Chứng cứ pháp lý từ một tấm bản đồ Trung Quốc

26/07/2012 15:03 GMT+7

(TNO) “Giá trị lớn nhất của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” chính là giá trị pháp lý của nó”, tiến sĩ Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Hán Nôm nói. “Giá trị này nằm ở chỗ đây là một công trình do chính nhà vua Trung Quốc cho tổ chức thực hiện trong thời gian dài”.

>> Hiến bản đồ Trung Quốc cho Bảo tàng Lịch sử
>> Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lập “TP.Tam Sa”
>> John McCain: "Trung Quốc khiêu khích không cần thiết
>> Phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc
>> Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”
>> Nhật cảnh báo về hoạt động của Hải quân Trung Quốc
>> Trung Quốc ngang nhiên bầu “Thị trưởng Tam Sa”

Vốn là người làm công tác tư liệu Hán Nôm, ông Hồng đã tự dịch 600 chữ Hán cổ đề trên tấm bản đồ. Đây là một bài viết của Chủ nhiệm Đài thiên văn Trung Quốc nói lên quá trình các giáo sĩ đo đạc để thực hiện bản đồ này. Nó cho thấy tấm bản đồ không chỉ tham khảo các tư liệu cổ của Trung Quốc mà còn được thực hiện dựa trên những tư liệu do các giáo sĩ đo đạc trong nhiều năm.

Chẳng hạn, vua Khang Hy phái 3 giáo sĩ đi đo đạc trong năm 1708. Sau đó tới năm 1710 lại mời giáo sĩ Đông Hưng về 13 tỉnh để thu thập tài liệu tiếp. Sau nhiều lần thu thập tài liệu như thế, các tư liệu đồ sộ được tập trung về kinh đô để định hình bản đồ này. Công trình kéo dài 196 năm này tới đời Quang Tự 1904  mới hoàn thành. Một công trình có thời gian thực hiện kéo dài, kỹ lưỡng, lại do vua sai làm chứng tỏ tính pháp lý của nó rất cao.

Cũng nhờ việc chỉ đạo của nhà vua với việc làm bản đồ cẩn thận, lại tập trung các nhà khoa học cả Trung Quốc lẫn phương Tây nên tấm bản đồ này kỹ lưỡng đến mức nhìn vào đó thuyền bè ra vào thuộc như lòng bàn tay.

Một đoạn nội dung trong 600 chữ nói trên cho biết điều này: “... nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền duyên hải đều phỏng họa các đường thủy tàu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì đề bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người...”.

Theo bản đồ này, cực Nam của Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ bắc. “Việc đo đạc này được chính người phương Tây thực hiện, do đó các kinh vĩ độ được đo đạc, in ấn chính xác”, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam nói.

Tiến sĩ Mai Hồng cho biết cũng theo bản đồ này, phía Bắc nước ta được vẽ vào đó với tên Đông Kinh. Vịnh Hạ Long chính là Đông Kinh.

Được thực hiện có tổ chức, quy mô trong thời gian dài như vậy nên tiến sĩ Hồng khẳng định không thể có chuyện các học giả Trung Quốc không biết đến tấm bản đồ này.


Đông đảo người dân VN quan tâm đến tấm bản đồ Trung Quốc khi nó được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Ảnh: Ngô Vương Anh

Hoàng Sa, Trường Sa không có trong bản đồ Trung Quốc

“Về mặt văn bản học, đây là còn một dấu mốc quan trọng với ngành bản đồ Trung Quốc”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Sử học nói. “Bởi trước đó, họ chỉ làm bản đồ vẽ tay chứ chưa có những phương pháp in ấn như phương Tây với thể hiện tọa độ, tỷ lệ xích chính xác. Nó cho thấy Trung Quốc chỉ nói đến đảo Hải Nam thôi, không có Hoàng Sa Trường Sa. Có nghĩa là đến năm 1905 người Trung Quốc cũng xác định chính đất đai của họ cũng chỉ kéo đến đó”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết tiếp sau triển lãm về văn hóa biển, trong đó có công bố một số bản đồ thì việc triển lãm tấm bản đồ này cũng là một phương thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đây là một tấm bản đồ quý. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều bằng chứng chứng tỏ chủ quyền của chúng ta trên biển Đông. Ông nói: “Cần nói rõ rằng chúng ta còn nhiều bằng chứng khác, chứ không phải chỉ riêng tấm bản đồ này. Việc có tấm bản đồ làm rõ hơn chủ quyền của chúng ta”.

Tiến sĩ Mai Hồng đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Theo tấm bản đồ của chính người Trung Quốc này, đảo Hải Nam là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc, chứng minh các quần đảo ở biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tấm bản đồ xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910 được vẽ và ấn hành vào cuối triều Thanh. Phía trên tấm bản đồ có một văn bản bằng Hán tự cổ khoảng 600 chữ nói về quá trình thực hiện bản đồ này. Văn bản cho thấy bản đồ là phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.