Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm

29/07/2012 03:00 GMT+7

Để bạn đọc biết thêm về giai đoạn cuối nhằm hoàn tất một cuốn phim trong những điều kiện kỹ thuật ở gần nửa thế kỷ trước tại Sài Gòn, chúng tôi trích giới thiệu dưới đây những mô tả thực tế mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã trải nghiệm…

Một lần nữa chúng ta hãy trở về với phim Chân trời tím sau ngày toàn bộ hình ảnh của cuốn phim in rửa ở Far East Laboratory bên Nhật Bản gửi về. Công đoạn tiếp theo gồm ráp nối, chuyển âm và hòa âm sẽ đem đến thực hiện tại Trung tâm Điện ảnh - nơi “đầy đủ dụng cụ máy móc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật” để hoàn chỉnh âm thanh với một dàn gồm “7 chiếc máy chạy phim từ tính (magnetic film) 16 ly và 3 máy khác 35 ly to như những dàn tủ đứng”. Cả hai loại máy trên được vận hành đồng bộ (interlock) trong lúc hòa âm và đều được đặt ở phòng thứ nhất. Phòng thứ hai của trung tâm cách phòng trên hai bậc thềm với cửa cách âm (soundproof) để sẵn 45 ghế nệm bọc simili màu đỏ thắm trước một màn ảnh rộng. Bước vào đó khá sớm là hai chuyên viên chính phụ trách âm thanh là Hạ và Kính cùng các chuyên viên cộng sự tăng cường cho giai đoạn hòa âm gồm Ẩn, Nghĩa, Dũng và hai cô chuyên viên “xinh như mộng”: Lệ Trinh và Mỹ Trang. Hai ông Quốc Phong và Mỹ Vân đến sau với nét mặt rạng rỡ, vì hôm nay là ngày đầu của giai đoạn cuối cùng trong việc thực hiện một cuốn phim: giai đoạn hòa âm (mix).

 Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Hòa âm
Ảnh mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ở nhà riêng tháng 6.2012 - Ảnh: Giao Hưởng

“Các chuyên viên lắp hai cuốn phim từ tính 35 ly cho nhạc A và B, một cuốn phim từ tính 35 ly cho đối thoại, 2 cuốn phim từ 16 ly cho tiếng động chuyển âm, và 4 cuốn phim từ 16 ly cho tiếng động hiệu quả (effect)”. Tôi đưa mắt cho Hạ: “Chạy thử đi”. Hạ gật đầu bấm nút talk-phone liên lạc với các phòng: “Phòng chiếu xong chưa?”, “Phòng chiếu xong” tiếng của kỹ sư Trần Minh Lực vang lên: “Ampex xong chưa?” “Ampex xong”. Tiếp đó:

- Tiếng động A xong.

- Tiếng động B xong.

- Effect 1, 2, 3, 4 xong.

Tôi ngồi xuống sau chiếc bàn dài đầy máy móc, cạnh tôi là Hạ, Kính và người đẹp Lệ Trinh: “Phòng chiếu cho than củi đi” (anh em phòng âm thanh vẫn gọi đùa mỗi khi ra hiệu cho phòng chiếu bật đèn than của máy chiếu phim). Một luồng sáng trắng từ ống kính máy chiếu trên lầu rọi thẳng tràn đầy màn ảnh cinemascope. Kính bật một cái nút nhỏ, dưới màn hình scope hộp đèn của đồng hồ đo độ dài phim (footage counter) bật sáng lên, những con số chạy nhanh rồi trở về số không. Hạ bật nút interlock, tất cả các máy được cài lại với nhau để chạy cùng một lúc. Hạ ấn nút cuối cùng. Tất cả các máy, kể cả máy chiếu phim trên lầu bắt đầu chạy cùng lúc và cùng một tốc độ là 24 hình trong 1 giây. Trên màn ảnh xuất hiện chữ start mark, rồi các con số 9-8-7… đến số 3 một tiếng “bíp” vang lên, rồi lại một tiếng “bíp” khác nhỏ hơn. Hạ vội vàng tắt máy. Màn hình vụt tối đen, đèn trong thính đường A sáng lên”.

Lúc ấy ông Quốc Phong sốt ruột quay lại hỏi Lê Hoàng Hoa: “Sao vậy Hoa, chuyện gì vậy?”. Ông trả lời: “Có một máy chạy lệch, không sao cả”. Thỉnh thoảng máy chạy lệch như thế là thường nên các chuyên viên và cộng sự của họ trong phòng âm thanh và phòng chiếu đều rất bình tĩnh. Họ gỡ tất cả 9 cuốn phim từ tính và cuốn phim hình ảnh ra lắp lại đúng start mark (dấu khởi đầu). Giọng Hạ lại vang lên: “Phòng chiếu xong chưa, xong rồi thì cho than củi nhé”. Một lần nữa màn ảnh rộng được chiếu sáng bằng đèn than của máy chiếu, đèn trong phòng mờ dần rồi tắt hẳn. Chữ start mark và những con số lại hiện ra, tiếng “bíp” vang lên ngay con số 3 rồi im lặng: “Trên màn hình là vùng đồi núi chập chùng với những đám khói màu tím xám bay qua…” mãi đến hình ảnh cuối cùng của cuốn phim và đèn bật sáng. Ông Quốc Phong cười hỏi: “Xong rồi hả Hoa?”. Lê Hoàng Hoa lắc đầu: “Đâu có dễ như vậy, vừa rồi chỉ là chạy thử, còn phải chạy như vậy vài lần nữa cho nhuyễn rồi mới mix thật được”. Kế  đó, tiếp tục chạy thử thêm 3 lần nữa và một lần rưỡi mix thật, thì “roll 1 của Chân trời tím mới hoàn thành lúc 12 giờ 10 hôm ấy” và khi đèn bật sáng, mọi người mới biết ông Quốc Phong đã ra về từ lúc nào. Lê Hoàng Hoa tính nhẩm: “Hôm nay là thứ ba, đã hòa âm được 2 cuốn, nếu máy móc không trục trặc thì đến trưa thứ bảy là hòa âm xong cả 9 cuốn và chủ nhật tôi có thể bay lên Đà Lạt tìm gặp Diệu Linh. Hy vọng là như vậy và nếu không tôi cũng cứ đi. Thật may, không có một trục trặc nào xảy ra trong những ngày kế tiếp, 9 cuốn phim Chân trời tím đã được hòa âm xong vào trưa thứ bảy và tối thứ bảy, một tối mà tất cả những người bắt tay vào làm phim mong đợi từ lâu nay đã đến: xem toàn bộ phim Chân trời tím với đầy đủ âm thanh, đối thoại, nhạc và tiếng động”.

Phim được người xem đón nhận vượt dự kiến, Lê Hoàng Hoa được nhiều hãng phim khác mời làm đạo diễn. Song lúc ấy ông vẫn còn phải tiếp tục thực hiện thêm một phim nữa (Điệu ru nước mắt) cho Liên Ảnh Công ty. Tuy vậy, “một cameraman thuộc loại cừ khôi của Trung tâm Điện ảnh” bấy giờ đang là đạo diễn của Đài truyền hình THVN9 và là bạn học với ông từ hồi hai người còn học tiểu học ở Trường Saint Pierre là Nguyễn Văn Để (Diên An) đến tìm ông, nói: “Túy Hồng muốn mời toa làm đạo diễn cho Sống Film”. Con đường nghệ thuật của ông tiếp tục thuận lợi nhiều hơn sau buổi tiếp tân của Sống Film mở tại khách sạn Caravelle để chính thức giới thiệu Lê Hoàng Hoa là đạo diễn phim Gác chuông nhà thờ sắp quay của họ… (Còn tiếp)

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.