Công ty Nguyên Long Sơn do ông Zhong Heng Shan, người Trung Quốc làm giám đốc). Hiện hồ sơ chuyển nhượng diện tích đất lúa này nằm tại văn phòng “một cửa” của UBND xã Hàm Đức. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND H.Hàm Thuận Bắc chỉ đạo xã Hàm Đức trả lại ngay hồ sơ chuyển nhượng trên cho ông Vũ Duy Tám vì hồ sơ không đúng các quy định của pháp luật.

 

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.