Bí quyết của các thủ khoa

30/07/2012 03:00 GMT+7

Tất cả các thủ khoa chúng tôi kể dưới đây đều có “mẫu số chung”: cùng là học sinh giỏi, bí quyết học để đạt điểm cao cũng rất đơn giản...

Làm thật nhiều bài tập

Khi nghe tin Trương Thế Tuấn (ở thị trấn Kiến Giang, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đỗ thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (khối A), bạn bè ai cũng khâm phục, khen ngợi.

Tổng điểm 3 môn thi của Tuấn là 28 (toán: 9, lý: 9,5, hóa: 9,25). Trước đó, trong kỳ thi thử ở Trường THPT chuyên Quảng Bình, Tuấn cũng đạt điểm cao nhất. Trò chuyện với chúng tôi, Tuấn không giấu nổi niềm vui: “Lúc thi về, em biết mình sẽ đạt điểm cao nhưng không nghĩ là đỗ thủ khoa. Vì môn toán em chỉ tính được 8 điểm, ai ngờ lên đến 9”. Kinh nghiệm học tập của Tuấn khá đơn giản: lên lớp, chú ý nghe thầy cô giảng bài và ghi chép đầy đủ; về nhà ôn lại kỹ càng và cố gắng tìm tòi, làm thật nhiều bài tập.

 
Thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng Trương Thế Tuấn - Ảnh: D.C.H

Điều kiện kinh tế gia đình của Tuấn khá đầy đủ, Tuấn lại là con trai một, nhưng không vì thế mà cậu ham chơi quên học hành. Năm 2009, Tuấn thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quảng Bình với số điểm rất cao. Sau đó Tuấn một mình xuống TP.Đồng Hới ở trọ để theo học tại trường. Bao nhiêu cám dỗ chốn phồn hoa đô hội Tuấn đều vượt qua, chăm chỉ học hành, rèn luyện. Khi Tuấn đang học lớp 10 thì ba mất, nén đau buồn, Tuấn càng nỗ lực, quyết tâm học hành hơn để khỏi phụ lòng mong muốn của ba lúc còn sống. Chính vì vậy, suốt 3 năm liền Tuấn luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 11, Tuấn đạt giải nhì môn hóa toàn tỉnh; lớp 12, Tuấn là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Quảng Bình.

Tuấn tâm sự: “Lúc mới thi đậu vào trường chuyên tỉnh, ba dặn phải học thật giỏi và hứa sau này sẽ đưa em vào TP.HCM thi ĐH. Ba mất rồi, để được gần mẹ và ông bà, em chọn thi vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Ngày thi môn cuối cùng cũng là ngày giỗ của ba em. Mặc dù trong lòng rất buồn và nhớ ba nhưng em nghĩ mình phải cố gắng vượt qua làm bài thật tốt. Đó là món quà em dâng tặng ba”.

Kể về người học trò thân yêu của mình, thầy giáo Lâm Mẫu Tài, chủ nhiệm lớp 12 chuyên hóa (Trường THPT chuyên Quảng Bình) nói: “Tuy trọ học xa nhà, nhưng Tuấn là học sinh chăm ngoan, học giỏi và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi rất tự hào vì đã có những học sinh như Tuấn”.

Trương Quang Nam - Dương Công Hợp 

Học trên mạng

Dưới ngôi trường THPT 30 năm tuổi của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định, việc đỗ thủ khoa ĐH của Trần Hữu Chí, học sinh của trường được coi là kỳ tích.

Ngày biết mình đỗ thủ khoa, Trần Hữu Chí (29 điểm, Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM) không giấu được niềm vui và cả sự bất ngờ. Nhưng với những ai biết Chí thì đó không phải điều bất ngờ vì 12 năm học, Chí luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và đạt 51 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp.

Chí nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kiến trúc sư từ những ngày bắt đầu học THPT. Chính ước mơ đó đã thôi thúc Chí phải cố gắng học tốt, đặc biệt những môn khối V để rút ngắn chặng đường thành công của mình. Tuy nhiên khi nộp đơn thi ĐH, theo nguyện vọng của cha mẹ, Chí nộp đơn vào cả 2 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM. Với số điểm 29, Chí trở thành thủ khoa của Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM. Còn kết quả thi ở ĐH Kiến trúc TP.HCM, Chí đạt 25 điểm và cũng là thủ khoa khối V với điểm thi các môn: Toán 8,75, lý 9,75, vẽ 6,5 điểm.

 
Trần Hữu Chí - Ảnh: Xuân Dũng 

Ngoài giờ học trên lớp, khoảng thời gian trao đổi cùng thầy cô, bạn bè và những lúc tự học ở nhà, Chí còn chọn cho mình phương pháp học trên mạng. Chí cho biết mỗi ngày em dành cho mình khoảng 4 - 6 tiếng đồng hồ để tổng hợp kiến thức và làm bài tập mới. Trong thời gian ôn thi đại học, mỗi ngày Chí đều lên mạng giải một đề thi về các môn toán, lý, hóa, sinh và dành một giờ để tập vẽ. Đặc biệt, Chí rất thích tham gia các kỳ thi thử để xem khả năng của mình tới đâu và rèn luyện sự tự tin.

Chính những sự chuẩn bị kỹ càng đó đã giúp Chí có được kết quả như ngày nay. Khi được hỏi sẽ chọn trường nào để học, Chí phân vân: “Từ nhỏ em rất thích kiến trúc, nhưng ba mẹ muốn phải có một đứa con học ngành y. Em cũng chưa biết nên làm thế nào, nếu học ngành kiến trúc thì thời gian học ngắn hơn, đỡ được một khoản tiền cho ba mẹ, nhưng nếu không được học ngành y thì em cũng rất tiếc”.

Ông Hồ Văn Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh nhận xét: “Chí là một học sinh giỏi toàn diện của trường. Chúng tôi không bất ngờ khi nghe em đậu 2 trường ĐH, nhưng rất bất ngờ và cũng rất tự hào khi biết em là thủ khoa của Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM”.

Xuân Dũng 

Ôn bài mọi lúc mọi nơi

Với số điểm 27,5 (toán: 10, văn: 8, Anh: 9,25) trở thành thủ khoa ĐH Ngoại thương là một kết quả ngoài mong đợi đối với Phan Lê Thanh Trúc.

Theo học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Thanh Trúc cho biết: “Em học chuyên toán và tự nhận thấy mình không có năng khiếu về văn học. Em chỉ hy vọng qua môn văn để đủ điểm, chứ không dám nghĩ mình sẽ là thủ khoa”.

Thanh Trúc chia sẻ: “Em không tin vào tai mình khi bạn cho biết điểm. Sợ nghe nhầm, em đã hỏi đi hỏi lại bạn xem có nhìn nhầm của ai không? Vẫn chưa tin, em gọi cho mấy bạn nữa để kiểm tra, vì lúc này em đang trên tàu về quê thăm bà nội bị bệnh. Quá bất ngờ và hạnh phúc với kết quả này, hai mẹ con em đã ôm nhau khóc”.

Chọn thi vào ngành quản trị kinh doanh nhưng Thanh Trúc lại có ước mơ trở thành một giảng viên ĐH, chứ không phải là một nữ doanh nhân như nhiều bạn khác. Thanh Trúc cho biết: “Ngành quản trị cần một người năng động, hoạt bát mà tính em lại trầm nên em thấy giảng viên hợp với mình”. Để chuẩn bị cho ước mơ của mình, Thanh Trúc đã và đang cố gắng trau dồi thêm kiến thức về tin học và sẽ đăng ký tham gia các hoạt động đội nhóm sau khi nhập học.

 
Phan Lê Thanh Trúc - Ảnh Đào Ngọc Thạch

Thủ khoa đã có lúc bật khóc vì sợ không đậu ĐH. Chia sẻ về điều này, Thanh Trúc kể: “Sau khi thi tốt nghiệp xong, điểm số không được như mong muốn nên em rất buồn, lo sợ không đậu ĐH và đã bật khóc. May mà mẹ luôn ở bên động viên, an ủi và cổ vũ tinh thần cho em. Ngoài ra, ba mẹ cũng không áp đặt là phải đậu ĐH nên tâm trạng em đã tốt lên rất nhiều. Cứ rảnh là em hay nghĩ ngợi lung tung, để quên đi suy nghĩ đó em lại lôi bài vở ra làm thật nhiều, hay gọi điện, nhắn tin với bạn bè”.

Nói về bí quyết học tập của mình, Thanh Trúc chia sẻ: “Em học rất bình thường, không có bí quyết gì đặc biệt. Ở trường em lắng nghe thầy cô giảng bài, về nhà thì hoàn thành hết bài tập được giao. Khi gặp khó khăn hay điều gì không hiểu em hỏi bạn bè, nếu chưa tìm ra lời giải em nhờ thầy cô để có đáp án chính xác nhất. Ngoài ra, em trao đổi cách làm với các bạn, nhớ những cách giải hay của bạn bè để áp dụng cho những bài tập sau. Em thường làm bài tập ở nhiều dạng khác nhau để mình có khả năng tư duy nhiều hơn. Gần thi, em tranh thủ lên mạng tìm những đề thi thử của Hà Nội để ôn tập thêm, vì cách ra đề của thầy cô rất sát. Trong khi làm em căn thời gian và tự tạo thói quen như đang thi thật để kiểm tra khả năng của mình”.

Đạt học sinh giỏi 12 năm liền, nhưng những môn học thuộc lòng khiến Thanh Trúc mất khá nhiều thời gian, phải đọc đi đọc lại nhiều lần để nhớ lâu hơn. Tranh thủ mọi lúc để ôn bài, ngay cả trên đường đến địa điểm học thêm, ngồi sau xe em cũng lôi bài ra học.

Trong cuộc sống, với phương châm “cố gắng là sẽ thành công”, Thanh Trúc luôn lấy những khó khăn trước đó làm động lực để sống tốt hơn. 

Lưu Hường

>> Cô gái mê game đỗ thủ khoa 30 điểm
>> Thủ khoa 30 điểm ở ĐH Y dược TP.HCM
>> Cậu học trò hư trở thành thủ khoa
>> Xây nhà cho thủ khoa
>> Thủ khoa thứ 5 đạt 29 điểm
>> Học trường làng, đỗ thủ khoa ĐH Ngoại thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.