Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ

30/07/2012 03:00 GMT+7

Đoàn làm phim Gác chuông nhà thờ do hãng Sống Film sản xuất và Lê Hoàng Hoa đạo diễn, phải thực hiện những thước phim khó khăn, nguy hiểm trên độ cao chót vót của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để hoàn chỉnh 28 trong tổng số 55 phân đoạn của tác phẩm điện ảnh này.

Theo truyện phim, gác chuông nhà thờ Đức Bà là nơi bọn cướp bắt cóc Diễm (Túy Hồng đóng) đem nhốt để đòi tiền chuộc. Gác chuông là “một bối cảnh chưa từng có trong phim ảnh Việt Nam nên tôi nhất quyết đưa bối cảnh đẹp và kỳ lạ này đến với những người yêu phim” - Lê Hoàng Hoa viết. Ông cùng nhà quay phim Nguyễn Văn Để đến gặp đức cha cai quản nhà thờ, xin phép mở cánh cửa dày cộm để lộ ra hệ thống bậc thang dựng đứng dẫn lên đỉnh tháp và không thể tưởng tượng được quả chuông lại to tới mức “5 người như tôi len vào bên trong vẫn còn rộng... quả lắc ở giữa dùng để đánh chuông to hơn cả người tôi, chung quanh là 4 hành lang hẹp chỉ vừa hai người đi”. Từ hành lang ấy nhìn xuống mặt đường thấy “như một cái hố sâu thăm thẳm không đáy... với những chiếc xe hơi đang lưu thông trông giống như những món đồ chơi”.

Phải can đảm để diễn xuất

Hằng ngày, một số diễn viên bắt buộc phải trèo lên gác chuông như Túy Hồng, Huy Cường, La Thoại Tân, Mai Lệ Huyền và Bảo n (vai những tên bắt cóc tống tiền), ông Năm Châu (vai đức cha cai quản nhà thờ), Đoàn Châu Mậu (vai thanh tra cảnh sát) và dĩ nhiên - luôn có mặt đạo diễn, quay phim, cùng các chuyên viên kỹ thuật, ánh sáng.

Một người cầm bộ đàm đứng dưới đường mở máy liên tục để nối liên lạc thường trực với đạo diễn trên gác chuông - nhất là phải thông báo ngay cho đoàn phim biết trước khi người phụ trách gióng chuông của nhà thờ bấm vào nút điện đổ chuông ba lần mỗi ngày (vào 5 giờ sáng, 12 giờ trưa và 5 giờ chiều) để mọi người trong đoàn “bịt hai tai lại và há miệng ra nếu không tai sẽ bị chảy máu vì đứng quá gần quả chuông khổng lồ”. Lo nhất là Năm Châu vì “tuổi tác của ông đã cao... thêm vào đó là lũ dơi bay ào ra mỗi khi có người lên cầu thang”. Có lần ông Năm Châu báo trước sẽ đến trễ, 11 giờ 30 thu cận cảnh xong vẫn chưa thấy ông nên tạm nghỉ ăn trưa. Đang ăn, máy bộ đàm dưới đất hỏi “chú Năm Châu đã lên tới trển chưa?”, cả đoàn giật mình trả lời chưa. “Chết rồi, chỉ còn 4 phút nữa là người ta bấm chuông đó”. Đang lúng túng, chuông nhà thờ đã vang lên, mọi người nín thở nhìn xuống, hồi hộp, thấy Minh - một thanh niên to khỏe - đang dìu ông Năm Châu “ở chiếc cầu thang thứ 4 tính từ gác chuông xuống” lên, ai nấy thở phào.

 
Lê Hoàng Hoa ở Đà Lạt - Ảnh: do nhân vật cung cấp

 
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đang chỉ đạo diễn xuất cho ca sĩ Thanh Thúy (trái) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tới cảnh Bảo n phóng dao “vẽ thành một đường sáng chói vụt qua máy rất tuyệt”, chợt ai nấy đứng lặng người, vì con dao to bản vụt qua cửa sổ, rơi xuống đường đông người qua lại, may quá, không trúng ai hết: “Tất cả lại thở phào, hãy tưởng tượng nếu trúng vào ai đó thì chắc thân thể sẽ bị chẻ làm đôi”.

Chuyện khác: chỉ một cảnh lấy cận lúc quả chuông đang lắc qua lắc lại và sẽ lên phim có 6 giây đồng hồ mà phải thiết kế cái dàn gỗ để bắt camera vào, đặt dưới quả chuông, xong thòng một sợi dây điện nối từ camera ấy xuống tận dưới đất dài thật là dài... Rồi khi quay đoạn phim cuối ở nhà thờ, hãng Sống Film phải nhờ các đội cảnh sát phong tỏa những con đường dẫn đến nhà thờ Đức Bà và thuê thêm các cây đèn 10.000 watts cho các chuyên viên kỹ thuật bố trí ánh sáng suốt từ sớm đến 3 giờ chiều mới xong để thu hình Huy Cường (trùm bắt cóc tống tiền) rơi từ tháp chuông chót vót xuống đất với chiếc cặp văng ra tung tóe những tờ giấy bạc mới toanh. Cảnh quay kết thúc an toàn và như ý: Good take! - ông hô lớn như vậy và bắt tay cám ơn tất cả.

“Thành phố mộng mơ”

Diệu Linh bị gọi về Đà Lạt, Colette Ái Trinh (dì ruột Linh) ở Sài Gòn mời Lê Hoàng Hoa đi ăn tối. Đến bên hông khách sạn Majestic, Colette tắt máy chiếc Dauphine mở cửa bước xuống, rồi “rất tự nhiên khoác tay tôi vào trong Cyclo bar tự chọn một chiếc xích lô (bàn ăn đóng theo kiểu xe xích lô) kéo tôi ngồi xuống”.

Cung cách quá thân mật của Colette làm ông nhớ lại có lần Linh đã nói: “Em có cảm giác như dì ấy (Colette) yêu anh”. Colette “trách nhẹ” vì Lê Hoàng Hoa nên Linh mới bị “má nó đánh một trận tơi bời” buộc phải rời Sài Gòn. Một bữa cô bạn thân của Linh là Ngọc Mai từ Đà Lạt xuống đưa bức thư của Linh viết rằng má Linh sẽ xuống Sài Gòn ngày chủ nhật tuần ấy và “nếu còn nhớ đến em thì anh lên Đà Lạt với em trong ngày thứ hai tới”.

Ông lên Đà Lạt ngay, đợi Diệu Linh trong một biệt thự xây theo kiểu kiến trúc mỹ thuật Thụy Sĩ dùng làm một “auberge không tên” do một bà dì vốn là người trong hoàng tộc rất thân thiết với gia đình Lê Hoàng Hoa từ ngày còn ở Huế lên đó mở ra. Diệu Linh đến gặp ông, ấm áp và ngỡ ngàng như một cơn gió đầu mùa và ông đã “kéo Linh vào vòng tay, ôm thật chặt như thể sợ Linh tan biến đi”. Họ bên nhau trong tiếng hát truyền cảm của Jim Reeves tràn ngập cả phòng qua bản He’ll have to go phát ra từ chiếc cassette đặt bên bình hoa ngọc điểm tím nho nhỏ trên table de nuit... (Còn tiếp)

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.